Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Phép xem mạng gà theo Kê kinh

Mọi người đều biết rằng kết quả thi đấu ngày nay hầu như phụ thuộc vào bổn bang và chế độ nuôi dưỡng. Nhưng một khi bổn bang và chế độ nuôi dưỡng là như nhau, mà điều này vốn là xu hướng chung, thì màu mạng chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt. Chẳng hạn, ba mươi năm trước, chỉ một số ít sư kê ở Philippines sở hữu gà đá Mỹ nòi xịn, ngày nay thì hầu hết sư kê đều có thể tiếp cận những dòng gà danh tiếng này, bởi có rất nhiều trại gà cạnh tranh lẫn nhau để cung cấp gà đá chất lượng cho thị trường. Bổn bang tuy cực kỳ quan trọng nhưng nếu ai cũng có thì không thể lấy đó làm lợi thế. Các phương pháp biệt dưỡng và ốp cũng vậy, đa phần những sư kê nghiêm túc đều coi trọng và nắm vững cách thực hiện những công đoạn này. Bởi vậy, việc thành bại đôi khi lại do những yếu tố rất nhỏ quyết định. Chúng ta có thể coi phép xem màu mạng là một trong những yếu tố như vậy.

Phép này vốn được lưu truyền trong dân gian. Một điều chắc chắn là nó đã xuất hiện từ rất lâu vì gắn liền với một học thuyết cổ xưa: “thuyết Ngũ Hành”. Ngày nay, vẫn còn rất nhiều sư kê tin tưởng và áp dụng phép này vào các trận đá gà. Nó bao gồm nhiều yếu tố vốn không thể “định lượng”, điều dẫn đến khó khăn trong việc phân tích và đối chiếu. Bởi vậy mà có nhiều biến thể hay còn gọi là “môn phái” màu mạng khác nhau ra đời, mỗi “môn phái” lại sử dụng một tập hợp các yếu tố khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu phép xem màu mạng theo Kê kinh, một trong những tài liệu xưa nhất về chủ đề gà chọi xuất hiện cách nay hơn một thế kỷ.

Về nguồn gốc của Kê kinh, chúng ta không có thông tin nào khác ngoài mấy chữ “sách gà Phạm Công”. Tất cả những gì mà chúng ta biết ngày nay đều qua bản dịch nôm Kê kinh diễn nghĩa dạng thơ lục bát của Giao-hòa, lão-nhiêu Nguyễn Phụng Lãm. Bài được đăng trên báo Nông-cổ mín-đàm vào năm 1902. Điều dẫn đến suy đoán rằng sách được viết bằng chữ Hán hoặc Hán-Nôm. Bảo bản dịch là Kê kinh cũng được mà bảo không phải cũng được bởi chúng ta chỉ thấy ý chứ không hề thấy hình. Có quan điểm cho rằng tác giả Kê kinh là Tả Quân Lê Văn Duyệt (1763-1832). Tương truyền, Đức Ngài rất ham mê môn chọi gà và nuôi đến hàng ngàn chiến kê để nghiên cứu các phép xem tướng, xem vảy và đặc biệt là màu mạng gà. Tựu trung, nội dung của phép xem màu mạng này bao gồm bốn phần:

*Phân tích sắc lông chiến kê cùng với hành tương ứng.
*Sinh khắc của màu lông.
*Sinh khắc theo mùa (tứ thời sinh khắc).
*Sinh khắc theo ngày (nhật thần sinh khắc).

Màu lông

Kim=gà nhạn
Mộc=gà xám
Thủy=gà ô
Hỏa=gà điều, gà tía
Thổ=gà ó vàng

*Hành mộc có màu xanh, nhiều người thắc mắc tại sao lại xếp gà xám vào hành mộc? Nếu quan sát kỹ màu xám có ánh xanh, người phương Tây nhận ra điều này nên họ gọi là “blue” thay vì “grey”. Có lẽ vì vậy mà gà xám được xếp vào hành mộc. Gà “grey” là gà chuối, đặc biệt là những con mà hắc sắc tố lan đến lông bờm và lông mã gọi là “chuối tro”. Đấy là màu xám thuần túy không lẫn sắc xanh.

*Màu vàng có khi được xếp vào hành kim, màu nâu được xếp vào hành thổ nhưng Kê kinh lại xếp màu vàng vào hành thổ, ở đây chúng ta sẽ xem màu nâu như là “đỏ pha đen” tức “hỏa pha thủy”. Chẳng hạn tía bịp (điều mật) ngả tông nâu, hành chính vẫn là hỏa, nhưng pha thủy.

*Tên gọi đôi khi không phản ánh đúng thực chất, chẳng hạn gà “điều” hay “tía” có nhiều tông màu khác nhau từ đỏ, cam cho đến vàng. Nếu ngả sang tông vàng thì nên xếp vào hành thổ (thay vì hành hỏa). Hoặc gà khét điều hành hỏa, nhưng khét vàng lại là hành thổ.

*Kê kinh viết “Cứ theo sắc chánh mà suy”, nếu gà có nhiều màu khác nhau thì dựa vào màu chính mà xem hành. Màu chính là màu ở thân và cánh, những màu ở đuôi, lông mã, lông bờm là phụ (gà chọi xưa có ít lông bờm). Những hoa văn như lau (đuôi và cánh lẫn màu trắng), bông, nổ (đốm trắng), cú (vạch) cũng là phụ.
Giả như xám trổ mã vàng,
Thiệt là sắc mộc màu vàng kể chi.
Bông nổ mã ô đen sì,
Màu thời chẳng kể, kể thì thủy ô.
Như vàng mã chuối trỏ vô,
Kể là sắc thổ chuối dò làm chi.
*Màu tía (điều) là một ngoại lệ. Màu tía điển hình có lông bờm, lông mã và một phần của vai, cánh màu đỏ, trong khi thân và đuôi màu đen. Nếu bám sát định nghĩa ở trên thì màu tía thuộc hành thủy bởi thân màu đen, chỉ có gà khét mới đúng là hành hỏa. Đây là điểm mâu thuẫn của Kê kinh, bằng không gà tía (điều) trong bài này ám chỉ đến “gà khét” chứ không như cách mà chúng ta hiểu ngày nay.

*Có sách gà viết “gà có đủ năm màu tương ứng với ngũ hành là gà ngũ sắc, gà ngũ sắc không theo mạng”. Kê kinh không đề cập gì đến việc này mà chỉ nói lấy sắc chính làm đại diện.



Ngũ hành luận

*Tương sinh: nghĩa là hỗ trợ, giúp đỡ, kim-->thủy, thủy-->mộc, mộc-->hỏa, hỏa-->thổ, thổ-->kim, đi giáp một vòng, các hành sinh lẫn nhau.
*Tương khắc: là cản trở, khắc chế, kim> mộc, mộc>thổ, thổ>thủy, thủy>hỏa, hỏa>kim, các hành khắc lẫn nhau, không hành nào là vô địch.
*Tương hòa: là bình hòa, không hỗ trợ hoặc cản trở, kim~kim, mộc~mộc, thủy~thủy, hỏa~hỏa, thổ~thổ.
*Tương thừa: hàm ý “thừa thế lấn áp”, chẳng hạn “mộc khắc thổ”, nếu mộc quá mạnh hoặc thổ quá suy thì gọi là “mộc thừa thổ”.
*Tương vũ: hàm ý “khinh nhờn”, chẳng hạn “thủy khắc hỏa”, nếu hỏa quá mạnh hoặc thủy quá suy thì gọi là “hỏa vũ thủy”.

