Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Phép xem mạng gà theo Kê kinh

Mọi người đều biết rằng kết quả thi đấu ngày nay hầu như phụ thuộc vào bổn bang và chế độ nuôi dưỡng. Nhưng một khi bổn bang và chế độ nuôi dưỡng là như nhau, mà điều này vốn là xu hướng chung, thì màu mạng chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt. Chẳng hạn, ba mươi năm trước, chỉ một số ít sư kê ở Philippines sở hữu gà đá Mỹ nòi xịn, ngày nay thì hầu hết sư kê đều có thể tiếp cận những dòng gà danh tiếng này, bởi có rất nhiều trại gà cạnh tranh lẫn nhau để cung cấp gà đá chất lượng cho thị trường. Bổn bang tuy cực kỳ quan trọng nhưng nếu ai cũng có thì không thể lấy đó làm lợi thế. Các phương pháp biệt dưỡng và ốp cũng vậy, đa phần những sư kê nghiêm túc đều coi trọng và nắm vững cách thực hiện những công đoạn này. Bởi vậy, việc thành bại đôi khi lại do những yếu tố rất nhỏ quyết định. Chúng ta có thể coi phép xem màu mạng là một trong những yếu tố như vậy.

Phép này vốn được lưu truyền trong dân gian. Một điều chắc chắn là nó đã xuất hiện từ rất lâu vì gắn liền với một học thuyết cổ xưa: “thuyết Ngũ Hành”. Ngày nay, vẫn còn rất nhiều sư kê tin tưởng và áp dụng phép này vào các trận đá gà. Nó bao gồm nhiều yếu tố vốn không thể “định lượng”, điều dẫn đến khó khăn trong việc phân tích và đối chiếu. Bởi vậy mà có nhiều biến thể hay còn gọi là “môn phái” màu mạng khác nhau ra đời, mỗi “môn phái” lại sử dụng một tập hợp các yếu tố khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu phép xem màu mạng theo Kê kinh, một trong những tài liệu xưa nhất về chủ đề gà chọi xuất hiện cách nay hơn một thế kỷ.

Về nguồn gốc của Kê kinh, chúng ta không có thông tin nào khác ngoài mấy chữ “sách gà Phạm Công”. Tất cả những gì mà chúng ta biết ngày nay đều qua bản dịch nôm Kê kinh diễn nghĩa dạng thơ lục bát của Giao-hòa, lão-nhiêu Nguyễn Phụng Lãm. Bài được đăng trên báo Nông-cổ mín-đàm vào năm 1902. Điều dẫn đến suy đoán rằng sách được viết bằng chữ Hán hoặc Hán-Nôm. Bảo bản dịch là Kê kinh cũng được mà bảo không phải cũng được bởi chúng ta chỉ thấy ý chứ không hề thấy hình. Có quan điểm cho rằng tác giả Kê kinh là Tả Quân Lê Văn Duyệt (1763-1832). Tương truyền, Đức Ngài rất ham mê môn chọi gà và nuôi đến hàng ngàn chiến kê để nghiên cứu các phép xem tướng, xem vảy và đặc biệt là màu mạng gà. Tựu trung, nội dung của phép xem màu mạng này bao gồm bốn phần:

*Phân tích sắc lông chiến kê cùng với hành tương ứng.
*Sinh khắc của màu lông.
*Sinh khắc theo mùa (tứ thời sinh khắc).
*Sinh khắc theo ngày (nhật thần sinh khắc).

Màu lông

Kim=gà nhạn
Mộc=gà xám
Thủy=gà ô
Hỏa=gà điều, gà tía
Thổ=gà ó vàng

*Hành mộc có màu xanh, nhiều người thắc mắc tại sao lại xếp gà xám vào hành mộc? Nếu quan sát kỹ màu xám có ánh xanh, người phương Tây nhận ra điều này nên họ gọi là “blue” thay vì “grey”. Có lẽ vì vậy mà gà xám được xếp vào hành mộc. Gà “grey” là gà chuối, đặc biệt là những con mà hắc sắc tố lan đến lông bờm và lông mã gọi là “chuối tro”. Đấy là màu xám thuần túy không lẫn sắc xanh.

