Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Sử dụng thuốc cho gà trong thời gian biệt dưỡng.

Việc dùng thuốc trong thời gian biệt dưỡng gà đá còn nhiều tranh luận tuy nhiên hiệu quả tích cực của việc này là rõ ràng trên thực tế. Chúng ta có thể tạm chia các loại thuốc thành vài nhóm để tiện việc tham khảo và ứng dụng.

(a)  Nhóm kích thích tác động lên hệ thần kinh.
(b)  Nhóm tác động lên hệ nội tiết.
(c)  Nhóm vitamine, acid amine và vi khoáng.

Nhóm a và b vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về tác dụng, cách dùng, tác dụng phụ không mong muốn … Riêng nhóm a việc đáp ứng với thuốc còn tùy thuộc từng cá thể nên việc ứng dụng không dễ và hiệu quả có thể thay đổi bất lường.
Nhóm c là nhóm dễ tìm, giá không quá đắt, dễ sử dụng, hiệu quả rõ ràng trên thực tế, tác dụng phụ gần như không đáng kể khi dùng đúng liều lượng và thời gian. Việc bổ sung các thuốc trong nhóm này cho gà là hợp lý và khoa học vì khẩu phần ăn được cung cấp cho gà đá nuôi nhốt thường không phong phú và đa dạng đủ để cung cấp đầy đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết. Mặt khác vì trong thời gian tập luyện tích cực để chuẩn bị ra trường nên nhu cầu về vitamine, acid amine và vi khoáng tăng cao hơn bình thường rất nhiều để bù đắp cho những hao tổn do việc tăng cường vận động thể lực tự nhiên hay cưỡng bức.
Chúng ta sẽ lần lượt đề cập tới vai trò và liều lượng của các chất trong nhóm c để tiện việc ứng dụng, các chất này có trong các loại thức ăn ngoài thiên nhiên nhưng không tiện dụng và khó kiểm soát liều lượng nhất là khi ta cần liều cao trong thời gian ngắn để gây ra tác dụng mong muốn.

1/ B15: B15 không thực sự là 1 loại vitamin vì không được chứng minh là chất thiết yếu cho hoạt động chuyển hóa bình thường của cơ thể. Bên cạnh đó các chất trong nhóm này cũng chưa được chứng minh là có tác dụng điều trị bởi các nghiên cứu lâm sàng. Cơ quan Quản lý về thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ không cho phép lưu hành chúng như một loại dược phẩm. Nhóm này được sử dụng chủ yếu ở Liên xô và Đông âu như là một chất kích thích trên hệ tuần hoàn, giúp gia tăng lượng máu đến mô và các cơ quan, có tác dụng chống oxy hóa như vitamin A và E, giúp đào thải acid Lactic và phục hồi nhanh chóng các hoạt động cơ bắp, nó được cho là có vai trò trong việc oxy hóa glucose và hô hấp trong tế bào, giúp giảm tình trạng thiếu oxy của tế bào khi nguồn dưỡng khí suy giảm . Các dạng hoạt chất thường dùng là acid Pangamic và Dimethyl Glyceryl (DMG) và liều dùng 1-3mg/kg/ngày.

2/ B12: B12 là một loại vitamin tan trong nước, có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như gan, thận, thịt, hải sản, trứng … Đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hồng cầu, tổng hợp DNA và RNA, duy trì chức năng bình thường của hệ thần kinh, tham gia quá trình chuyển hóa chất bột đường, đạm và béo để tạo năng lượng cho cơ thể. Thiếu hụt B12 sẽ tác động xấu đến quá trình tạo máu gây ra mệt mỏi, khó thở, trầm cảm; tổn thương không hồi phục trên não và hệ thần kinh khi sự thiếu hụt nghiêm trọng và kéo dài. Các hoạt chất thường được sử dụng là cyanocobalamin, hydroxocobalamin, methylcobalamin … Nhu cầu: ở người 2-3 Microgam/ngày, lượng dự trữ ở gan có thể đáp ứng nhu cầu trong nhiều tháng, liều điều trị có thể đến vài mg mỗi ngày qua đường uống, khí dung hoặc chích bắp.

3/ B9 - Acid Folic: B9 tan trong nước nên không được dự trữ trong cơ thể, là một trong 8 vitamin nhóm B. Tất cả các vitamin B giúp cơ thể chuyển đổi thực phẩm (carbohydrate) thành nhiên liệu (glucose), được sử dụng để sản xuất năng lượng. Các vitamin B, cũng giúp chuyển hóa các chất béo và đạm để cơ thể sử dụng.
Axít folic có vai trò sinh học trong việc tạo ra tế bào mới và duy trì chúng. Chất này cần thiết trong việc tổng hợp ADN và RNA, vật liệu di truyền của cơ thể, và đặc biệt quan trọng trọng giai đoạn mà các tế bào và mô đang phát triển nhanh chóng, chẳng hạn như trong giai đoạn phôi thai, trẻ em. Axit folic cùng với vitamin B12 và sắt giữ vai trò quan trọng trong việc tạo hồng cầu và nó cũng giúp duy trì hoạt động sinh lý bình thường của não và đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe tâm thần và tình cảm.
Thiếu hụt acid folic có thể gây viêm lưỡi, viêm lợi, chán ăn, khó thở, tiêu chảy, khó chịu, giảm trí nhớ, kém linh hoạt và trầm cảm.
Liều trung bình ở người lớn là 400 Microgam/ngày.
(còn tiếp)