Quan hệ biện chứng
*Tương sinh lại chia ra làm “sinh nhập” và “sinh xuất”; sinh nhập = kẻ khác hỗ trợ mình nhờ vậy gia tăng công lực; “sinh xuất” = mình hỗ trợ cho kẻ khác nên bị hao tổn công lực. Ví dụ: “mộc sinh hỏa” thì mộc là “sinh xuất”, hỏa là “sinh nhập”, mộc hao tổn công lực trong khi hỏa tăng thêm công lực.
*Tương khắc cũng chia làm “khắc nhập” và “khắc xuất”; “khắc nhập” = bị kẻ khác khắc chế; “khắc xuất” = khắc chế kẻ khác. Ví dụ: “thổ khắc thủy” thì thổ là “khắc xuất”, thủy là “khắc nhập”, thổ đè nén thủy, thủy không phát huy được.



Sinh khắc của màu lông

*Nhạn: ăn ó vàng, xám – thua ô, điều.
*Xám: ăn ô, ó vàng – thua điều, nhạn
*Ô: ăn nhạn, điều – thua xám, ó vàng
*Điều: ăn xám, nhạn – thua ó vàng, ô
*Ó: vàng ăn điều, ô – thua nhạn, xám



*Luận “thắng-thua” thì quan hệ tương-khắc rất dễ hiểu, ví như “ta khắc địch” = ta thắng, địch thua, “địch khắc ta” = địch thắng, ta thua (khắc xuất ăn khắc nhập). Nhưng khi bàn về quan hệ tương-sinh thì biết ai thắng, ai thua? Về bản chất thì quan hệ tương-sinh là quan hệ hỗ trợ, giúp đỡ chứ không phải là quan hệ đối kháng. Tuy nhiên, khi áp dụng vào đá gà thì phải có ăn thua. Căn cứ theo ngũ hành luận thì sinh xuất bị thiệt, mất công lực, sinh nhập được lợi, tăng công lực --> sinh nhập ăn sinh xuất. Ví như “ta sinh địch” = ta thua, địch thắng, “địch sinh ta” = địch thua, ta thắng.

*Kê kinh không nói rõ thắng-thua trong quan hệ tương-sinh như thế nào nhưng ở phần nhật thần sinh-khắc, “sinh nhập” luôn thu được lợi thế trong khi “sinh xuất” bị liệt vào vận hạn. Chẳng hạn, ngày mộc thì gà tía mạnh nhất bởi mộc sinh hỏa, ngày thủy thì gà nhạn (kim) bị rơi vào ngày kỵ. Như vậy, chúng ta có thể mạnh dạn suy luận rằng “sinh nhập ăn sinh xuất”, điều này cũng thuận với ngũ hành luận. Phải nêu rõ như vậy bởi có tồn tại quan điểm trái ngược “sinh xuất ăn sinh nhập”, ví như ta sinh địch = ta thắng, địch thua, địch sinh ta = địch thắng, ta thua.

Tứ thời sinh khắc

*Tứ thời sinh khắc là quan hệ vượng-suy của các hành theo mùa.

*Xuân, hạ, thu, đông: bốn mùa tuần hoàn, hoán chuyển. Cuối mỗi mùa đều có một giai đoạn nhập thổ (tứ quý). Hành đại diện của các mùa: xuân-mộc, hạ-hỏa, thu-kim, đông-thủy, tứ quý-thổ.


*Quan hệ của màu gà theo mùa. Chẳng hạn, gà xám cực thịnh (vượng) vào mùa đông, mạnh (tướng) và mùa đông, ổn định (hưu) vào mùa hạ, sa sút (tù) vào tứ quý và bại (tử) vào mua thu.


*Quan hệ của mùa theo màu gà. Chẳng hạn, vào mùa đông, gà ô cực thịnh (vượng), gà xám mạnh (tướng), gà nhạn ổn định (hưu), gà ó vàng sa sút (tù) và gà điều bại (tử).


*Khi một hành quá vượng hoặc quá suy sẽ diễn ra sự mất cân bằng trong quan hệ sinh-khắc, hiện tượng khinh lờn hay tương vũ xuất hiện. Các hành ở “vượng”, “tướng” chuyển hung thành cát, các hành ở “tù”, “tử” chuyển cát thành hung. Chẳng hạn:
Mùa xuân mộc thạnh khôn cùng
Gà nhạn tuyết ấy khắc đồng mấy cho
Gà nhạn sa sút (tù) vào mùa xuân. Giả sử gà nhạn đá với gà xám, theo lẽ thường "kim khắc mộc" thì nhạn phải thắng xám. Nhưng vì nhạn sa sút (tù) trong khi xám cực thịnh (vượng) nên "mộc vũ kim", xám thắng ngược nhạn!

*Mùa thu rơi vào đỉnh điểm của mùa mưa, mùa này gà thường xổ lông, không mấy ai đá nên gà nhạn dù lợi thế cũng không có nhiều cơ hội để thi thố.

*Bảng ở trên dựa vào ngày âm lịch. Chẳng hạn, tra lịch vạn niên (http://www.thoigian.com.vn): ngày 16-10-2011 là ngày 20-9 năm Tân Mão (âm lịch), rơi vào tứ quý (nhập thổ). Theo tứ quý thì thứ tự ưu tiên như sau: ó vàng, nhạn, điều, xám, ô. Tốt nhất nên mang gà ó vàng hay nhạn đi đá, tránh các màu còn lại. Bấm vào đây để xem: ví dụ.

Nhật thần sinh khắc

*Nhật thần sinh khắc là quan hệ sinh-khắc của màu gà đối với hành của ngày.

*Hành của thập thiên can:
Giáp, Ất=mộc
Bính, Đinh=hỏa
Canh, Tân=kim
Nhâm, Quí=thủy
Mậu, Kỷ=thổ

*Tra nhật thần (lịch vạn niên: http://www.thoigian.com.vn): chẳng hạn ngày Ất Mão, theo bảng trên Ất=mộc suy ra ngày Ất Mão hành mộc.



*Ngày kỵ: nếu rơi vào “vận tam lâm” thì không mang gà đi đá; “vận tam lâm” bao gồm các trường hợp sau: gà khắc ngày, ngày khắc gà, gà sinh xuất ngày (mất công lực). Chẳng hạn, ngày Nhâm Thìn hành thủy, các gà ó vàng, nhạn, và điều kỵ ngày, không đá được.
Thổ, kim, hoả, vận tam lâm
Nhựt thần là thủy khắc thâm ba chàng
*Ngày tốt: bình hòa hoặc sinh nhập; chẳng hạn, ngày Ất Mão hành mộc, gà xám và gà điều tốt ngày, đem đá được; nhưng gà điều mạnh hơn vì được tiếp thêm công lực (mộc sinh hỏa).
Ngày nào thuộc mộc tía no
*Một ví dụ về tầm quan trọng của nhật thần: bình thường thì ô ăn tía (thủy khắc hỏa) nhưng vào ngày hỏa thì "hỏa vũ thủy", tía ăn ngược lại ô!
Tía thuộc mạng hoả là thường,
Ô thủy gặp (ngày) hoả phải nhường anh va
*Ngày âm lịch bao gồm 2 yếu tố: thiên can và địa chi. Thiên can có hành của thiên can, địa chi có hành của địa chi. Khi thiên can kết hợp với địa chi thì chúng ta có một yếu tố thứ 3 là nạp âm, nạp âm cũng có hành riêng. Kê kinh lấy hành của thiên can để tính nhật thần cho gà (mà bỏ qua địa chi và nạp âm), chẳng hạn ngày Giáp Thìn, tra bảng trên: Giáp=mộc suy ra ngày Giáp Thìn hành mộc. Bởi mộc sinh hỏa nên đem gà tía đi đá là lợi nhất, kế đó là gà xám. Bấm vào đây để xem: ví dụ.