*Màu vàng có khi được xếp vào hành kim, màu nâu được xếp vào hành thổ nhưng Kê kinh lại xếp màu vàng vào hành thổ, ở đây chúng ta sẽ xem màu nâu như là “đỏ pha đen” tức “hỏa pha thủy”. Chẳng hạn tía bịp (điều mật) ngả tông nâu, hành chính vẫn là hỏa, nhưng pha thủy.

*Tên gọi đôi khi không phản ánh đúng thực chất, chẳng hạn gà “điều” hay “tía” có nhiều tông màu khác nhau từ đỏ, cam cho đến vàng. Nếu ngả sang tông vàng thì nên xếp vào hành thổ (thay vì hành hỏa). Hoặc gà khét điều hành hỏa, nhưng khét vàng lại là hành thổ.

*Kê kinh viết “Cứ theo sắc chánh mà suy”, nếu gà có nhiều màu khác nhau thì dựa vào màu chính mà xem hành. Màu chính là màu ở thân và cánh, những màu ở đuôi, lông mã, lông bờm là phụ (gà chọi xưa có ít lông bờm). Những hoa văn như lau (đuôi và cánh lẫn màu trắng), bông, nổ (đốm trắng), cú (vạch) cũng là phụ.
Giả như xám trổ mã vàng,
Thiệt là sắc mộc màu vàng kể chi.
Bông nổ mã ô đen sì,
Màu thời chẳng kể, kể thì thủy ô.
Như vàng mã chuối trỏ vô,
Kể là sắc thổ chuối dò làm chi.
*Màu tía (điều) là một ngoại lệ. Màu tía điển hình có lông bờm, lông mã và một phần của vai, cánh màu đỏ, trong khi thân và đuôi màu đen. Nếu bám sát định nghĩa ở trên thì màu tía thuộc hành thủy bởi thân màu đen, chỉ có gà khét mới đúng là hành hỏa. Đây là điểm mâu thuẫn của Kê kinh, bằng không gà tía (điều) trong bài này ám chỉ đến “gà khét” chứ không như cách mà chúng ta hiểu ngày nay.

*Có sách gà viết “gà có đủ năm màu tương ứng với ngũ hành là gà ngũ sắc, gà ngũ sắc không theo mạng”. Kê kinh không đề cập gì đến việc này mà chỉ nói lấy sắc chính làm đại diện.



Ngũ hành luận

*Tương sinh: nghĩa là hỗ trợ, giúp đỡ, kim-->thủy, thủy-->mộc, mộc-->hỏa, hỏa-->thổ, thổ-->kim, đi giáp một vòng, các hành sinh lẫn nhau.
*Tương khắc: là cản trở, khắc chế, kim> mộc, mộc>thổ, thổ>thủy, thủy>hỏa, hỏa>kim, các hành khắc lẫn nhau, không hành nào là vô địch.
*Tương hòa: là bình hòa, không hỗ trợ hoặc cản trở, kim~kim, mộc~mộc, thủy~thủy, hỏa~hỏa, thổ~thổ.
*Tương thừa: hàm ý “thừa thế lấn áp”, chẳng hạn “mộc khắc thổ”, nếu mộc quá mạnh hoặc thổ quá suy thì gọi là “mộc thừa thổ”.
*Tương vũ: hàm ý “khinh nhờn”, chẳng hạn “thủy khắc hỏa”, nếu hỏa quá mạnh hoặc thủy quá suy thì gọi là “hỏa vũ thủy”.