*Nhiều cách xem mạng gà khác dựa vào nạp âm. Nạp âm là kết hợp của can chi theo bảng Lục thập hoa giáp. Bảng này có nguồn gốc cổ xưa và người ta vẫn thường áp dụng vào việc bói toán, xem tuổi cho người. Chẳng hạn, ngày Giáp Thìn hành hỏa nhưng là “phú đăng hỏa” (lửa đèn). Có vài ba loại hành hỏa và các hành khác như kim, mộc, thủy, thổ cũng vậy. Dẫu Kê kinh không sử dụng nạp âm trong tính toán nhật thần nhưng cũng xin liệt kê ra đây để tránh nhầm lẫn!

*Một trong những khác biệt của bản Kê kinh diễn nghĩa đăng trên báo Nông cổ mín đàm (1902) với những bản Kê kinh lưu hành trong dân gian (và được các sách gà ngày nay đăng lại) là phần nói về “nhật thần sinh khắc”. Bản đăng trên báo hơi lủng củng, và có đôi chỗ mâu thuẫn về “ngũ hành luận” nhưng vẫn truyền tải được nội dung chính; trong khi các bản “chỉnh lý” lưu hành trong dân gian hầu như cắt bỏ phần này và thay bằng vài ba câu đơn giản, tuy đúng nhưng lại không đầy đủ.

Thảo luận

*Xem ra việc xác định sắc lông chính của gà là quan trọng nhất bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến màu mạng mà còn đến các yếu tố khác như tứ thời sinh-khắc và nhật thần sinh-khắc. Đôi khi, việc này không hề dễ dàng vì gà chọi ngày nay được lai tạo với nhiều màu sắc khác lạ, chẳng hạn những màu pha như cam hay nâu. Hoặc giả, gà có hai, ba màu mà không màu nào tỏ ra vượt trội thì biết lấy màu nào làm sắc chính? Do vậy, nếu coi trọng phép xem mạng này thì người chơi nên chọn màu gà không rơi vào trạng thái lửng lơ, hành phải thể hiện một cách rõ rệt. Có như vậy thì việc tính toán mới thuận lợi.

*Nếu tuân theo quy luật “màu xanh thuộc hành mộc” thì chỉ có những màu lông lẫn sắc xanh như xám khô (blue) hay xám bùn (splash) thuộc về hành mộc. Màu xám không lẫn sắc xanh, chẳng hạn như màu bờm, mã của gà chuối tro, là màu pha trắng-đen (kim pha thủy). Tham khảo ở đây.

*Bông “cú” là một dạng hoa văn đặc biệt (tham khảo ở đây). Bất kể gà gì, hễ dính chút bông “cú” đều được gọi là “gà cú” bởi vậy, gà cú có rất nhiều biến thể khác nhau. Gà cú là gà đa sắc mà trong đa số trường hợp, rất khó để nhận biết đâu là sắc lông chính. Hai dạng cú điển hình ở gà chọi bao gồm cú thuần (thân vằn đen trắng, bờm vằn vàng) --> hành thổ pha kim pha thủy, cú vằn (vằn đen trắng) --> hành kim pha thủy. Còn đây là ví dụ về những con gà cú mà chúng ta có thể xác định được sắc lông chính: ví dụ 1 (hành thổ), ví dụ 2 (hành kim).

*Trên thực tế, phép xem màu mạng gà phổ biến đến nỗi người ta không cho đối phương nhìn thấy gà khi cáp, gà được cất trong giỏ, cáp theo cân nặng, một khi hai bên đồng ý là lấy ra đá luôn. Bỏ đá sẽ bị phạt.

*Lưu ý đến quan hệ “tương vũ”. Kê kinh nhấn mạnh đến quan hệ này trong các phần tứ thời sinh-khắc và nhật thần sinh-khắc. Qua đó, chúng ta nhận thấy hai phần này quan trọng hơn hẳn sinh-khắc của màu lông.

*Bởi không thể biết trước màu lông gà địch, mỗi khi ra trận, chúng ta chỉ có thể tính toán tứ thời sinh-khắc và nhật thần sinh-khắc sao cho có lợi nhất cho gà của mình. Theo Kê kinh thì hai yếu tố này quan trọng hơn so với sinh-khắc của màu lông. Chẳng hạn, vào mùa xuân thì gà xám mạnh nhất kế đó là gà điều, khi đem gà xám đi đá thì chọn ngày thủy, kế đó là ngày mộc; khi đem gà điều đi đá thì chọn ngày thổ, kế đó là ngày hỏa. Bởi trường gà thường mở vào cuối tuần, chúng ta cần tính tiếp xem ngày cuối tuần nào là phù hợp. Sau khi xác định được màu gà và ngày xuất trường rồi thì lên kế hoạch biệt dưỡng và ốp sao cho gà tới độ vào đúng thời điểm dự tính. Tham khảo thêm ở đây.

*Còn một số cách tính nữa tuy Kê kinh không bàn đến nhưng vẫn có người áp dụng, chẳng hạn:

Sinh khắc theo giờ: dưới đây là bảng quy đổi từ giờ sang hành. Một khi có hành, chúng ta sẽ tra theo bảng ở phần “nhật thần sinh khắc” để tránh giờ kỵ, chọn giờ thuận lợi.


Qua bảng tính giờ này chúng ta sẽ thấy khoảng thời gian đá gà trong ngày (7 giờ sáng đến 5 giờ chiều) ứng với các hành thổ, hỏa và kim. Qua phân tích chúng ta sẽ thấy các màu nhạn, ó vàng và ô đều có những lúc lợi nhất, màu điều cũng có lúc lợi nhưng không bằng. Đặc biệt gà xám luôn bất lợi (trừ phi tổ chức đá lúc nửa đêm!).

Phương hướng thả gà: mỗi giờ ứng với một hướng, dựa vào đó mà thả gà.


Sinh khắc theo màu chân: vàng ăn chì, chì ăn trắng, trắng ăn xanh và vàng, xanh ăn vàng và chì.

*Người Philippines lập bảng tử vi cho gà (cock horoscope) tức tương quan giữa màu lông & màu chân với tuần trăng. Khả năng đá được tính theo thang đo từ 1 đến 18. Nguyên tắc chung: vào tuần trăng non, trời tối thì gà sẫm màu, chân chì đá tốt; vào tuần trăng rằm, trời sáng thì gà sáng màu, chân trắng, chân vàng đá tốt.


*RB Sugbo Gamefowl Technology, một công ty chuyên kinh doanh và nghiên cứu về gà đá ở Philippines, tiến hành thí nghiệm trên gà đá (gà Mỹ) từ tháng 12/2004 đến tháng 3/2005: kết quả cho thấy gà đá có nhịp điệu sinh học (bio rhythm) nhưng trái với điều mà mọi người vẫn nghĩ, nhịp điệu sinh học không liên quan gì đến bảng tử vi của gà. Cách thực hiện: 20 con gà trống và trống tơ được chọn một cách ngẫu nhiên từ các dòng và bầy lai khác nhau. Mỗi con gà được cáp đá sau mỗi 4 ngày và các thông số được ghi nhận. Sau 24 trận, biểu đồ cho thấy gà có nhịp điệu sinh học theo một chu kỳ bao gồm 4 pha trùng với 4 tuần trăng trong một nguyệt kỳ. Gà đá hay dần trong hai tuần trăng đầu rồi sút dần trong hai tuần kế đó.

Tham khảo
http://www.ganoi.com/langganoi/viewtopic.php?t=7419
http://www.ganoi.com/langganoi/viewtopic.php?t=19541
http://www.medinet.hochiminhcity.gov...yetnguhanh.htm
http://www.vietshare.com/dialy/nguhanh.asp
http://denkoduong.wordpress.com/2009...-kh%E1%BA%AFc/
http://www.sabong.net.ph/forum/showthread.php?t=8659
http://www.sabong.net.ph/forum/showthread.php?t=15757


-----------------------------------------------------------------------------------

Kê-kinh-diễn-nghĩa
Phép-xem-mạng-gà-theo-màu-mắt
Thế-nào-là-hợp-cách-giữa-màu-lông-và-màu-chân-gà-chọi
thay đổi nội dung bởi: vnreddevil, ngày 29-02-2012 lúc 07:17 PM
Nguồn:  http://www.diendancacanh.com/forum/showthread.php?76298-Ph%C3%A9p-xem-m%E1%BA%A1ng-g%C3%A0-theo-K%C3%AA-kinh

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Phương pháp biệt dưỡng 14 ngày Teddy Tanchanco (TJT Cocking Academy) - www.dannysgamefowlfarm.com

1. Thức ăn trong giai đoạn biệt dưỡng

Để tôi tiết lộ điều mà một số sư kê gọi là "bí mật" trong biệt dưỡng gà chọi để đá trường. Bắt đầu, hãy nói về thức ăn.

Một số sư kê nói rằng bí mật trong biệt dưỡng gà chọi là thức ăn. Không thể chối cãi rằng thức ăn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc biệt dưỡng, nhưng cũng xin lưu ý rằng nó phải tương quan với những yếu tố khác mà một sư kê phải theo dõi trong khi sửa soạn chiến kê đá trường. Bằng tất cả lòng trân trọng đối với những sư kê khác, tôi xin lưu ý rằng những gì tôi viết ở đây thực sự là những điều mà chính tôi áp dụng.

Trước khi áp dụng "Phương pháp biệt dưỡng 14 ngày", chúng ta phải chọn các ứng viên. Nếu bạn tham gia giải derby 5-chiến kê, thì số lượng ứng viên cần chọn đơn giản nhiều gấp 3 lần (15 con). Giả sử rằng những chiến kê này trải qua giai đoạn tiền biệt dưỡng một cách mạnh khỏe, đầy đặn và tươi tốt nhưng không tích mỡ tức "sapola". Trọng lượng trong giai đoạn tiền biệt dưỡng tốt nhất nên cao hơn trọng lượng đá trường khoảng 200 gram. Tốt nhất nên giảm cân trong quá trình biệt dưỡng hơn là tăng cân, điều vốn mất thời gian, công sức mà lại không hiệu quả. Nên nhớ rằng, chúng ta đang thực hiện phương pháp biệt dưỡng 14 ngày, không phải là 21 hay 30 ngày.

Còn bây giờ, bạn có thể sẽ hỏi "vậy đâu là trọng lượng đúng?". Trọng lượng đá trường tối ưu là trọng lượng mà gà của bạn xổ hay nhất trong khi tiền biệt dưỡng. Trong giai đoạn này, hãy ghi nhận trọng lượng của từng con trước khi xổ. Chấm điểm theo cách nhìn của bạn. Chiến kê có thể đá tốt, rất tốt, xuất sắc hay bình thường ở công đoạn này. Sau tối thiểu 5 lần xổ, bạn phải có khả năng nhận biết đâu là trọng lượng tối ưu. Coi trọng lượng mà nó đá hay nhất như là trọng lượng đá trường.

Hãy cho gà ăn bánh mì nhúng sữa như là thức ăn nhẹ vào ngày tuyển chọn chiến kê. Xổ lải theo cách thông thường, và diệt rận bằng cách xịt thuốc lên lông. Đừng nhúng hẳn gà vào nước thuốc. Bây giờ chúng được xem là sạch sẽ, từ trong ra ngoài.

Để phòng bệnh và lây nhiễm trong quá trình biệt dưỡng, tôi tiêm Combiotic (chỉ 1cc. mỗi con) vào ngực gà ở ngày đầu tiên.

Về thức ăn, tôi cố gắng duy trì mức 16% đạm thô (crude protein) từ ngày 1 cho đến ngày 11. Để thực hiện, hãy trộn nhiều loại theo công thức sau:

50% - bắp thô
20% - lúa mì đỏ
10% - yến mạch thô hay sấy (hiệu Jockey)
10% - hiệu thức ăn Royal Pigeon Feed
10% - thức ăn viên 16% đạm (16% C.P.)

Bắp là khẩu phần chủ lực của gà chọi, cung cấp rất nhiều carbohydrate và một số đạm. Tôi sử dụng lúa mì đỏ thay vì trắng bởi vì nó dễ tiêu và giàu đạm hơn. Nếu bạn không thể mua hiệu thức ăn Royal Pigeon Feed, bạn có thể thay bằng 5% đậu hà lan tươi (green pea) và 5% đậu hà lan khô (yellow pea). Những thứ này cung cấp hầu hết lượng đạm mà gà cần đến. Thức ăn viên có thể là hiệu Holding Ration Pellet hay đơn giản là Pigeon Pellet. Chỉ cần đảm bảo viên mà bạn dùng chứa 16% đạm thô. Hãy đọc thông tin trên bao bì. Tỷ lệ ở trên được tính theo trọng lượng khô.

Tất cả hạt được ngâm vào nước trong ít nhất 9 giờ. Ngay sau mỗi bữa ăn, hãy ngâm hạt cho bữa sau. Ngâm làm mềm hạt và kích thích nảy mầm. Hạt nảy mầm tạo ra nhiều đạm. Các loại đậu, như đậu hà lan và đậu nành, phải được nấu chín hay mọc mầm để chuyển hoá đạm. Bằng không gà không thể tiêu thụ lượng đạm trong hạt. Chỉ trộn hạt với viên ngay trước bữa ăn. Bây giờ bạn đã có khẩu phần căn bản.

Ngoài khẩu phần căn bản này, bạn có thể bổ sung thêm lòng trắng trứng luộc. Băm nhỏ một lòng trắng trứng luộc cho mỗi bốn đến năm con gà. Thức ăn này giúp duy trì độ ẩm bên trong cơ thể gà. Lòng trắng trứng luộc được cung cấp cho gà trong toàn bộ quá trình biệt dưỡng (từ ngày 1 đến 14).

Bên cạnh lòng trắng trứng, bổ sung thêm chất xơ, vitamin và khoáng chất vào thức ăn bằng cà chua, cải bắp hay xà lách băm nhỏ. Những loại rau này nên chiếm đến 20% lượng thức ăn trộn, trong khi 80% còn lại là khẩu phần căn bản cùng với lòng trắng trứng. Bây giờ chúng ta hãy tính theo tỷ lệ thay vì lượng thức ăn thực. Nếu chúng ta coi 1 muỗng trà tương đương với 20%, thì cần trộn 1 muỗng rau với 4 muỗng khẩu phần căn bản để có 100%. Đây là khẩu phần sau cùng mà bạn áp dụng từ ngày 1 đến 11.

Cung cấp sạn từ ngày 1 đến 9 trong quá trình biệt dưỡng. Sạn giúp gà tiêu hoá thức ăn và luyện mề. Chúng nằm trong mề cả tuần. Do đó, sạn cần được rút khỏi bữa ăn trước khi xuất trường 5 ngày để làm trống mề, cả thức ăn lẫn sạn.

Cho gà ăn đều đặn. Luôn cho ăn đúng giờ mỗi ngày. Tôi cho gà ăn vào 7 giờ sáng và 4 giờ chiều. Cho mỗi con gà ăn 2 muỗng thức ăn trộn như mô tả ở trên. Lượng này tương đương với 30 đến 40 gram thức ăn mỗi con. Vào ban ngày, gà phải tiêu hoá hết thức ăn trong bầu diều vào lúc 2-3 giờ trưa thì mới chứng tỏ hệ thống tiêu hoá hoạt động tốt. Nó chỉ cần từ 6 đến 7 giờ để tiêu hoá hết thức ăn. Nếu con nào mà bầu diều vẫn còn căng trước bữa ăn chiều thì hãy loại bỏ khỏi chương trình biệt dưỡng.