Quan hệ biện chứng
*Tương sinh lại chia ra làm “sinh nhập” và “sinh xuất”; sinh nhập = kẻ khác hỗ trợ mình nhờ vậy gia tăng công lực; “sinh xuất” = mình hỗ trợ cho kẻ khác nên bị hao tổn công lực. Ví dụ: “mộc sinh hỏa” thì mộc là “sinh xuất”, hỏa là “sinh nhập”, mộc hao tổn công lực trong khi hỏa tăng thêm công lực.
*Tương khắc cũng chia làm “khắc nhập” và “khắc xuất”; “khắc nhập” = bị kẻ khác khắc chế; “khắc xuất” = khắc chế kẻ khác. Ví dụ: “thổ khắc thủy” thì thổ là “khắc xuất”, thủy là “khắc nhập”, thổ đè nén thủy, thủy không phát huy được.



Sinh khắc của màu lông

*Nhạn: ăn ó vàng, xám – thua ô, điều.
*Xám: ăn ô, ó vàng – thua điều, nhạn
*Ô: ăn nhạn, điều – thua xám, ó vàng
*Điều: ăn xám, nhạn – thua ó vàng, ô
*Ó: vàng ăn điều, ô – thua nhạn, xám



*Luận “thắng-thua” thì quan hệ tương-khắc rất dễ hiểu, ví như “ta khắc địch” = ta thắng, địch thua, “địch khắc ta” = địch thắng, ta thua (khắc xuất ăn khắc nhập). Nhưng khi bàn về quan hệ tương-sinh thì biết ai thắng, ai thua? Về bản chất thì quan hệ tương-sinh là quan hệ hỗ trợ, giúp đỡ chứ không phải là quan hệ đối kháng. Tuy nhiên, khi áp dụng vào đá gà thì phải có ăn thua. Căn cứ theo ngũ hành luận thì sinh xuất bị thiệt, mất công lực, sinh nhập được lợi, tăng công lực --> sinh nhập ăn sinh xuất. Ví như “ta sinh địch” = ta thua, địch thắng, “địch sinh ta” = địch thua, ta thắng.

*Kê kinh không nói rõ thắng-thua trong quan hệ tương-sinh như thế nào nhưng ở phần nhật thần sinh-khắc, “sinh nhập” luôn thu được lợi thế trong khi “sinh xuất” bị liệt vào vận hạn. Chẳng hạn, ngày mộc thì gà tía mạnh nhất bởi mộc sinh hỏa, ngày thủy thì gà nhạn (kim) bị rơi vào ngày kỵ. Như vậy, chúng ta có thể mạnh dạn suy luận rằng “sinh nhập ăn sinh xuất”, điều này cũng thuận với ngũ hành luận. Phải nêu rõ như vậy bởi có tồn tại quan điểm trái ngược “sinh xuất ăn sinh nhập”, ví như ta sinh địch = ta thắng, địch thua, địch sinh ta = địch thắng, ta thua.

Tứ thời sinh khắc

*Tứ thời sinh khắc là quan hệ vượng-suy của các hành theo mùa.

*Xuân, hạ, thu, đông: bốn mùa tuần hoàn, hoán chuyển. Cuối mỗi mùa đều có một giai đoạn nhập thổ (tứ quý). Hành đại diện của các mùa: xuân-mộc, hạ-hỏa, thu-kim, đông-thủy, tứ quý-thổ.


*Quan hệ của màu gà theo mùa. Chẳng hạn, gà xám cực thịnh (vượng) vào mùa đông, mạnh (tướng) và mùa đông, ổn định (hưu) vào mùa hạ, sa sút (tù) vào tứ quý và bại (tử) vào mua thu.


*Quan hệ của mùa theo màu gà. Chẳng hạn, vào mùa đông, gà ô cực thịnh (vượng), gà xám mạnh (tướng), gà nhạn ổn định (hưu), gà ó vàng sa sút (tù) và gà điều bại (tử).


*Khi một hành quá vượng hoặc quá suy sẽ diễn ra sự mất cân bằng trong quan hệ sinh-khắc, hiện tượng khinh lờn hay tương vũ xuất hiện. Các hành ở “vượng”, “tướng” chuyển hung thành cát, các hành ở “tù”, “tử” chuyển cát thành hung. Chẳng hạn:
Mùa xuân mộc thạnh khôn cùng
Gà nhạn tuyết ấy khắc đồng mấy cho
Gà nhạn sa sút (tù) vào mùa xuân. Giả sử gà nhạn đá với gà xám, theo lẽ thường "kim khắc mộc" thì nhạn phải thắng xám. Nhưng vì nhạn sa sút (tù) trong khi xám cực thịnh (vượng) nên "mộc vũ kim", xám thắng ngược nhạn!