Tôi thích gà ăn ngấu nghiến và tiêu hóa nhanh. Điều này chứng tỏ hệ thống tiêu hoá của chúng thực sự tốt. Gà kén ăn hay bỏ mứa nhất định đang có vấn đề. Chúng cần được theo dõi và điều trị bệnh, và trả về chế độ tiền biệt dưỡng. Hãy theo dõi gà trong quá trình biệt dưỡng vào trước, trong và sau bữa ăn. Nếu có điều kiện, hãy theo dõi chúng cả ngày, mỗi ngày và thậm chí cả khi chúng ngủ.

Với chế độ ăn như thế này, chúng ta hy vọng gà sẽ giảm được 200 gram trọng lượng thừa tính từ khi bắt đầu biệt dưỡng. Gà sẽ giảm cân từ 10 đến 20 gram mỗi ngày và đạt trọng lượng tối ưu vào ngày thứ 11 của quá trình biệt dưỡng hay vào 3 ngày cuối cùng trước trận đấu. Nếu có con sút đến hơn 50 gram trong vòng 24 giờ thì nó nhất định bị bệnh hay quá căng thẳng trong giai đoạn này. Hãy đưa nó về giai đoạn tiền biệt dưỡng. Trong ba ngày trước trận đấu, chúng ta sẽ áp dụng kỹ thuật nạp carbohydrate (carbo-loading).



2. Kỹ thuật nạp carbohydrate

Carbohydrate là nguồn năng lượng chính của gà trong quá trình luyện tập. Tương tự như vận động viên điền kinh chuẩn bị thi đấu, gà chọi phải tích trữ đủ năng lượng để tranh hùng. Những ngày quan trọng nhất trong quá trình biệt dưỡng là ba ngày sau cùng trước khi xuất trường, gà chọi cần được nạp càng nhiều năng lượng càng tốt. Kỹ thuật này gọi là nạp carbohydrate (carbo-loading).

Nói một cách đơn giản, kỹ thuật này gia tăng hay "nạp" carbohydrate vào khẩu phần của gà chọi trong ba ngày sau cùng của quá trình biệt dưỡng như là một phần của công đoạn "ốp".

Mục đích nhằm gia tăng năng lượng trao đổi (metabolizable energy, M.E.) ở gà chọi mà nó sẽ được sử dụng khi lâm trận. Điều này được thực hiện bằng cách gia tăng hàm lượng calo trong thức ăn của gà. Dựa trên tỷ lệ 16% đạm thô của khẩu phần căn bản mà chúng ta cung cấp từ ngày 1 đến ngày 11, chúng ta tăng dần tỷ lệ cacbohydrate lên 75 hay 80% vào ba ngày cuối. Tăng dần để hệ thống tiêu hoá của gà làm quen.

Với mỗi 100 gram khẩu phần căn bản, tăng thêm 10 gram bắp hay thức ăn tương đương vào ngày thứ 12, 20 gram vào ngày thứ 13 và 30 gram vào ngày thứ 14, như vậy vào ngày cuối cùng, tổng lượng bắp lên đến 80%. Do vậy, tỷ lệ đạm sẽ giảm trong khi tỷ lệ carbohydrate tăng lên. Thông thường, gà được cho hai muỗng thức ăn vào buổi sáng và buổi chiều.

Tại sao lại sử dụng bắp? Trước hết, khẩu phần bắp giúp chiến kê đá có "lực" hơn. Hãy so sánh gà được nuôi bằng bắp với gà không nuôi. Gà được ăn bắp sẽ linh động và cơ bắp hơn dẫu nặng ký hơn một chút, trong khi gà không được ăn bắp khi vô tay sẽ thấy gầy ốm hơn.

Bắp là lựa chọn của tôi khi nạp carbohydrate bởi bắp có hàm lượng carbohydrate (tức năng lượng trao đổi) cao hơn so với các loại thức ăn khác. Bảng dưới đây thể hiện thành phần dinh dưỡng của các loại thức ăn thông thường dùng để biệt dưỡng gà. Chúng ta có thể thấy hạt yến mạch (sấy) có hàm lượng năng lượng trao đổi cao nhất 3400 kcal (kilo calo), kế đó là bắp 3366 kcal. Tuy nhiên, yến mạch cũng có hàm lượng chất béo cao. Điều này sẽ khiến gà tích mỡ hay "sapola". Kinh nghiệm cũng cho thấy rằng gà ăn yến mạch sẽ ra phân rất xanh và nạp thiếu "lực". Do vậy, tôi chuộng bắp vốn cũng có hàm lượng năng lượng trao đổi cao nhưng hàm lượng chất béo lại thấp. Năng lượng trao đổi này được tích trữ trong cơ thể gà trong ít nhất hai ngày trước khi chuyển hoá thành mỡ nếu không được dùng tới.

Trong ba ngày cuối trước trận đấu, vẫn ngâm hạt như bình thường. Độ ẩm của gà bị chi phối bởi nhiều yếu tố, cả tự thân lẫn môi trường. Bởi vậy, lượng nước uống được kiểm soát trong ba ngày cuối cùng của quá trình biệt dưỡng.


Dữ liệu được lấy từ: The Merck Veterinary Manual, Seventh Edition

3. Kiểm soát nước uống và độ ẩm

Thân thể chiến kê chứa tối thiểu 65% nước. Chỉ riêng điều này, chúng ta có thể thấy rằng nước thực sự là một yếu tố quan trọng trong quá trình biệt dưỡng gà chọi. Hãy tìm hiểu sâu hơn. Tại sao chúng ta phải quan tâm đến nước uống và độ ẩm trước tiên? Để biệt dưỡng đúng cách, chúng ta phải đạt được cái gọi là "đỉnh", nghĩa là gà ở trạng thái "tới độ" hay theo thuật ngữ chuyên môn, gà có trọng lượng thấp nhất có thể, nhưng lại mạnh hay xung nhất. Chúng ta có thể tác động đến trạng thái này thông qua việc kiểm soát nước uống và độ ẩm một cách đúng đắn.

Nước uống thực sự tác động đến việc tập luyện gà chọi theo hai nghĩa: 1) duy trì những chức năng thông thường của cơ thể, và 2) điều hoà thân nhiệt. Về tiêu hoá, nước đóng vai trò dung môi đối với các hạt và viên, và trợ giúp việc lên men. Thực phẩm mà gà ăn vào được chứa ở diều, nơi nó lên men. Tại đây, acid, đạm và carbohydrate được tăng cường hơn nữa trước khi chúng được chuyển sang mề để tiêu hoá. Do vậy, mỗi khi gà bị ké diều, chúng ta phải tìm mọi cách để làm sạch bầu diều vốn chứa đầy thức ăn lên men, bằng không gà có thể bị chết vì ngộ độc. Nếu không được cung cấp đủ nước, việc tiêu hoá và lên men thức ăn sẽ không thuận lợi và có thể đe doạ đến tính mạng chiến kê yêu quý của bạn. Bởi vậy, hãy theo dõi chế độ ăn và uống của gà, đặc biệt là thời gian mà chúng đang tập luyện.

Từ ngày 1 đến 11 của quá trình biệt dưỡng, nước uống luôn được cung cấp cho gà ngay sau bữa ăn. Độ ẩm cũng được đảm bảo bằng cách ngâm hạt qua đêm. Tuy nhiên, vào ngày thứ 12, trong vai trò sư kê bạn phải cảm nhận được điều mà tôi gọi là "dấu hiệu bệnh lý" và thật cẩn trọng trọng việc đánh giá tình trạng của mỗi chiến kê. Mỗi khi quan sát, bạn hãy tự đặt những câu hỏi sau đây: Lượng nước mà gà uống vào ban ngày? Có một cách để biết là hãy cung cấp một lượng nước nhất định vào buổi sáng kể từ ngày đầu tiên. Vào ban đêm, lấy lượng nước còn lại trong máng đem đo bằng lọ chia vạch. Đến ngày thứ 10, bạn có thể ít nhiều đoán được lượng nước mà gà sẽ uống trong ngày. Vào ngày thứ 12 của quá trình biệt dưỡng, theo dõi lượng nước mà gà uống. Gà có ăn hết lượng thức ăn bình thường? Nó phản ứng với việc nạp carbohydrate như thế nào?

Vào ngày thứ 12, chúng ta bắt đầu điều chỉnh lượng carbohydrate trong thức ăn, nhớ không? Nếu vào thời điểm này gà có độ ẩm thích hợp, nó sẽ ăn lượng thức ăn tương tự như trước đây. Phân gà như thế nào? Nó lỏng, khô hay ẩm?

Chúng ta đánh giá độ ẩm trong cơ thể gà thông qua phân. Nghĩa là, với phân ẩm, phân không bét mà có hình dạng thích hợp. Thử đạp nhẹ lên và nó sẽ dính vào giày của bạn, và đấy là độ ẩm thích hợp. Cũng quan sát gà khi chúng ỉa. Nếu ỉa khó khăn, gà quá khô. Nếu gà quá khô thì sẽ không chém tốt. Nếu gà quá ướt thì nó sẽ chậm và chém không chính xác. Còn thời tiết như thế nào? Trời râm, có nắng, ấm áp, có mưa hay nóng nực?

Vào những tháng mùa hè, gà chắc chắn sẽ uống nhiều hơn để bù mất nước và đồng thời điều hoà thân nhiệt. Một con gà bị sốt sẽ uống nước thường xuyên hơn so với con gà có nhiệt độ cơ thể thích hợp. Bởi vậy nên phân của nó sẽ rất lỏng (watery).

Gió cũng làm khô gà. Dù ở nhiệt độ bình thường nhưng mất nước qua da và lông bị tác động mạnh bởi gió hay luồng khí. Bạn có thể chưa phát hiện ra nhưng gà có thể bị quá khô, nên để yên chúng trong chuồng một khi gió quá lạnh.

Trong những tháng mùa mưa, gà thường nhiễm bệnh. Những bệnh như CRD và Coryza khiến gà bị sốt. Ban đầu, gà có thể chưa thể hiện dấu hiệu bệnh lý nhưng bạn sẽ thấy chúng uống nước thường xuyên hơn không chỉ để bù mất nước mà còn để điều hoà thân nhiệt. Chúng bị sốt. Hãy loại chúng khỏi chương trình biệt dưỡng.

Tầm thân nhiệt của gà trong giai đoạn biệt dưỡng từ 38.5 đến 39.5 độ C. Đây là thân nhiệt bình thường của gà. Hãy dùng nhiệt kế (loại nhét hậu môn) để đo thân nhiệt gà. Sau cùng, cảm giác khi bồng gà như thế nào? Đây là điều mà không phương tiện khoa học hay y học nào có thể đo lường được. Bạn phải có cảm nhận về một con gà được biệt dưỡng thích hợp. Các sư kê Mỹ gọi điều này là "kê cảm" (corky), có lẽ ám chỉ đến cảm nhận phảng phất khi bạn bồng gà trong tay.

Khi bồng, một số con đầy đặn, nặng, và cơ bắp căng cứng. Một số con mảnh mai, nhẹ và lỏng, trong khi có con lại mảnh mai, nặng và căng cứng. Chúng ta tìm kiếm những con đầy đặn nhưng nhẹ và hơi lỏng. Nếu cảm thấy cứng, gà có lẽ bị căng cơ. Chúng ta không muốn điều này xảy ra vào ngày xuất trường. Gà căng cơ có lẽ do cơ bắp vẫn còn mệt mỏi. Một khi nói "lỏng" chúng ta ám chỉ cơ bắp thả lỏng. Cơ bắp đúng độ phải vừa căng vừa lỏng. Luôn kiểm tra trọng lượng qua sổ tay. Gà của bạn phải có trọng lượng tối ưu. Vào ngày thứ 12, chúng ta phải thấy cơ bắp gà thả lỏng bởi vì trong hai ngày kế tiếp chúng ta sẽ ốp để gà căng và khô hơn.

Nếu chiến kê của bạn được biệt dưỡng một cách thích hợp, chúng sẽ uống ít nước trong thời gian còn lại. Trường hợp vào ngày thứ 12, bạn phát hiện gà đi phân lỏng hay quá khô, thì bạn vẫn còn ngày thứ 13 và 14 để điều chỉnh.



4. Ốp và xử lý sự cố

Ngày xuất trường là ngày quan trọng nhất. Vào ngày này, chiến kê phải tới độ trước khi lâm trận vài giờ. Chúng ta thực hiện điều này thông qua một quá trình gọi là ốp.

Ốp là quá trình mà chiến kê đạt trọng lượng thấp nhất, nhưng thể lực vẫn tốt nhất. Gà đạt đến trạng thái này được gọi là "tới độ" hay "đủ pin". Chiến kê đạt đến điểm này phải có lông mướt, mặt đỏ au, phân ẩm, mắt long lanh, cảnh giác và thư thái, và nhiệt độ cơ thể bình thường.

Nhưng trước khi ốp gà, tôi nghĩ cần giải thích một chút về cách thức tham gia một giải derby. Giải thường được tổ chức từ tối cho đến sáng sớm hôm sau. Trong các giải lớn, trọng lượng đăng ký được thực hiện trước đó một ngày và lịch đá được thông báo vào buổi chiều. Trong các giải nhỏ, trọng lượng đăng ký được thông báo vào buổi sáng của ngày thi đấu.

Buổi sáng, trước khi đăng ký trọng lượng, trước cả khi cho ăn, dưỡng gà trong lồng kẽm và quan sát phân của chúng. Đợi cho đến khi gà thải hết phân rồi mới đem cân. Từ trọng lượng của mỗi con, trừ đi từ 30-50 gram và đăng ký với trường gà như trọng lượng thi đấu. Nếu trọng lượng bằng hay vượt quá trọng lượng đăng ký 40 gram thì sẽ bị phạt. Gà sẽ sút ký trong quá trình ốp và 30 gram ít nhiều là giới hạn an toàn. Chẳng hạn, nếu trọng lượng gà là 2.1 kg, trừ di 30 g, thì trọng lượng đăng ký là 2.070 kg, trọng lượng phạt là 2.110 kg trở lên. Vào thời điểm thi đấu, gà của bạn nhất định sẽ nhẹ hơn 2.1 kg nhờ ốp. Thậm chí nếu gà của bạn không sút cân trong quá trình ốp, thì trọng lượng vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Nhớ điều chỉnh cân của bạn giống như cân của trường gà, nơi bạn thi đấu.

Thời điểm thi đấu cũng quan trọng. Gà tiêu thụ khẩu phần ăn bình thường trong vòng từ 6-8 giờ và hấp thu dưỡng chất trong từ 4-6 giờ nữa. Vì vậy, hãy cố nắm lịch đấu để lên sẵn lịch trình cho gà ăn. Nếu bạn đấu vào 6 giờ tối, đếm ngược từ 6-8 giờ (khoảng 12 giờ trưa) và cho gà ăn 1/2 khẩu phần ốp bình thường. Vào 6 giờ tối, gà phải sạch bụng và "tới độ".