*Mùa thu rơi vào đỉnh điểm của mùa mưa, mùa này gà thường xổ lông, không mấy ai đá nên gà nhạn dù lợi thế cũng không có nhiều cơ hội để thi thố.

*Bảng ở trên dựa vào ngày âm lịch. Chẳng hạn, tra lịch vạn niên (http://www.thoigian.com.vn): ngày 16-10-2011 là ngày 20-9 năm Tân Mão (âm lịch), rơi vào tứ quý (nhập thổ). Theo tứ quý thì thứ tự ưu tiên như sau: ó vàng, nhạn, điều, xám, ô. Tốt nhất nên mang gà ó vàng hay nhạn đi đá, tránh các màu còn lại. Bấm vào đây để xem: ví dụ.

Nhật thần sinh khắc

*Nhật thần sinh khắc là quan hệ sinh-khắc của màu gà đối với hành của ngày.

*Hành của thập thiên can:
Giáp, Ất=mộc
Bính, Đinh=hỏa
Canh, Tân=kim
Nhâm, Quí=thủy
Mậu, Kỷ=thổ

*Tra nhật thần (lịch vạn niên: http://www.thoigian.com.vn): chẳng hạn ngày Ất Mão, theo bảng trên Ất=mộc suy ra ngày Ất Mão hành mộc.



*Ngày kỵ: nếu rơi vào “vận tam lâm” thì không mang gà đi đá; “vận tam lâm” bao gồm các trường hợp sau: gà khắc ngày, ngày khắc gà, gà sinh xuất ngày (mất công lực). Chẳng hạn, ngày Nhâm Thìn hành thủy, các gà ó vàng, nhạn, và điều kỵ ngày, không đá được.
Thổ, kim, hoả, vận tam lâm
Nhựt thần là thủy khắc thâm ba chàng
*Ngày tốt: bình hòa hoặc sinh nhập; chẳng hạn, ngày Ất Mão hành mộc, gà xám và gà điều tốt ngày, đem đá được; nhưng gà điều mạnh hơn vì được tiếp thêm công lực (mộc sinh hỏa).
Ngày nào thuộc mộc tía no
*Một ví dụ về tầm quan trọng của nhật thần: bình thường thì ô ăn tía (thủy khắc hỏa) nhưng vào ngày hỏa thì "hỏa vũ thủy", tía ăn ngược lại ô!
Tía thuộc mạng hoả là thường,
Ô thủy gặp (ngày) hoả phải nhường anh va
*Ngày âm lịch bao gồm 2 yếu tố: thiên can và địa chi. Thiên can có hành của thiên can, địa chi có hành của địa chi. Khi thiên can kết hợp với địa chi thì chúng ta có một yếu tố thứ 3 là nạp âm, nạp âm cũng có hành riêng. Kê kinh lấy hành của thiên can để tính nhật thần cho gà (mà bỏ qua địa chi và nạp âm), chẳng hạn ngày Giáp Thìn, tra bảng trên: Giáp=mộc suy ra ngày Giáp Thìn hành mộc. Bởi mộc sinh hỏa nên đem gà tía đi đá là lợi nhất, kế đó là gà xám. Bấm vào đây để xem: ví dụ.

*Nhiều cách xem mạng gà khác dựa vào nạp âm. Nạp âm là kết hợp của can chi theo bảng Lục thập hoa giáp. Bảng này có nguồn gốc cổ xưa và người ta vẫn thường áp dụng vào việc bói toán, xem tuổi cho người. Chẳng hạn, ngày Giáp Thìn hành hỏa nhưng là “phú đăng hỏa” (lửa đèn). Có vài ba loại hành hỏa và các hành khác như kim, mộc, thủy, thổ cũng vậy. Dẫu Kê kinh không sử dụng nạp âm trong tính toán nhật thần nhưng cũng xin liệt kê ra đây để tránh nhầm lẫn!

*Một trong những khác biệt của bản Kê kinh diễn nghĩa đăng trên báo Nông cổ mín đàm (1902) với những bản Kê kinh lưu hành trong dân gian (và được các sách gà ngày nay đăng lại) là phần nói về “nhật thần sinh khắc”. Bản đăng trên báo hơi lủng củng, và có đôi chỗ mâu thuẫn về “ngũ hành luận” nhưng vẫn truyền tải được nội dung chính; trong khi các bản “chỉnh lý” lưu hành trong dân gian hầu như cắt bỏ phần này và thay bằng vài ba câu đơn giản, tuy đúng nhưng lại không đầy đủ.

Thảo luận

*Xem ra việc xác định sắc lông chính của gà là quan trọng nhất bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến màu mạng mà còn đến các yếu tố khác như tứ thời sinh-khắc và nhật thần sinh-khắc. Đôi khi, việc này không hề dễ dàng vì gà chọi ngày nay được lai tạo với nhiều màu sắc khác lạ, chẳng hạn những màu pha như cam hay nâu. Hoặc giả, gà có hai, ba màu mà không màu nào tỏ ra vượt trội thì biết lấy màu nào làm sắc chính? Do vậy, nếu coi trọng phép xem mạng này thì người chơi nên chọn màu gà không rơi vào trạng thái lửng lơ, hành phải thể hiện một cách rõ rệt. Có như vậy thì việc tính toán mới thuận lợi.

*Nếu tuân theo quy luật “màu xanh thuộc hành mộc” thì chỉ có những màu lông lẫn sắc xanh như xám khô (blue) hay xám bùn (splash) thuộc về hành mộc. Màu xám không lẫn sắc xanh, chẳng hạn như màu bờm, mã của gà chuối tro, là màu pha trắng-đen (kim pha thủy). Tham khảo ở đây.

*Bông “cú” là một dạng hoa văn đặc biệt (tham khảo ở đây). Bất kể gà gì, hễ dính chút bông “cú” đều được gọi là “gà cú” bởi vậy, gà cú có rất nhiều biến thể khác nhau. Gà cú là gà đa sắc mà trong đa số trường hợp, rất khó để nhận biết đâu là sắc lông chính. Hai dạng cú điển hình ở gà chọi bao gồm cú thuần (thân vằn đen trắng, bờm vằn vàng) --> hành thổ pha kim pha thủy, cú vằn (vằn đen trắng) --> hành kim pha thủy. Còn đây là ví dụ về những con gà cú mà chúng ta có thể xác định được sắc lông chính: ví dụ 1 (hành thổ), ví dụ 2 (hành kim).

*Trên thực tế, phép xem màu mạng gà phổ biến đến nỗi người ta không cho đối phương nhìn thấy gà khi cáp, gà được cất trong giỏ, cáp theo cân nặng, một khi hai bên đồng ý là lấy ra đá luôn. Bỏ đá sẽ bị phạt.

*Lưu ý đến quan hệ “tương vũ”. Kê kinh nhấn mạnh đến quan hệ này trong các phần tứ thời sinh-khắc và nhật thần sinh-khắc. Qua đó, chúng ta nhận thấy hai phần này quan trọng hơn hẳn sinh-khắc của màu lông.

*Bởi không thể biết trước màu lông gà địch, mỗi khi ra trận, chúng ta chỉ có thể tính toán tứ thời sinh-khắc và nhật thần sinh-khắc sao cho có lợi nhất cho gà của mình. Theo Kê kinh thì hai yếu tố này quan trọng hơn so với sinh-khắc của màu lông. Chẳng hạn, vào mùa xuân thì gà xám mạnh nhất kế đó là gà điều, khi đem gà xám đi đá thì chọn ngày thủy, kế đó là ngày mộc; khi đem gà điều đi đá thì chọn ngày thổ, kế đó là ngày hỏa. Bởi trường gà thường mở vào cuối tuần, chúng ta cần tính tiếp xem ngày cuối tuần nào là phù hợp. Sau khi xác định được màu gà và ngày xuất trường rồi thì lên kế hoạch biệt dưỡng và ốp sao cho gà tới độ vào đúng thời điểm dự tính. Tham khảo thêm ở đây.

*Còn một số cách tính nữa tuy Kê kinh không bàn đến nhưng vẫn có người áp dụng, chẳng hạn:

Sinh khắc theo giờ: dưới đây là bảng quy đổi từ giờ sang hành. Một khi có hành, chúng ta sẽ tra theo bảng ở phần “nhật thần sinh khắc” để tránh giờ kỵ, chọn giờ thuận lợi.


Qua bảng tính giờ này chúng ta sẽ thấy khoảng thời gian đá gà trong ngày (7 giờ sáng đến 5 giờ chiều) ứng với các hành thổ, hỏa và kim. Qua phân tích chúng ta sẽ thấy các màu nhạn, ó vàng và ô đều có những lúc lợi nhất, màu điều cũng có lúc lợi nhưng không bằng. Đặc biệt gà xám luôn bất lợi (trừ phi tổ chức đá lúc nửa đêm!).

Phương hướng thả gà: mỗi giờ ứng với một hướng, dựa vào đó mà thả gà.


Sinh khắc theo màu chân: vàng ăn chì, chì ăn trắng, trắng ăn xanh và vàng, xanh ăn vàng và chì.

*Người Philippines lập bảng tử vi cho gà (cock horoscope) tức tương quan giữa màu lông & màu chân với tuần trăng. Khả năng đá được tính theo thang đo từ 1 đến 18. Nguyên tắc chung: vào tuần trăng non, trời tối thì gà sẫm màu, chân chì đá tốt; vào tuần trăng rằm, trời sáng thì gà sáng màu, chân trắng, chân vàng đá tốt.


*RB Sugbo Gamefowl Technology, một công ty chuyên kinh doanh và nghiên cứu về gà đá ở Philippines, tiến hành thí nghiệm trên gà đá (gà Mỹ) từ tháng 12/2004 đến tháng 3/2005: kết quả cho thấy gà đá có nhịp điệu sinh học (bio rhythm) nhưng trái với điều mà mọi người vẫn nghĩ, nhịp điệu sinh học không liên quan gì đến bảng tử vi của gà. Cách thực hiện: 20 con gà trống và trống tơ được chọn một cách ngẫu nhiên từ các dòng và bầy lai khác nhau. Mỗi con gà được cáp đá sau mỗi 4 ngày và các thông số được ghi nhận. Sau 24 trận, biểu đồ cho thấy gà có nhịp điệu sinh học theo một chu kỳ bao gồm 4 pha trùng với 4 tuần trăng trong một nguyệt kỳ. Gà đá hay dần trong hai tuần trăng đầu rồi sút dần trong hai tuần kế đó.

Tham khảo
http://www.ganoi.com/langganoi/viewtopic.php?t=7419
http://www.ganoi.com/langganoi/viewtopic.php?t=19541
http://www.medinet.hochiminhcity.gov...yetnguhanh.htm
http://www.vietshare.com/dialy/nguhanh.asp
http://denkoduong.wordpress.com/2009...-kh%E1%BA%AFc/
http://www.sabong.net.ph/forum/showthread.php?t=8659
http://www.sabong.net.ph/forum/showthread.php?t=15757


-----------------------------------------------------------------------------------

Kê-kinh-diễn-nghĩa
Phép-xem-mạng-gà-theo-màu-mắt
Thế-nào-là-hợp-cách-giữa-màu-lông-và-màu-chân-gà-chọi
thay đổi nội dung bởi: vnreddevil, ngày 29-02-2012 lúc 07:17 PM
Nguồn:  http://www.diendancacanh.com/forum/showthread.php?76298-Ph%C3%A9p-xem-m%E1%BA%A1ng-g%C3%A0-theo-K%C3%AA-kinh