Khi ốp, tốt nhất nên cho ăn hơi thiếu còn hơn là hơi thừa. Kiểm tra bầu diều và không thấy còn thức ăn bên trong. Nếu phát hiện thấy còn chút thức ăn, hãy cho ăn ít hơn 1/2 khẩu phần bình thường. Diều trống không có nghĩa là mề và ruột cũng trống. Để chắc chắn không còn chút thức ăn nào trong bụng gà, hãy cho ăn ít hơn.

Bây giờ nói về phần tinh tuý của ốp, độ ẩm. Khi vừa đến trường gà, để gà nghỉ ngơi trong tối thiểu 30 phút trước khi cho uống từ 3-5 ngụm nước. Điều này sẽ kích thích nhu động ruột. Như đã giải thích ở trên, độ ẩm có thể được đo lường bằng cách quan sát phân gà. Có bốn trạng thái hay chu kỳ biến đổi của phân khi chúng ta tiến hành công đoạn ốp. Trước hết là dạng phân ẩm và chắc mà bạn thấy vào buổi sáng ngay trước khi cân gà và sau bữa ăn cuối. Sau đó, khi gà thải hết chất xơ và những thành phần khác trong thức ăn, bạn sẽ thấy cái gọi là "phân nâu" (cecal dropping). Đây là loại phân bốc mùi, màu nâu mà gà luôn thải ra trong quá trình biệt dưỡng. Nhưng lúc này, phân nâu là dấu hiệu cho thấy ruột trống. Bạn cũng sẽ thấy một số phân xanh lỏng với chóp trắng tiếp tục ra nhưng ngày càng nhỏ hơn. Khi gà hoàn toàn trống (từ diều cho đến ruột) thì loại phân mà tôi gọi là "phân sáp" (moisture dropping) sẽ xuất hiện. Chúng giống như nhớt trắng đường kính khoảng 5 cm. Chúng càng nhỏ đi khi gần tới độ. Gà được coi là tới độ khi kích thước phân sáp nhỏ như đồng 25 xu và hơi dính.

Một hiện tượng khác thường mà tôi thấy ở chiến kê tới độ là hội chứng mà tôi gọi là "lắc mặt". Khi tới độ, gà bắt đầu lắc mặt (giống như hiện tượng co giật cơ mặt ở người). Hiện tượng này phải xuất hiện trong khi dưỡng gà trước giờ lâm trận. Rất khó mô tả hiện tượng này bằng lời, nhưng một khi bạn thấy, thì đó là dấu hiệu chiến kê đã tới độ. Một dấu hiệu khác nữa là con ngươi bắt đầu nở to. Nhưng đôi khi, dấu hiệu này không đáng tin cậy.

Đấy là những dấu hiệu cho thấy gà đang ở trạng thái tới độ. Cẩn thận đừng để gà "qua độ" khiến chúng bị "xuống".

Hiện tượng "xuống độ" đến ngay sau đó. Điều này có nghĩa gà đã xài hết năng lượng và dưỡng chất trong cơ thể, và bắt đầu thấy đói. Một số sư kê quả quyết rằng "xuống độ" là vì chơi thuốc quá liều, táo bón hay chùng cơ. Gà chơi thuốc quá liều thường bị đờ đẫn. Gà táo bón lại không xung bởi nhu động ruột kém và gà chùng cơ (nhốt tủ quá lâu) thường chậm và lơ đễnh. Nhưng tôi nghĩ, nguyên nhân chủ yếu của triệu chứng "xuống độ" là đói. Bạn có thể nói rằng việc làm cho gà đói là điều mà chúng ta thực hiện khi ốp. Vâng, phần nào là vậy bởi vì chúng ta rút bớt thức ăn, nhưng nên nhớ rằng cơ thể vẫn tiếp tục hấp thu dưỡng chất thậm chí cả sau khi hạt và những thứ khác đã được tiêu hoá hết. Một khi dưỡng chất được tiêu thụ hết, cơn đói xuất hiện vì thiếu năng lượng và dưỡng chất cần thiết khiến tình thế trở nên rất nghiêm trọng và tai hại. Trong ốp gà, chúng ta muốn gà trống rỗng nhưng lại không bị đói. Do vậy, khi dưỡng gà trước trận đấu, một con gà bồn chồn, kích động, thèm ăn, là con đã "xuống độ". Tâm trí nó chỉ tập trung vào thức ăn, chứ không phải là trận đấu.

Để kéo dài thời gian "tới độ", bạn chỉ cần cho gà ăn vài hạt hay vụn bắp hoặc 1/4 muỗng trà thực phẩm ốp vài giờ trước khi dưỡng. Để thúc gà mau tới độ, cho ăn ít đi vào bữa cuối. Không thể duy trì mãi tình trạng tới độ một khi đã sắp đặt. Nó tiến triển, bởi vậy hãy sắp đặt để trận đấu diễn ra trong vòng từ 4-6 giờ trùng với chu kỳ tới độ.

Để tránh hiện tượng "xuống độ", phải biết dùng một lượng thuốc đúng và chính xác. Tránh táo bón và chùng cơ bằng cách thả dưỡng gà thường xuyên và kiểm tra nhiệt độ phòng xem có quá lạnh không. Kiểm tra gà xem có dấu hiệu sốt không. Đây là dấu hiệu chắc chắn gà bị bệnh và xuống độ. Nếu kiểm tra phân thấy quá ẩm, hãy cho ăn một ít viên hoặc bắp vụn để hút bớt chất ẩm trong cơ thể. Tuy nhiên, gà sút cân 70 gram hay hơn trong ngày xuất trường không được phép đá. Chắc chắn nó bị bệnh. Nếu nó phục hồi cân nặng khi ốp (điều tôi nghĩ chẳng bao giờ xảy ra) thì còn chấp nhận được một khi bụng trống.

5. Luyện tập trong giai đoạn biệt dưỡng – Phương pháp xoay tua

Có cả ngàn lẻ một cách luyện gà. Mỗi sư kê đều có phương pháp và quy trình huấn luyện khác nhau. Thời còn đá gà, tôi học hỏi những thầy gà nổi danh ở trong và ngoài nước, những người mà tôi gặp gỡ và có quan hệ. Việc gặp gỡ những người như James Pope và Buddy Mann là vô cùng hữu ích cho việc luyện gà của tôi. Với James Pope, xổ là lối luyện tập tốt nhất đối với chiến kê; với Buddy Mann, đó là sự kết hợp những bài tập tự nhiên với bàn tập. Từ kinh nghiệm của họ và cá nhân tôi, tôi xin chia sẻ những điều mà tôi biết về cách luyện gà trong quá trình biệt dưỡng.

Kể từ lần xổ gà đầu tiên, tôi nhận thấy mỗi lần thi đấu, gà thở gấp; chúng đặc biệt thở gấp hơn trong những tháng mùa hè; chúng cũng thở gấp khi độ ẩm cơ thể quá cao. Do đó, mối quan tâm chính của các sư kê trong quá trình biệt dưỡng là phát triển cơ chế chịu đựng (coping mechanism) nhằm hạn chế thở gấp. Thở gấp là dấu hiệu cho thấy cơ thể bị áp lực vì phải gia tăng nhịp tim để cung cấp thêm ô-xy cho các cơ quan. Hô hấp là phản ứng tự nhiên. Luyện tập giúp cải thiện hơn nữa cơ chế chịu đựng.

Trước hết, tôi xin nói rõ rằng việc huấn luyện gà chọi thực sự bắt đầu từ khi mới nở. Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc thích hợp, hầu như là nền tảng của việc tập luyện. Bạn không thể làm được gì nhiều trong 14 hay 21 ngày biệt dưỡng, ngoài việc giữ cho gà tập trung, gia tăng độ bền và săn (tone) của cơ bắp. Năng lực bắt nguồn từ bổn bang, và cơ bắp được phát triển trong giai đoạn chăm sóc và tiền biệt dưỡng. Tập luyện sẽ giúp cải thiện sự dẻo dai, sức mạnh, độ săn, hình dáng và sức chịu đựng của hệ tim mạch. Không gì có thể cải thiện thể chất, khả năng tuần hoàn và hô hấp của một gà bệnh. Vì vậy, hãy bắt đầu từ khi chúng còn non và chăm sóc đúng cách trong quá trình tăng trưởng.

Trong quá trình biệt dưỡng, sư kê nhắm đến việc giữ cho chiến kê luôn tập trung bởi vì đây chính xác là điều mà chúng cần đến khi lâm trận. Sự linh hoạt, dẻo dai và phản ứng nhanh nhẹn là vốn liếng trong những trận đấu, đôi khi chỉ kéo dài vài giây. Bạn phải tránh cái gọi là "hội chứng sức ỳ" khi gà ủ rũ, trở nên đờ đẫn và buồn chán.

Mục đích khác của việc luyện tập trong quá trình biệt dưỡng là luyện cơ bắp chắc khoẻ. Luyện cơ bắp khác với phát triển cơ bắp bởi điều sau có được trong quá trình tăng trưởng và tiền biệt dưỡng, trong khi luyện cơ bắp chỉ đơn giản là làm việc trên những thứ đã có sẵn. Với cơ bắp được tập luyện, chiến kê thư thái, không căng cơ và không bao giờ chùng cơ (coop-stale).

Có vô số quan điểm liên quan đến vấn đề luyện gà. Hầu hết các sư kê kỳ cựu trước đây, làm theo "hướng dẫn" hay bài bản luyện tập, nghĩa là sư kê theo dõi và thực hiện việc luyện gà. Điều này đòi hỏi hàng loạt những bài tập, chẳng hạn như xổ kéo (tailing), bay, bật, xoay... Những người khác lại làm theo cách "tự nhiên" tức con người không can thiệp nhiều đến việc luyện tập của chiến kê. Đây là phương pháp xoay tua và áp dụng lồng bay và lồng bới vào bài tập của gà. Cả hai phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng và tôi thấy việc kết hợp cả hai là cần thiết trong khi luyện gà.

Phương pháp xoay tua (rotation method). Xoay tua ở đây đơn giản là chuyển gà từ dây cột vào lồng bay, qua lồng bới, vào tủ dưỡng (resting coop), rồi trở về dây cột hay tee-pee. Với phương pháp này, sư kê phải có lồng bay dài 4 m, rộng 1m2 và cao 4 m. Lồng rộng hơn thì tốt hơn. Phải có chạc điều chỉnh với độ cao 1m2, 1m5 và 1m7 so với mặt đất. Nền là hỗn hợp phân ngựa, cát sông và đất vườn. Nền phải xốp để gà bay nhảy và kích thích chúng đào bới.

Lồng bới (scratch box). Mặt khác, lồng bới được làm bằng tre với kích thước dài 1 m, rộng 1 m và cao 1 m. Lồng phải đủ cao để khi vỗ cánh, cánh gà không chạm lồng. Lồng phải có sàn gỗ để gà có thể vươn chân và cánh hết cỡ về phía sau khi bới. Chất liệu để gà bới có thể là lõi bắp vụn, lá chuối, hay cỏ khô. Lồng dùng vào mục đích cào bới chứ không phải tắm cát, vì vậy không bỏ đất cát vào đó.

Tee-pee. Tee-pee hay chỗ cột dây là nơi ăn ngủ của gà, nơi chúng phơi sương và tắm nắng vào sáng sớm. Vị trí của tee-pee phải về hướng đông nơi hứng nắng sáng.

Tủ dưỡng (coop). Loại tủ đặc biệt dùng khi xoay tua. Đây là tủ nhỏ, rộng 6 tấc, dài 6 tấc và cao 6 tấc. Gà được cho nghỉ ở đây vào ban ngày - một loại phòng nghỉ trưa.

Việc xoay tua được thực hiện bằng cách chuyển gà từ lồng này sang lồng kia sau một thời gian. Khi chuyển lồng, luôn rửa mặt và chân gà trước khi thả vào lồng mới. Sử dụng bình xịt với thuốc Vet Rx. Điều này giúp nở phổi và tăng cường hô hấp. Trong lồng bới, khuyến khích việc cào bới bằng cách đổ vào 1/2 muỗng trà yến mạch sấy mỗi lồng. Vào ngày đầu tiên, bố trí vật liệu bới và để gà cào trong vòng 5 phút. Lần thứ hai, hãy tăng vật liệu và thời gian bới lên 10 phút. Gia tăng vật liệu và thời gian bới cho đến ngày thứ 7, khi lớp vật liệu dày đến 15 cm và thời gian bới lên đến 30 phút. Từ ngày thứ 8, giảm dần lượng vật liệu và thời gian bới cho đến khi đạt mức zero vào ngày thứ 12 của quá trình biệt dưỡng.

Có những loại vật liệu bới khác nhau tuỳ theo bài tập nặng hay nhẹ. Tôi dùng lá chuối cho bài tập nhẹ, chỉ áp dụng trong những tháng hè, và sử dụng lõi bắp vụn hay lá mía cho bài tập nặng trong những tháng lạnh. Chính bạn là người quyết định cho gà tập nhẹ hay nặng và điều chỉnh khi cần.

Thực hiện bài tập bới khi gà đói bằng không bạn sẽ không đạt được kết quả như ý. Tôi thả gà vào lồng bới khoảng 4 giờ sáng khi chúng bắt đầu thấy đói. Sau khi bới, tôi bồng gà, rửa mặt và chân, rồi trả về tee-pee để phơi sương và tắm nắng.

Vào 7 giờ sáng, tôi cho gà ăn theo khẩu phần biệt dưỡng. Bạn có thể tham khảo khẩu phần thức ăn ở phần 1.

Vào 9 giờ sáng, bắt gà, rửa mặt và chân, rồi thả vào lồng bay cho đến trưa.

Vào 12 giờ trưa, bắt gà thả vào tủ dưỡng. Thời gian nghỉ dưỡng không quá 2 giờ để tránh chùng cơ.

Vào 2 giờ chiều, bắt một cặp gà đem xổ kéo (salida) hay tập kéo (kahig) và cho phép chúng nạp vài cú trong khi vẫn nắm đuôi. Sau khi xổ kéo, đưa về chỗ cột dây trong khi chờ bữa ăn. Vào ban đêm, chúng tôi luyện gà trên bàn tập (table workout).







--------------------------------------------------------------------------

Một-số-thuật-ngữ
Kim-tự-tháp-biệt-dưỡng
Phương-pháp-biệt-dưỡng-nạp-carbohydrate
Phương-pháp-ốp-gà-trong-vòng-5-ngày
thay đổi nội dung bởi: vnreddevil, ngày hôm nay lúc 09:25 AM

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Gà Bông & gà Vàng


Mời bà con thư giãn: 
Vàng nhỏ hơn Điều 60 grs 

http://youtu.be/FXWDhddaQVA

Gà Bông mùa 2 vs gà Điều mùa 2 nặng hơn 90 grs.






Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Gà Thịt đậu lớp 10

Thi rớt lớp 10 trong kỳ thi chính thức cách nay 10 ngày, Gà Thịt đã đậu hạng "Bình thứ" trong kỳ thi vớt hôm nay 7/3/2012. Đối thủ bằng ký, gà que xanh gốc Bến Tre, bạn T lên cựa và thả gà dùm cho bên 'đối tác'. Tiền cược 24 lon và chuộc gà 150k. Xin mời bà con thưởng thức trận đấu:



Đường vô Đại học còn lắm gian truân!

Khuyến mãi thêm một trận: