Tạp Ghi





Sự khác biệt quá lớn giữa người Việt Nam và người Nhật

“Niềm vui của con người được chia làm hai phần. Phần con vui trên cái khổ của đồng loại, phần người vui khi đồng loại hạnh phúc.”

Sự khác biệt quá lớn giữa người Việt Nam và người Nhật

Trước đây do công việc tôi có dịp đi Nhật nhiều lần cũng như đi nhiều nước khác trên thế giới. Nước Nhật không phải là nước mà tôi thích đến nhất (có thể vì đắt đỏ quá) nhưng đó là đất nước mà tôi nể phục nhất – không chỉ phục ở những thành tựu của sự văn minh, những công trình kiến trúc tuyệt mỹ mà còn ở yếu tố con người.

Hai người Nhật chào nhau
Kể từ đó tôi luôn tò mò tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của các con cháu Thái Dương Thần Nữ.
Càng biết thêm về họ tôi càng phục họ hơn. Đó là một dân tộc có nhiều điểm rất đặc biệt. Một dân tộc luôn tự hào về những giá trị truyền thống nhưng khi cần cũng sẵn sàng dứt bỏ những gì đã lỗi thời. Một dân tộc mang niềm kiêu hãnh lớn lao nhưng đồng thời cũng luôn biết học hỏi cái hay của người khác. Một dân tộc đã từng đánh bại các đế quốc Mông Cổ, Trung Hoa và Nga Sô nhưng cũng biết nuốt cái nhục bại trận để vươn lên thành một cường quốc kinh tế. Một dân tộc ít khi ồn ào lớn tiếng, và luôn xem trọng sự ngăn nắp sạch sẽ. Nhưng đặc biệt hơn cả – đó là một dân tộc chưa bao giờ biết đầu hàng trước nghịch cảnh.
Tôi nhớ trước đây có đọc một bài viết của một người Việt sống lâu năm tại Nhật, quên mất tên tác giả, trong đó ông có nêu ra một chi tiết để phân biệt giữa người Nhật bản địa và người ngoại quốc sống ở Nhật – đó là nhìn qua cách phơi quần áo. Người ngoại quốc phơi lung tung, còn người Nhật phơi theo thứ tự, quần theo quần, áo theo áo….
Đúng như nhà văn Haruki Murakami đã nhận định: “Người Nhật là kho tàng của nước Nhật”. Tôi rất cám ơn đất nước này vì chính người Nhật đã cho tôi một niềm tin rằng bất cứ một đất nước nào, dù nhỏ, dù bị bất lợi về địa lý, tài nguyên… nhưng nếu dân tộc đó có một nhân sinh quan đúng đắn thì vẫn có thể trở thành một dân tộc giàu mạnh.
***
Thiên tai động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật cách đây 2 tháng, mặc dầu những tin tức liên quan đến biến cố này không còn được nhắc đến nữa, nhưng đối với những người Việt Nam còn quan tâm đến đất nước thì những dư âm của nó vẫn còn để lại nhiều vương vấn suy tư. Cùng là hai nước nhỏ ở Á Châu nhưng định mệnh nào đã đưa đẩy hai dân tộc khác biệt nhau quá xa. Một dân tộc mà mỗi khi nhắc tới, từ Đông sang Tây, đều phải ngã mũ bái phục, còn dân tộc kia thì ít khi được nhắc đến, hay nếu có thì thường là những điều không lấy gì làm vinh dự cho lắm.
Sau biến cố này đã có hàng ngàn ý kiến xuất hiện trên các diễn đàn Internet đặt câu hỏi: “Tại sao lại có sự khác biệt quá lớn giữa người Việt và người Nhật”, phần lớn những ý kiến này xuất phát từ những người trẻ đang sống ở Việt Nam. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho thấy có nhiều người Việt Nam đang thao thức muốn thay đổi số phận của đất nước mình.
Đây là một đề tài rất lớn và đòi hỏi sự suy nghĩ, nghiên cứu nghiêm túc của nhiều người nhất là những nhà trí thức. Bài viết này để chia sẻ câu hỏi đó và chỉ nên xem như những lời góp ý rất khiêm tốn.
Sự chênh lệch giữa Việt Nam và Nhật Bản không phải chỉ xảy ra bây giờ, từ đầu thế kỷ 20 Nhật đã vượt ta rất xa. Trong cuốn “Niên Biểu” cụ Phan bội Châu đã kể lại kinh nghiệm của mình sau hai lần đến nước Nhật để tìm đường cứu nước (lần đầu tiên vào năm 1905). Những điều tai nghe mắt thấy tại đây khiến cụ rất phục tinh thần của dân tộc Nhật Bản. Người phu xe, thuộc giai cấp lao động bình dân, chở cụ đi tìm một sinh viên người Trung Hoa, mất nhiều thời gian công sức mà cuối cùng vẫn nhận đúng 52 xu: “Than ôi! trình độ trí thức dân nước ta xem với tên phu xe Nhật Bản chẳng dám chết thẹn lắm sao!”.
Nước Nhật nằm ở vị trí đầu sóng ngọn gió, chịu liên tục những thiên tai trong suốt chiều dài lịch sử và họ chấp nhận định mệnh đó với lòng can đảm. Thiên tai vừa rồi rất nhỏ so với trận động đất tại Tokyo vào năm 1923 và hai quả bom nguyên tử vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến. Nhờ phương tiện truyền thông quá văn minh cho nên cả thế giới vừa rồi có cơ hội nhìn thấy rõ hơn “tinh thần Nhật Bản” trong cơn nguy biến.
Trận động đất xảy ra tại Tokyo ngày 1/9/1923 đã làm cho 130,000 người thiệt mạng, Yokohama bị tàn phá hoàn toàn, phân nửa của Tokyo bị tiêu hủy. Trong quyển “Thảm nạn Nhật Bản” (Le désastre Japonais) của đại sứ Pháp tại Nhật thời đó thuật lại: ”Từng cá nhân kẻ góp chút gạo, kẻ đem chiếc xuồng để giúp đỡ nhau như một đại gia đình”chứng tỏ là họ có một truyền thống tương thân tương ái lâu đời.
Vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến hai quả bom nguyên tử bỏ xuống Hiroshima và Nagasaki, ngay lập tức làm thiệt mạng khoảng 150,000 người. Những thành phố kỹ nghệ của Nhật cũng bị tàn phá nặng nề vì những trận mưa bom của phi cơ Đồng Minh. Lần đầu tiên trong lịch sử người Nhật phải chấp nhận đầu hàng và là nỗi nhục quá lớn đối với họ như lời của Nhật Hoàng Hirorito: “Chúng ta phải chịu đựng những điều không thể chịu đựng nỗi”.
Không có hình ảnh nào thê thảm như nước Nhật lúc đó, kinh tế gần như bị kiệt quệ hoàn toàn. Tuy nhiên Đồng Minh có thể tiêu diệt nước Nhật nhưng không thể tiêu diệt được tinh thần của người Nhật, họ đã biến cái nhục thua trận thành sức mạnh để vươn lên từ đống tro tàn.
Đến năm 1970, chỉ có 25 năm, một nước bại trận hoang tàn đổ nát trở thành một cường quốc kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới, chỉ thua có Hoa Kỳ. Danh từ “Phép lạ kinh tế” phát xuất từ hiện tượng này.
Trong 7 năm từ 1945 cho đến 1952, tướng MacArthur, thay mặt Hoa Kỳ quản trị nước Nhật với tư cách là Chỉ Huy Tối Cao của Lực Lượng Đồng Minh (Supreme Commander of the Allied Powers) – vì nể phục và quý mến người Nhật cho nên vị tướng này muốn biến nước Nhật trở thành một “Nước Mỹ lý tưởng” hay nước Thụy Sĩ ở Á Châu. Tuy cuối cùng kết quả không được trọn vẹn như ý muốn của ông vì người Nhật không thể để mất hồn tính dân tộc. Nhưng nước Nhật được như ngày nay có công đóng góp rất lớn của tướng MacArthur.
Trở lại chuyện thiên tai vừa rồi, ngay sau đó có cả ngàn bài viết ca ngợi tinh thần của người Nhật. Nhiều tờ báo lớn của Tây Phương đi tít trang mặt: “Người Nhật: Một Dân Tộc Vĩ Đại”. Nhật báo lớn nhất của Mỹ, New York Times, số ra ngày 20 tháng 3 đăng bài “Những điều người Nhật có thể dạy chúng ta” của ký giả Nicholas Kriftoff. Đúng như lời của nhà báo Ngô Nhân Dụng đã viết: “Một dân tộc, và mỗi con người, khi bị thử thách trong cơn hoạn nạn, là lúc chứng tỏ mình lớn hay nhỏ, có đáng kính trọng hay không”.
Dùng từ vĩ đại đối với nước Nhật không cường điệu chút nào, họ vĩ đại thật. Giữa cảnh chết chóc, nhà cửa tan nát, đói lạnh, tuyệt vọng… vậy mà họ vẫn không để mất nhân cách, mọi người nối đuôi nhau chờ đợi hàng giờ để lãnh thức ăn, tuyệt đối không oán trách trời, không trách chính quyền, không lớn tiếng, không ồn ào, kiên nhẫn chờ đợi đến phiên mình. Một đất nước mà trong cơn khốn khó, không đổ lỗi cho nhau, từ quan đến dân, trăm người như một, trên dưới một lòng lo tìm cách đối phó, thì đất nước đó xứng đáng là một đất nước vĩ đại.
Toàn bộ nội các Nhật làm việc gần như 24/24. Các hiệu trưởng ngủ lại trường cho đến khi học sinh cuối cùng được di chuyển đi. Các siêu thị hoàn toàn không lợi dụng tình cảnh này để tăng giá. Tiền rơi ngoài đường từ những căn nhà đổ nát không ai màng tới thì đừng nói chi đến chuyện hôi của. Ông Gregory Pflugfelder, giáo sư chuyên nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Đại Học Columbia (Mỹ) đã nhận xét về người Nhật sau thiên tai này như sau: “Hôi của đơn giản là không xảy ra ở Nhật Bản. Tôi thậm chí còn không chắn rằng trong ngôn ngữ Nhật Bản có từ ngữ này.”
Người Nhật là một dân tộc có tinh thần độc lập, tự trọng và lòng yêu nước rất cao, không chờ đợi ai mở lòng thương hại, sau những hoang tàn đổ nát, mọi người cùng nhau bắt tay xây dựng lại.
Mặc dầu chính phủ Hoa Kỳ đề nghị đến giúp dập tắt lò nguyên tử Fukushima nhưng họ từ chối. Xa lộ tại thành phố Naka, thuộc tỉnh Ibaraki bị hư hại nặng do động đất. Chỉ một tuần sau, ngày 17/3 các công nhân cầu đường Nhật bắt đầu sửa chữa, chỉ 6 ngày sau xa lộ này đã hoàn tất, ngay cả Hoa Kỳ có lẽ cũng không thể đạt được kỷ lục này.
Từ Nhật Hoàng Akihito, Thủ Tướng Naoto, cho đến các thường dân đều tự tin rằng: “Chúng tôi sẽ phục hồi” như họ đã từng làm trong quá khứ. Cho đến hôm nay (18/5) theo những tin mà chúng ta đọc được trên Internet thì những nơi bị tàn phá đang được phục hồi nhanh chóng. Có thể chỉ 2, 3 năm sau nếu có dịp đến đây chúng ta sẽ thấy cảnh vật hoàn toàn thay đổi.
Điều đáng chú ý nhất trong thiên tai này đối với người viết – chính là thái độ của trẻ em. Đến xứ nào, chỉ cần nhìn qua tuổi trẻ là có thể đoán được tương lai của xứ đó, bởi vì tuổi trẻ là hy vọng, là tương lai của đất nước. Không phải chỉ có em học sinh 9 tuổi mất cha mất mẹ, đang đói khát nhưng vẫn từ chối sự ưu tiên hơn người khác được cả thế giới biết đến, mà còn có cả ngàn em học sinh Nhật khác trong hoàn cảnh tương tự vẫn luôn luôn giữ tinh thần kỹ luật và lễ phép.
Những em nhỏ, có em còn được bồng trên tay, có em ngồi bên cạnh mẹ trong các nơi tạm cư, mặc dầu đói khát từ mấy ngày qua nhưng nét mặt của các em vẫn bình thản chờ đợi thức ăn mang đến. Những em bé này được dạy dỗ từ nhỏ tinh thần kỷ luật, tự trọng, danh dự và khắc kỷ… không phải chỉ học ở trường hay qua sách vở mà còn qua những tấm gương của người lớn trong những hoàn cảnh thực tế và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Mai đây nếu có một cuốn sách giới thiệu những nét đẹp nhất, cao thượng nhất của con người sống trên hành tinh này thì cuốn sách đó không thể thiếu được những hình ảnh của người Nhật trong thiên tai vừa qua.
Trông người lại nghĩ đến ta!
Trong bài “Góc ảnh chiếu từ nước Nhật”, nhạc sĩ Tuấn Khanh (ở VN) đã viết một câu thật thấm thía:
“Đôi khi giữa những hoang tàn đó của nước Nhật, người ta bừng sáng hy vọng và đôi khi sống giữa những điều được gọi tên là bình yên của đất nước mình, một người Việt Nam vẫn có thể cảm nhận được những ảnh chiếu sắc cạnh của sự hoang tàn”.
Một số người đặt câu hỏi: Nếu tai họa như nước Nhật xảy ra tại VN thì chuyện gì sẽ xảy ra? Bà Mạc Việt Hồng đã diễn tả bức tranh đó như thế này:
- Động đất có khi chết 200 nhưng giẫm đạp lên nhau mà chạy, chết thêm nghìn nữa.
- Các ban ngành sẽ họp bàn cách cứu hộ từ ngày này qua ngày kia.
- Cướp giật hôi của sẽ phổ biến, hoa người ta còn cướp giật nói chi tới đồ ăn hay tiền bạc vào lúc hỗn quan hỗn quân như vậy. Người đi hôi của sẽ nhiều hơn người đi cứu trợ.
- Nếu có phát khẩu phần ăn sẽ chẳng có hàng lối gì, bà già trẻ nhỏ sẽ bị chen cho bẹp ruột, ai thắc mắc hay nhìn đểu mấy kẻ chen lấn, thì “bố cho mày mấy chưởng”.
- Sẽ xuất hiện đủ loại cò: Cò mua, cò bán, cò di tản, cò cứu trợ, cò bệnh viện… tha hồ chặt chém đồng bào.
- Tiền và hàng cứu trợ sẽ vào tay dân thì ít, cửa quan thì nhiều.
- Ai muốn người nhà mình đang kẹt trong đống đổ nát được đào bới, tìm kiếm trước thì hãy chi đẹp cho đội cứu hộ.
- Khu nào có quan chức ở thì được ưu tiên cứu hộ trước, khu nào dân đen sinh sống thì cứu sau.
- Cửa hàng sẽ thi nhau tăng giá, bắt chẹt những người khốn khổ.
- Tổ chức nào, tôn giáo nào muốn cứu trợ thì phải được sự đồng ý của Mặt trận Tổ quốc và các cấp chính quyền kẻo các “thế lực thù địch” lợi dụng.
…v.v….
Tôi không nghĩ là bà Mạc Việt Hồng nói quá đáng. Chúng ta cũng không cần phải có kinh nghiệm thực tế, chỉ cần đọc qua báo trong nước sau mỗi lần có thiên tai cũng đủ biết là những ghi nhận trên của tác giả không sai chút nào. Nói chung nạn nhân nếu muốn sống sót phải làm theo bản năng “mạnh được yếu thua” hay “khôn nhờ dại chịu”, còn quan chức chính quyền thì coi đó như thời cơ để kiếm tiền.
Có thể có những quý vị nghĩ rằng: không nên quá đề cao người khác và rẻ rúng thân phận của mình – vì phải giữ lại niềm tự hào dân tộc. Riêng tôi thì không đồng ý với những quan điểm như thế.
Có hãnh diện gì khi nói ra những điều không hay về chính dân tộc mình, người viết cũng là người Việt, cũng có tất cả những thói hư tật xấu của người VN. Nhưng thiết nghĩ, muốn thoát khỏi sự thua kém, trước hết phải dám can đảm biết nhìn lại chính mình, phải biết mình tốt chỗ nào, xấu chỗ nào, đang đứng tại đâu và cần phải làm những gì. Cũng giống như một người sinh ra trong một gia đình nghèo khó bất hạnh, phải biết chấp nhận số phận đó, nhưng chấp nhận để tìm cách vươn lên chớ không phải chấp nhận để đầu hàng hoàn cảnh.
Gần một trăm năm nước đây, Lỗ Tấn từ bỏ nghề y chuyển sang viết văn để mong đánh thức được dân tộc Trung Hoa ra khỏi căn bệnh bạc nhược bằng những toa thuốc cực đắng như “AQ chính truyện”, gần đây nhà văn Bá Dương tiếp nối tinh thần đó với “Người Trung Quốc xấu xí” cũng được nhiều đồng bào của ông cho đó là một đóng góp đáng kể. Cuộc cách mạnh Duy Tân của Minh Trị Thiên Hoàng vào giữa thế kỷ 19 chắc chắn sẽ không thành công được như vậy nếu những nhà tư tưởng của Nhật lúc đó không vạch ra cho đồng bào của họ thấy được những những cái yếu kém trong văn hóa truyền thống cần phải bỏ đi để học hỏi những cái hay của Tây Phương, nhà văn Miyake Setsurei, dành riêng một cuốn sách công phu “Người Nhật xấu xa” xuất bản năm 1891 để đánh thức người Nhật ra khỏi căn bệnh lạc hậu.
Chúng ta chỉ có thể yêu nước nếu chúng ta có niềm tự hào dân tộc. Nhưng tự hào vào những điều không có căn cứ hay không có thật sẽ có tác dụng ngược như những liều thuốc an thần. Những tự hào giả tạo này có khi vì thiếu hiểu biết, có khi vì mưu đồ chính trị của kẻ cầm quyền như trong hơn nửa thế kỷ qua, và tác hại của nó thì ngày nay chúng ta đã thấy rõ.
Trong khi đó, người Việt có những mâu thuẫn kỳ lạ. Chúng ta mang tự ái dân tộc rất cao nhưng đồng thời chúng ta cũng mang một tinh thần vọng ngoại mù quáng. Chúng ta thù ghét sự hiện diện của ngoại bang trên đất nước chúng ta bất kể sự hiện diện đó có chính đáng đến đâu, nhưng đồng thời giữa chúng ta cũng không tin lẫn nhau, xưa nay mọi giải pháp quan trọng của đất nước chúng ta đều trông chờ vào lý thuyết và giải pháp của người ngoại quốc, chớ không tự quyết định số phận của mình.
Có thể nói trong lịch sử hiện đại của VN, hoàn toàn trái ngược với các nhà cách mạng cùng thời, Phan Chu Trinh chọn giải pháp Khai Dân trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân sinh. Theo ông, muốn thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang và sự nghèo khổ lạc hậu, trước hết phải nâng cao dân trí, mở mang trí tuệ. Dân trí cao người dân sẽ ý thức được quyền làm người, quyền dân tộc, rồi từ đó sẽ tranh đấu bằng giải pháp chính trị để giành độc lập. Dân trí thấp kém cho dù có dành được độc lập thì vẫn tiếp tục là một dân tộc nô lệ ở một hình thức khác. Ông là một trong những người Việt hiếm hoi nhìn ra nguyên nhân mất nước, nguy cơ dân tộc, không phải ở đâu khác mà là trong văn hóa, từ văn hóa mà ra.
Sau Đệ Nhị Thế Chiến có gần 30 nước dành được độc lập, phần lớn không đổ một giọt máu, chỉ có vài nước như VN, phải trả bằng máu và nước mắt của hàng triệu sinh mạng để cuối cùng trở thành một trong những nước nghèo khổ và lạc hậu nhất thế giới. Chọn lựa này là chọn lựa của dân tộc, của VN chớ không phải do sức ép của ngoại bang hay một lý do gì khác. Lòng yêu nước mù quáng biến dân tộc VN trở thành một lực lượng tiên phong trong cuộc tranh chấp giữa hai khối CS và Tự Do và luôn luôn hãnh diện với thế giới về một dân tộc “bước ra khỏi cửa là thấy anh hùng”.
Những bi kịch của đất nước hôm nay là cái giá phải trả cho sự chọn lựa đó.
Thật cay đắng cho những người hết lòng vì nước vì dân như Phan Chu Trinh, mặc dầu nhìn xa thấy rộng, tư tưởng nhân bản, kiến thức uyên bác, lòng yêu nước và nhiệt tình có thừa, nhưng cuối cùng Phong Trào Duy Tân của cụ đã thất bại chỉ vì không được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng, ngay cả cụ Phan Bội Châu – một đồng chí thân thiết với cụ trong nhiều năm cũng không ủng hộ quan điểm của cụ.
Là một người yêu nước chân thật ông không tự lừa dối mình và lừa dối dân tộc của mình bằng những chiêu bài mị dân, những điều tự hào không có thật. Ông là người nhìn thấy được vấn đề, và cố gắng đi tìm một phương thuốc cứu chữa.
Nhưng tại những nơi mà lưỡi gươm có tác dụng mạnh hơn ngòi bút thì những tiếng nói nhân bản như ông trở thành những tiếng kêu giữa sa mạc hoang vắng và ông trở nên lạc lõng trong một xã hội mà nếp suy nghĩ hủ lậu đã bám rễ quá lâu và quá chặt, trở thành một căn bệnh trầm kha hủy hoại đất nước và làm cho dân tộc sa vào vòng nô lệ.
Nhìn qua đất nước Nhật Bản, một dân tộc có chiều dài lịch sử gần giống như chúng ta, có diện tích gần bằng, dân số không chênh lệnh mấy (127 triệu so với 87 triệu), cũng chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và Khổng Giáo, không khỏi làm cho chúng ta đau lòng khi thấy được sự khác biệt quá lớn giữa hai đất nước. Sự khác biệt về kinh tế, sự giàu có tiện nghi không phải là điều quan trọng, chủ yếu là sự khác biệt về cách suy nghĩ (mentality) giữa hai dân tộc.
Vào thời điểm 1858, khi người Pháp bắt đầu xăm lăng VN thì dân ta vẫn còn u mê bám vào những giá trị đã lỗi thời, người Nhật tức thời bỏ những truyền thống hủ lậu, học hỏi những cái hay của Tây Phương để bắt kịp họ. Đến thời điểm sau Đệ Nhị Thế Chiến, VN muốn trở thành biểu tượng của một dân tộc anh hùng, người Nhật biết nuốt nhục của kẻ thua trận chịu sự đô hộ của Mỹ, tận dụng lòng mã thượng của kẻ chiến thắng, dồn mọi sinh lực dân tộc để vươn lên thành một cường quốc kinh tế.
Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Những nghiên cứu công phu và nghiêm chỉnh của các cơ quan quốc tế gần đây như Cơ quan Phát Triển Liên Hiệp Quốc (United Nations Development Program – UNDP) đã chứng minh một cách thuyết phục rằng sự chênh lệnh giàu nghèo giữa các quốc gia chủ yếu không phải do yếu tố địa lý, tài nguyên thiên nhiên, tôn giáo, chủng tộc… mà chủ yếu là do yếu tố văn hóa. Văn hóa quyết định tất cả. Văn hóa tạo ra nếp suy nghĩ (mentality) của mỗi dân tộc, và chính nếp suy nghĩ này làm cho mỗi dân tộc có ứng xử khác nhau khi đương đầu với cùng một thử thách.
Tại sao có những dân tộc mà quan chức chính phủ tham nhũng cả hàng triệu đô la như ở các nước Phi Châu mà mọi người vẫn xem đó là chuyện bình thường, trong lúc đó tại một nước khác – một bộ trưởng chỉ vì nhầm lẫn nhận 600 đô cho quỹ tranh cử đã phải xin lỗi quốc dân rồi từ chức (1)? tại sao một quốc gia nhỏ bé như Do Thái chưa tới 3 triệu dân (2) có thể chiến thắng cả khối Á Rập trong cuộc chiến năm 1967 và tồn tại vững mạnh cho đến ngày hôm nay? Trong lúc đó có những nền văn minh đã từng một thời ngự trị thế giới mà ngày nay biến mất … và còn cả ngàn thí dụ khác để chứng minh rằng chính yếu tố văn hóa quyết định sự tồn vong và sự lớn bé của mỗi dân tộc.
Những dân tộc như Đức, Nhật, Do Thái, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Hoa Kỳ… cho dù bị thiên tai tàn phá đến đâu,
cho dù sống ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng vẫn có thể vươn trở thành những nước giàu mạnh, trái lại những xứ như Iraq, Nigeria, Venezuela, Angola, Libya… mặc dầu tràn ngập dầu hỏa nhưng vẫn là những nước nghèo.
Bước ngoặt quan trọng nhất đã làm thay đổi khoảng cách giữa ta và Nhật chính là cuộc cách mạng Duy Tân tại Nhật bắt đầu từ năm 1868. Trong lúc người Nhật tức thời thay đổi thì các vua chúa VN vẫn còn ngủ mê bên trong các bức tường cung điện ở Huế. Họ không thấy được thế giới đã thay đổi, vẫn tiếp tục tôn sùng và thần tượng Trung Quốc trong lúc nước này đã bị thua thê thảm trước sức mạnh của Tây Phương.
Vào tháng 7 năm 1853 khi triều đình Tokugawa từ chối không cho Thuyền trưởng người Mỹ Mathew Perry lên bờ để trao bức thư của Tổng Thống Fillmore, ông ra lệnh bắn vào thành phố Edo (Tokyo ngày nay). Những quả đại bác này đã làm cho người Nhật thức tỉnh ngay. Lòng ái quốc và niềm tự hào dân tộc đã làm cho họ đoàn kết lại để tìm cách giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ nô lệ. Chính sự thức tỉnh này đã mở đầu cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân kéo dài 44 năm.
Đó là một cuộc cách mạnh đúng nghĩa, một cuộc cách mạng triệt để, họ làm đến nơi đến chốn, kẻ đi Mỹ, người đi Âu Châu, kẻ đi chính thức người đi lậu bằng cách trốn xuống tàu buôn Tây Phương như trường hợp của thần đồng Yoshida Shôin, tất cả đều cùng một mục đích là tìm đến tận nguồn cội của nền văn minh để học hỏi những cái tinh túy mang về thay đổi đất nước. Họ từ bỏ một cách dứt khoát tất cả những cái cũ không còn hợp nhưng không để mất tinh thần độc lập. Họ không phải chỉ có một ông vua Minh Trị hết lòng yêu nước mà cả trăm ngàn những tấm lòng như thế quyết tâm đưa nước Nhật lên vị trí ngang hàng với các nước Tây Phương.
Khi nói đến cuộc Duy Tân Minh Trị nhiều người vẫn lầm tưởng đó là cuộc cách mạng kỹ nghệ, mở cửa để giao thương và học hỏi kỹ thuật của Phương Tây. Thật sự không phải như thế, học hỏi kỹ thuật chỉ là mặt nổi, chủ yếu là người Nhật học hỏi những tinh túy về tư tưởng của người Tây Phương để khai sáng trí tuệ cho dân tộc của họ.
Chỉ có vài quả bom của Thuyền Trưởng Mathew Perry đã làm cho người Nhật thức tỉnh, trong lúc đó nhìn lại đất nước chúng ta, kể từ thời điểm 1853 cho đến hôm nay đã có hàng trăm ngàn quả bom đã rơi xuống đất nước Việt Nam, không những chỉ tàn phá hình hài đất nước mà còn làm tan nát tâm hồn dân tộc với bao sự ngậm ngùi, nhục nhã đắng cay của một dân tộc nhược tiểu. Nhưng tất cả những nỗi đau đó vẫn chưa đủ để làm cho người Việt thức tỉnh, để thấy cần phải có một nhu cầu thay đổi cần thiết như người Nhật đã làm từ giữa thế kỷ thứ kỷ 19.
Vào tháng 8 năm 1858 người Pháp bắt đầu cuộc chiến xăm lăng đất nước VN, trước đó vào mùa thu năm 1847 để phản đối chính sách cấm đạo của vua Thiệu Trị, Trung tướng Rigault de Genouilly đã bắn chìm 5 chiếc thuyền của Việt Nam, năm 1842 Trung Quốc đã bại trận thê thảm trước sức mạnh của Tây Phương trong cuộc chiến Nha Phiến.
Nhưng tiếc thay tất cả những dấu hiệu cảnh cáo đó vẫn chưa đủ để làm cho triều đình nhà Nguyễn thức tỉnh. Đến lúc đó họ vẫn không nhận ra rằng đất nước đang đứng trước khúc quanh của lịch sử. Từ thời điểm năm 1842 hay 1847 cho đến 1858, đó là một khoảng thời gian rất dài (14 năm), nếu các vua nhà Nguyễn thức thời, khôn khéo như các vua chúa Nhật Bản thì đất nước chúng ta đâu phải chịu 80 năm đô hộ của người Pháp và đâu phải chịu tai họa văn hóa kéo dài đến hôm nay.
© Phạm Hoài Nam
Ghi chú:
(1) Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara từ chức ngày 6 Tháng Ba 2011 vì nhận 600 Mỹ kim cho quỹ chính trị từ một người ngoại quốc.
(2) Dân số Do Thái vào thời điểm 1967 là 2.7 triệu người.
Source: http://www.gocnhinalan.com/bai-cua-khach/khc-bit-qu-ln-gia-ngi-vit-nam-ngi-nht.html
***********************************
Bài viết và trích dẫn trên báo Việt Nam: Xem
Tất cả bài viết và sưu tầm: Xem

Giới nghiên cứu Trung Quốc: Bắc Kinh đuối lý khi đòi chủ quyền ở Biển Đông

Bản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc mang tên gọi "đường lưỡi bò", hay hình chữ U.
Bản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc mang tên gọi "đường lưỡi bò", hay hình chữ U.
eia.doe.gov

Trọng Nghĩa
Theo một công trình nghiên cứu vừa được Mỹ công bố, chính giới nghiên cứu Trung Quốc thấy rằng lập luận của Bắc Kinh về chủ quyền tại Biển Đông không thể đứng vững.

Chính quyền Trung Quốc luôn luôn khẳng định rằng họ có chủ quyền “không thể chối cãi” trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Thế nhưng Bắc Kinh luôn luôn bác bỏ các đề nghị đưa tranh chấp ra trước tòa án quốc tế hoặc mở đàm phán đa phương về vấn đề này. Trong một công trình nghiên cứu vừa được một trung tâm nghiên cứu Mỹ công bố, sở dĩ chính quyền Trung Quốc có lập trường như trên, đó là vì chính các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thấy rằng lập luận của Bắc Kinh không thể đứng vững dưới lăng kính của luật pháp quốc tế.
Ngày 03/05/2012 vừa qua, Trung tâm nghiên cứu về một nền An ninh Mới của Mỹ (Center for a New American Security CNAS), trụ sở tại Hoa Kỳ, đã công bố đồng thời ba bài nghiên cứu của họ về các điểm nóng tại hai vùng biển Hoa Đông và Nam Hải (tức Biển Đông). Đáng chú ý nhất là bài của nữ chuyên gia Tôn Vân (Sun Yun) mang tựa đề : Nghiên cứu Nam Hải : Quan điểm Trung Quốc (Studying the South China Sea: The Chinese Perspective), nêu bật kết quả nghiên cứu của bốn định chế nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc hiện nay về Biển Đông.
Trong bài viết dài 10 trang, bà Tôn Vân đã nêu bật kết luận của một chuyên gia phân tích của chính phủ Trung Quốc, sau khi điểm lại các kết quả nghiên cứu của các định chế được giao phó trách nhiệm đề xuất ý kiến với Nhà nước về chính sách thích hợp cho Biển Đông, nhằm đối phó với Hoa Kỳ và với các quốc gia khác trong khu vực.
Kết luận đó rất rõ ràng : Nếu tôn trọng đầy đủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Bắc Kinh sẽ phải từ bỏ tấm bản đồ chín đường gián đoạn cũng như “chủ quyền lịch sử" của họ tại vùng biển đang có tranh chấp. Mặt khác, nếu được tiến hành, các cuộc đàm phán đa phương về tranh chấp chủ quyền trên các hòn đảo, bãi đá hay rạn san hô ở Biển Đông “hầu như sẽ dẫn tới kết quả là Trung Quốc sẽ bị mất đi ít ra là một phần” các vùng biển và lãnh thổ mà họ đòi hỏi chủ quyền.
Có điều, theo bà Tôn Vân, những lời thừa nhận kể trên của giới nghiên cứu đã được giữ kín hoàn toàn, không hề tiết lộ ra cho công chúng biết. Đối với bà Tôn Vân, trong cộng đồng nghiên cứu chính sách tại Trung Quốc, có một sự công nhận khá rộng rãi là chính sách Biển Đông căn cứ vào tấm bản đồ "hình lưỡi bò" sẽ tạo ra nhiều vấn đề, tương tự như chủ trương thương thuyết song phương về những tranh chấp mà bản chất là đa phương, hay là việc áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS.
Bản nghiên cứu của bà Tôn Vân nhận định : “Bắc Kinh không thể cho phép xảy ra tình trạng tựa như là lãnh thổ của mình rơi vào tay ngoại bang. Do đó, giữa cử tọa ngoại quốc và dư luận trong nước, họ đã quyết định bám víu vào những đòi hỏi chủ quyền và những lời khẳng định hiện nay, kể cả khi phải trả giá cao về mặt ngoại giao”.
Vì thế, các chuyên gia Trung Quốc đã đồng loạt đổ lỗi cho Hoa Kỳ về việc khuấy động cho tình hình Biển Đông căng thẳng. Theo họ, Mỹ đã lợi dụng vấn đề này để khai thác phá hoại tình hữu nghị giữa Trung Quốc và các láng giềng, tăng cường liên minh với Philippines và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh và duy trì vị thế siêu cường của Mỹ trong khu vực.
Bản nghiên cứu của bà Tôn Vân ghi rõ : "Các nhà phân tích Trung Quốc đều không tin là các nước nhỏ trong khu vực dám thách thức Trung Quốc trên Biển Đông nếu không có sự can thiệp của Mỹ".
Tác giả đã trích lời ông Viên Bằng (Yuan Peng), giám đốc của Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ của Học viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc cho rằng, chính sự can dự và hậu thuẫn của Mỹ đã nhào nặn phán đoán về chiến lược cũng như quyết định của các nước trong khu vực, thúc đẩy họ ngày càng quyết đoán hơn đối với Trung Quốc.
Xin nói thêm là bà Tôn Vân hiện là một chuyên gia thỉnh giảng tại Trung Tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Bắc Á, thuộc Viện Brookings ở Mỹ. Bà nguyên là chuyên gia phân tích của Tổ chức phi chính phủ nổi tiếng International Crisis Group, làm việc tại Bắc Kinh trong đề án Đông Bắc Á của tổ chức này.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120506-ban-than-gioi-nghien-cuu-trung-quoc-cung-thay-la-bac-kinh-duoi-ly-trong-viec-doi-chu


Re: Á tế Á ca
Posted by: havutrong (123.21.23.---)
Date: June 07, 2010 06:36AM
Đây là toàn bộ bài "Á Tế Á ca" do tôi đánh máy và đưa lên để mọi người tham khảo (vì hiện không thể tìm được văn bản này trên mạng). Khi thuận tiện tôi sẽ scan và post cả bản gốc chữ Nôm. 
--- 

Phan Bội Châu
NAM HẢI BÔ THẦN CA
(Từ Nhật Bản kí hồi Thống sứ phủ)

Á Tế Á[1] năm châu là bậc nhất,
Người nhiều hơn mà đất cũng rộng hơn.
Cuộc đời mở hội doanh hoàn,
Anh hùng bốn bể giang san một nhà.
Gẫm từ thuở Âu La[2] tìm đất,
Vượt Chi Na qua Nhật đến Triều Tiên.
Xiêm La, Ấn Độ gần liền,
Cao Miên, Đại Việt thông miền Ai Lao.
Thịt một miếng trăm dao xâu xé,
Chiếc kim âu chẳng mẻ cũng khôn lành.
Tôi con Pháp, tớ thầy Anh,
Nín hơi Đại Đức, nép mình cường Nga.
Gương Ấn Độ còn xa đâu đó,
Chẳng máu đào, nhưng cũng họ da vàng
Mênh mông một dải Đông Dương,
Nước non quanh quất trông càng thêm đau.

Cờ tự lập đứng đầu phất trước,
Nhật Bản kia vốn nước đồng văn,
Thái Đông nổi hiệu duy tân,
Nhật Hoàng là đấng anh quân ai bì?
Dòng Thần Vũ riêng về một họ,
Vùng Phù Tang soi tỏ góc trời,
Kể đời trăm hai mươi hai,
Năm hai nghìn lẻ năm mươi có thừa[3].
Sẵn cơ hội trời đưa lại đó,
Chốn kinh thành Thần Hộ[4] mới dời sang.
Dẹp Mạc Phủ, bỏ phiên bang,
Đổi dòng chính sóc, thay đường y quan.
Khắp trong nước dân đoàn xã hội,
Nhà học đường đã ngoại ba muôn.
Việc kĩ nghệ, việc bán buôn,
Nơi lò hấp bát, nơi khuôn đúc đồng.
Chè, lụa, tơ, gai, bông, nhung, vũ,
Mọi đồ sơn, vân mẫu, pha lê.
Dao với quạt, tán với xe,
Đủ mùi hải lục, hợp nghề nông thương.
Bốn lăm triệu kể lương dân số,
Các sắc quân ước độ triệu người.
Chu vi mặt đất rộng dài,
Tính vuông Pháp lí bốn mươi vạn thừa.
Bốn mốt huyện năm xưa mới đổi,
Đầu Nại Xuyên mà cuối Lộc Nhi.
Đông Kinh ba phủ cận kì,
Ngoài thì Đại Bản, trong thì kinh đô.
Tỉnh Bắc Hải dư đồ quanh bể,
Huyện Xung Thằng chưa kể đất Lưu Cầu[5].
Gò Đối Mã bốn bể sâu,
Nghiêm Đồng đặt súng, Trúc Phu đỗ tàu.
Nhà dây thép đâu đâu cũng đặt,
Truyền thông thương khắp mặt ngoại dương.
Kìa thiết lộ, nọ ngân hàng,
Đăng đàn, báo quán, ngổn ngang phụ đầu[6].
Cuộc biến pháp năm đầu Minh Trị,
Ba mươi năm dân trí mở mang,
Chữ Hán tự, chữ Tây dương,
Mọi bài diễn thuyết, các phường chuyên môn.
Đất Đại Bản mở đồn đúc súng,
Xưởng Đông Kinh riêng cũng một toà.
Trường Kì thuyền cục mấy nhà,
Dã Tân, Tu Hạ ấy là hải quân.
Tàu với súng trăm phần chấn chỉnh,
Lại ngư lôi bác đĩnh[7] ai tày.
Quan quân luyện tập đêm ngày,
Mọi nghề so với Thái Tây kém gì.
Đội mã bộ, lục sư các trấn.
Từ Hà Di đến tận Tát Ma.
Tám đạo rộng, bốn gò xa,
Phú Sơn cao ngất, Tì Bà trong veo[8].
Tướng, tá, uý, cũng theo Tây lệ,
Đủ vương binh, pháo vệ chỉnh tề,
Đồng bào nghĩa khí gớm ghê,
Cái thù nô lệ, ắt thề giả xong.
Năm Giáp Ngọ[9] đùng đùng sóng gió,
Vượt quân sang thẳng trỏ Đại Hàn.
Quân Lục Áo, tướng Thái Sơn,
Ra tay cho biết cái gan anh hùng.
Đông tam tỉnh[10] thu trong tay áo,
Bọn trắng da ngơ ngáo giật mình,
Cuộc hoà đâu bất thình lình,
Chủ trương này dễ Nga đình vẽ khôn.
Bụng ái quốc ghê hồn Nhật Bản,
Giận xung quan khôn cản nghĩa đồng cừu.
Đã toan trở súng quay tàu,
Y Đằng[11] can khéo mưu sâu vãn hồi.
Nhận bồi khoản Bành, Đài nhượng địa,
Trong mười năm rồi sẽ chịu nhau.
Nga kia nước lớn lại giàu,
Bên giường giấc ngáy, dễ hầu chịu yên,
Hàn với Mãn lợi quyền thu sạch[12],
Xe Nhĩ Tân, tàu lạch Sâm Uy[13].
Cõi Đông đương cuộc an nguy,
Có ta, ta phải phù trì chúng ta.
Việc khai hấn chắc là quyết liệt,
Đất Á Đông thấy huyết phen này.
Giáp Thìn trong tháng Chạp tây,
Chiến thư hai nước đợi ngày giao tuy.
Trận thứ nhất Cao Li lừng tiếng,
Khắp toàn cầu muôn miệng đều khen.
Sa trường xung đột mấy phen,
Ngọn cờ Áp Lục, tiếng kèn Liêu Đông.
Châu Lữ Thuận mơ màng khói bạc,
Thành Phụng Thiên ngơ ngác non xanh.
Hải quân một trận tan tành,
Thái Hoa cắt núi, Đông Thanh xẻ đường.
Sức hùng vũ ai đương lại được,
May điều đình có nước Hoa Kì.
Khéo điều hoà cuộc giải vi,
Nếu không Bỉ Đắc[14] còn đâu là đời.
Hội vạn quốc diễn bài thương nghị,
Chấu mới voi chuyện cũng nực cười.
Xem trong hoà khoản mười hai,
Bề nào Nga cũng chịu lui trăm phần.
Cuộc tang hải khuất thân từng lúc,
Áng liệt cường nay cũng chen vai.
Khen thay Nhật Bản anh tài,
Từ nay danh dự còn dài về sau.

Ngồi mà nghĩ thêm sầu lại tủi,
Nước Nam mình gặp buổi truân chuyên.
Dã man quen thói ngu hèn,
Cũng như Minh Trị dĩ tiền khác đâu.
Từ giống khác mượn màu bảo hộ,
Mưu hùm tinh, lừa lũ voi già.
Non sông thẹn với nước nhà,
Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu.
Việc dây thép, việc tàu, việc pháo,
Việc luyện binh, việc giáo học trường,
Việc công nghệ, việc nông thương,
Việc khai mỏ khoáng, việc đường hoả xa.
Giữ các việc chẳng qua người nước,
Kẻ chức bồi, người tước culi.
Thông ngôn kí lục chi chi,
Mãn đời lính tập, trọn vì quan sang.
Các thức thuế các làng thêm mãi,
Hết đinh điền rồi lại trâu bò.
Thuế chó cũi, thuế lợn lò,
Thuế diêm, thuế tửu, thuế đò, thuế xe.
Thuế các chợ, thuế trà, thuế thuốc,
Thuế môn bài, thuế nước, thuế đèn.
Thuế nhà cửa, thuế chùa chiền,
Thuế rừng tre gỗ, thuế thuyền bán buôn.
Thuế gò, thuế bãi, thuế cồn,
Thuế người chức sắc, thuế con hát đàn.
Thuế dầu mật, thuế đàn đĩ thoã,
Thuế gạo rau, thuế lúa, thuế bông.
Thuế tơ, thuế sắt, thuế đồng,
Thuế chim, thuế cá, khắp trong lưỡng kì.
Các thức thuế kể chi cho xiết,
Thuế xí kia mới thật lạ lùng,
Làm cho thập thất cửu không,
Làm cho xơ xác, khốn cùng chưa thôi.
 

Lại nghe nỗi Lào Cai, Yên Bái[15],
So muôn người như giải lũ tù.
Ăn cho ngày độ vài xu,
Việc làm gian khổ, công phu lạ lùng.
Độc thay phong chướng nghìn trùng,
Nước sâu quẳng xác, hang cùng chất xương.
Nỗi diệt giống bề lo bề sợ,
Người giống ta biết có còn không?
Nói ra sởn gáy động lòng,
Cha con khóc lóc, vợ chồng thở than.
Cũng có lúc bầm gan tím ruột,
Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra.
Cũng xương cũng thịt cũng da
Cùng hòn máu đỏ, giống nhà Lạc Long.
Thế mà chịu trong vòng trói buộc,
Bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than.
Thương ôi! Bách Việt giang san,
Văn minh đã sẵn, khôn ngoan có thừa.
Hồn mê mẩn tỉnh chưa, chưa tỉnh?
Anh em ta phải tính nhường sao.
Đôi bên, bên nọ, bên cừu,
Họ khôn phải học, cừu sâu phải đền.
Việc tân học phải đem dựng nước,
Hội dân đoàn, cả nước với nhau.
Sự buôn phải lấy làm đầu.
Mọi nghề cũng ghé địa cầu một vai.
Bây giờ kể còn dài chưa hết,
Chữ tự do xin kết bên lòng.
Gương Nhật Bản đất Á Đông,
Giống ta, ta phải soi trông kẻo nhầm.
Bốn mươi triệu đồng tâm nhất đức,
Mãnh hổ kia đem sức với quần dương.
Hiệu cờ nổi chữ tự cường,
Thay bầy nô lệ làm phường văn minh.
Kìa thuở trước như Anh, Pháp, Đức,
Cũng chẳng qua cùng cực tắc thông,
Hoạ may trời có chiều lòng,
Việt Nam dựng lại, phương Đông có mình.
Thân phiêu bạt đã đành vô lại,
Bấy nhiêu năm Thượng Hải, Hoành Tân.
Chinh Nga nhân lúc hoàn quân,
Tủi mình bô bá[16], theo chân khải hoàn.
Bưng chén rượu ân ban hạ tiệp[17],
Gạt hàng châu khép nép quỳ tâu,
Thiên Nam mù mịt ngàn dâu,
Gió Tây như thồi dạ sầu năm canh.
Biết bao nỗi bất bình khôn giải.
Mượn bút hoa mà cải quốc âm,
Thân giàn bao quản cát lầm,
Khuyên ai đúc chữ đồng tâm sau này.

(1906)
(Theo bản của Võ Văn Sạch mới sưu tầm được. In trong "Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục", Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1997, tr. 143-156)

---
Chú thích:
[1] Á Tế Á: châu Á, phiên âm từ “Asie”.
[2] Âu La Ba: châu Âu, phiên âm từ “Europe”.
[3] Mạc Phủ: thủ lĩnh của chư hầu thường lấn át quyền vua; Phiên Bang: những nước chư hầu nhỏ.
[3] Kể từ khi lập quốc đến nay có 2500 năm lịch sử và trải qua 122 đời vua cùng họ.
[4] Thần Hộ: Kobe
[5] Lưu Cầu: quần đảo Ryukyu ở phía nam Nhật Bản, nay là Okinawa.
[6] Cột đèn bể, nhà bán báo, đầy rẫy ở bến tàu (phụ đầu).
[7] Bác đĩnh: pháo thuyền nhỏ, có đặt súng đại bác.
[8] Phú Sĩ: núi Fuji gần Kyoto; Tì Bà; hồ Biwa gần Kyoto.
[9] Năm 1894. Cả đoạn thơ này nói về việc tranh chấp giữaTrung-Nhật thời đó.
[10] Tức ba tỉnh miền Đông TQ là Phụng Thiên, Cát Lâm, Hắc Long Giang.
[11] Y Đằng tức Ito, thủ tướng Nhật thời đó.
[12] Chỉ Triều Tiên và Mãn Châu bị xâm chiếm.
[13] Đường xe lửa Cáp Nhĩ Tân và bến tàu thuỷ hải Sâm Uy.
[14] Bỉ Đắc: Thành phố Saint Péterbourg, thủ đô Nga. Ý câu này nói Nga có thề mất cả kinh đô.
[15] Chỉ việc làm đường xe lửa Yên Bái-Lào Cai.
[16] bô bá: trốn tránh
[17] hạ tiệp: tiệc tượu vui mừng chiến thắng


CHIẾN DỊCH CQ-88 VÀ TRẬN CHIẾN 14/3/1988 TẠI TRƯỜNG SA

Mai Thanh Hải - Quần đảo Trường Sa nằm ở tọa độ 8°38′ Bắc 111°55′ Đông, với diện tích (đất liền) nhỏ hơn 5 km², gồm khoảng 148 đảo nhỏ, đảo san hô và đảo chìm rải rác trên diện tích gần 410.000 km² ở giữa biển Đông, có đường bờ biển 926 km.

Quần đảo hiện đang trực thuộc đơn vị hành chính của huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà.

Quần đảo Trường Sa có các nguồn lợi thiên nhiên gồm: Cá, phân chim, tiềm năng dầu mỏ và khí đốt còn chưa được xác định. Do nằm gần khu vực lòng chảo trầm tích chứa nhiều dầu mỏ và khí đốt, quần đảo Trường Sa có tiềm năng lớn về dầu khí.

Hiện địa chất vùng biển này vẫn chưa được khảo sát nhiều và chưa có các số liệu đánh giá đáng tin cậy về tiềm năng dầu khí và khoáng sản khác. Quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược nằm gần tuyến đường vận chuyển tàu biển chính trên biển Đông.

Trong những tháng đầu năm 1988, Hải quân Trung Quốc cho quân chiếm đóng một số bãi đá thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, chiếm giữ Đá Chữ Thập (31/1), Châu Viên (18/2), Ga Ven (26/2), Huy Gơ (28/2), Xu Bi (23/3).

Hải quân Việt Nam đưa vũ khí, khí tài ra đóng giữ tại các đảo Đá Tiên Nữ (26/1), Đá Lát (5/2), Đá Lớn (6/2), Đá Đông (18/2), Tốc Tan (27/2), Núi Le (2/3), bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của hải quân Trung Quốc ra các đảo lân cận.

Phía Việt Nam dự kiến Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và Đông kinh tuyến 1150.

Căn cứ vào tình hình xung quanh khu vực Trường Sa, Hải quân Việt Nam xác định: "Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu để hải quân Trung Quốc chiếm giữ thì họ sẽ khống chế đường tiếp tế của Việt Nam cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa".
Vì vậy, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng hạ quyết tâm đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao... Thường vụ Đảng ủy Quân chủng giao cho Lữ đoàn Vận tải 125 cử lực lượng thực hiện nhiệm vụ này.

Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc sau khi đưa quân chiếm đóng các đảo chìm Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Xu Bi, Huy Gơ cũng đang có ý đồ chiếm giữ 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.

Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc huy động lực lượng của 2 Hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên lên 9-12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn.

Trước tình hình đó, Tư lệnh Hải quân Việt Nam lệnh cho vùng 4, Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146, các Hải đội 131, 132, 134 của Lữ đoàn 172 chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.

Đồng thời lệnh cho Vùng 1, Vùng 3 và Lữ đoàn 125 ở Hải Phòng chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường.

Bộ Tư lệnh Hải quân điều động 41 tàu thuyền và phương tiện nổi của Lữ đoàn 125, Cục Kinh tế, Vùng 1,3,5, Trường Sĩ quan Hải quân Việt Nam (nay là Học viện Hải quân Việt Nam), Nhà máy Ba Son... đến phối thuộc khi cần thiết.

Lúc 19h ngày 11/3/1988, tàu HQ-604 rời cảng ra đảo Gạc Ma để thực hiện nhiệm vụ trong chiến dịch CQ-88 ("Bảo vệ Chủ quyền 1988").

Ngày 12/3/1988, tàu HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125 do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy, được lệnh từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6h ngày 14/3.

Sau 29 tiếng hành quân, tàu HQ-605 đến Len Đao lúc 5h ngày 14/3 và cắm cờ Việt Nam trên đảo.
Đèn bão sử dụng trên các đảo T.Sa 198

Thực hiện nhiệm vụ đóng giữ các đảo Gạc Ma và Cô Lin, 9h ngày 13/3/1988, tàu HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và tàu HQ-505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin.

Phối hợp với 2 tàu HQ-505 và 604 có 2 Phân đội Công binh (70 người) thuộc Trung đoàn Công binh 83, cùng 4 Tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146 do Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn Đo đạc và biên vẽ bản đồ (thuộc Bộ Tổng tham mưu).

Sau khi 2 tàu của Việt Nam thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ của Hải quân Trung Quốc từ Huy Gơ chạy về phía Gạc Ma, có lúc đôi bên chỉ cách nhau 500 m.

17h ngày 13/3/1988, tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ-604 và dùng loa gọi sang. Bị uy hiếp, 2 tàu HQ-604 và 505 kiên trì neo giữ quanh đảo. Còn chiến hạm của Trung Quốc cùng 1 hộ vệ hạm, 2 hải vận hạm thay nhau cơ động, chạy quanh đảo Gạc Ma.

Trước tình hình căng thẳng do Hải quân Trung Quốc gây ra, lúc 21h ngày 13/3/1988, Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh cho các Sĩ quan Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin.
Trung tá Trần Văn Thông, Lữ phó 146

Tiếp đó Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh cho lực lượng Công binh khẩn trương dùng xuồng, chuyển vật liệu xây dựng lên đảo ngay trong đêm 13/3/1988.

Thực hiện mệnh lệnh, tàu HQ-604 cùng lực lượng Công binh Trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma, tiếp đó lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam và triển khai 4 Tổ bảo vệ đảo.

Lúc này, Trung Quốc điều thêm 2 hộ vệ hạm trang bị pháo 100 mm đến hỗ trợ lực lượng đã đến từ trước, yêu cầu phía Việt Nam rút khỏi đảo Gạc Ma.

Ban Chỉ huy tàu HQ-604 họp nhận định: Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp và quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến đề ra, quyết tâm bảo vệ Gạc Ma...

Ngày 14/3/1988, chiến sự diễn ra tại khu vực các đảo Gạc Ma, Cô Lin, và Len Đao.

Sáng ngày 14/3, từ tàu HQ-604 đang thả neo tại Gạc Ma, Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, phát hiện thấy 4 chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần.

Tổ 3 người gồm Thiếu uý Trần Văn Phương và 2 chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử lên đảo, bảo vệ lá cờ Việt Nam đang cắm trên bãi.
Thiếu úy Trần Văn Phương
Phía Trung Quốc cử 2 xuồng chở 8 lính có vũ khí lao thẳng về phía đảo. Chỉ huy Trần Đức Thông ra lệnh cho các thủy thủ từ tàu HQ-604 tiến về bảo vệ bãi để hình thành tuyến phòng thủ, không cho đối phương tiến lên.

6h sáng, Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo giật cờ Việt Nam. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương.

Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương, trước khi chết Thiếu úy Phương đã hô: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân".

Do Hải quân Việt Nam không chịu rút khỏi đảo, lúc 7h30, Trung Quốc dùng 2 chiến hạm bắn pháo 100 mm vào tàu HQ-604, làm tàu bị hỏng nặng.

Hải quân Trung Quốc cho quân xông về phía tàu Việt Nam. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu.

Hải quân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ trên đảo Gạc Ma.
Máy bơm nước của HQ-931 dập lửa trên HQ-505

Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu HQ-604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi, Lữ đoàn phó 146 Trần Đức Thông, cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh cùng tàu HQ-604 ở khu vực đảo Gạc Ma.
 Tại đảo Cô Lin, lúc 6h, tàu HQ-505 của Hải quân Việt Nam đã cắm hai lá cờ trên đảo.

Khi thấy tàu HQ-604 của Việt Nam bị chìm, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo cho tàu ủi bãi.

Phát hiện tàu HQ-505 đang lên bãi, 2 tàu của Trung Quốc quay sang tiến công tàu HQ-505. Khi tàu HQ-505 trườn lên được hai phần ba thân tàu lên đảo thì bốc cháy.

8h15, thủy thủ tàu HQ-505 vừa triển khai lực lượng dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, và đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ-604 bị chìm ở phía bãi Gạc Ma ngay gần đó (Cô Lin cách Gạc Ma khoảng 3.5 hải lý).

Thượng uý Nguyễn Văn Chương và Trung uý Nguyễn Sĩ Minh tổ chức đưa thương binh và chiến sĩ về tàu 505 (sau khi bị bắn cháy nằm trên bãi Cô Lin). Thi hài các chiến sĩ Trần Văn Phương, Nguyễn Văn Tư, cùng các thương binh nặng được đặt trên xuồng. Số người còn sức một tay bám thành xuồng một tay làm mái chèo đưa xuồng về đến bãi Cô Lin.
Thương binh - CBCS tham gia trận 14/3 trở về đất liền trên tàu HQ-931

Ở hướng đảo Len Đao, lúc 8h20 ngày 14/3/1988, Hải quân Trung Quốc dùng tất cả các loại súng pháo, điên cuồng tấn công vào tàu HQ-605 của Hải quân Việt Nam.

Tàu 605 bị bốc cháy và chìm lúc 6h ngày 15/3/1988, thủy thủ đoàn của tàu bơi về đảo Sinh Tồn.

Trong trận chiến ngày 14/3/1988, Hải quân Việt Nam bị thiệt hại 3 tàu (cháy và chìm), 3 người hy sinh, 11 người khác bị thương, 70 người bị mất tích. Sau này Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam 9 người bị bắt, 64 người vẫn mất tích và được xem là đã hy sinh.

Nhờ hành động dũng cảm của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và tập thể tàu HQ-505, tàu Việt Nam nằm trên đá Cô Lin và giữ được bãi đá ngầm này.
CBCS tàu HQ-671 cứu hộ ngày 14/3/1988 tại T.S

Trung Quốc chiếm đá Gạc Ma từ ngày 16/3/1988 và vẫn giữ cho đến nay.

Trong suốt thời gian xảy ra chiến sự, Hải quân Liên Xô đóng ở Cam Ranh đã không can thiệp, mặc dù giữa Việt Nam và Liên Xô có ký riêng một hiệp ước liên minh quân sự (tháng 11/1978).

Đặc biệt, khi các tàu của Hải quân Việt Nam bị đánh đắm thì tàu chiến Trung Quốc chặn không cho tàu của Hội Chữ thập đỏ vào khu vực chiến sự để cứu chữa thương binh.

Đây là một sự vi phạm những điều luật cơ bản nhất về chiến tranh của Luật pháp Quốc tế...
-----------------------------------------------------
* Hình ảnh hiện vật, chụp lại và chân dung 2 Anh hùng - Liệt sĩ Trường Sa, do MTH chụp tại Phòng Truyền thống của Vùng 4, Hải quân (Cam Ranh, Nha Trang, Khánh Hòa).

*Bài viết cũng sử dụng hình tư liệu của Nhà báo Nguyễn Viết Thái.




Nguồn: http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2012/03/chien-dich-cq-88-va-tran-chien-1431988.html

Hôm nay ngày giỗ anh hùng Trần Văn Phương và 63 liệt sĩ Trường Sa

Vợ của liệt sĩ Trần Văn Phương thắp hương giỗ chồng
bên bờ biển Đông, ảnh chụp năm ngoái
         Hôm nay 13-3, trời lạnh tê, mình xe máy về làng cát Đơn Sa, Quảng Phúc, Quảng Trạch Quảng Bình. Nơi đó có ngôi mộ của liệt sĩ Trần Văn Phương hy sinh cuàng 63 liệt sĩ khác trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma. Mộ anh khói hương nghi ngút, làng cát Đơn Sa thương nhớ ngày hy sinh của một người con anh hùng.



          Ngôi nhà của anh nhỏ xin trên cát, từ ngày anh mất, chị một mình nuôi con trên cát, đứa con của anh, cô bé Thủy ngày nào đã lớn, hiện đang là người lính Hải Quân ở Khánh Hòa. Lễ giỗ này Thủy không về, nhưng chắc chắn Thủy không bao giờ quên. Vợ anh Phương, chị Mai Thị Hoa đã vào Sài Gòn làm việc, ở quê, người thân làm giỗ, mấy năm trước, gặp, chị kể, Thủy gọi điện về, nói thắp cho con thêm nén nhang. Nhà chị ở cạnh nghĩa trang liệt sĩ xã, cứ đến ngày giỗ thì buổi sáng, trước lúc đi chợ, chị chạy qua thắp cho anh nén hương. Rồi về lên chợ Đồn mua hương quả, mua thịt cá về làm mâm giỗ chồng bên bờ biển Đông.
Di ảnh anh hùng Trần văn Phương với người vợ của mình ở thôn Đơn Sa.
          Đã 24 năm chị làm giỗ chồng, đã 24 năm nuôi con đằng đẵng bên bờ biển Đông và nay con của anh hùng Trần Văn Phương đã lớn để nối nghiệp bố là lính Hải Quân. 24 năm chị khóc chồng, hòn vọng phu bên bờ biển Đông đầy sóng gào gió thét. 24 năm chị đợi chồng giữa nắm đất làng cát Đơn Sa.

          Năm ngoái, gặp chị, người đàn bà nhỏ mảnh, tóc bạc hơn tuổi vì nhớ chồng vời vợi, vì trăn trở nỗi niềm 24 năm vò võ. 24 lần giỗ, năm nào chị cũng có đủ đầy chén xôi của ruộng làng. Chị kể, anh Phương mỗi bận về vẫn thường thèm xôi, thời xưa khó khăn, có khi phải đi mượn quanh làng để có lon nếp xới xôi cho chồng. Nay, cuộc sống đỡ hơn, chị vẫn biết cái thích xưa của anh mà đưa lên bàn thờ chén xôi tảo tần.

          Hôm nay giỗ anh, cả xóm nhỏ Đơn Sa đến hương khói tâm tình. Vào nhà, xin thắp cho anh nén nhang, những người thân của gia đình vẫn nhận ra mình, thằng cu nhà báo mấy năm trước ra ra, vào vào viết bài viết vở. Ra bên mộ anh, khói hương nghi ngút. 
Còn nhớ, năm trước ngồi với chị, nước mắt đỏ hoe, một nỗi nhớ đằng đẵng hơn 20 năm. Ngọn lửa trong bếp tí tách cháy, lửa càng cháy, chị càng khóc, bởi lửa bếp nhà cô đơn vò võ những mấy mươi năm. Anh từng viết thư, rằng sẽ về giữ nhà cho mẹ con em. Nhưng mãi anh không về, khi về thì là khúc nhạc buồn sĩ tử vang lên ở nghĩa trang xã.

          Không chỉ ngày này ở Đơn Sa giỗ anh, mà ở Quảng Bình còn có 9 gia đình khác cùng giỗ liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa, rồi cả nước cũng có đám giỗ của cả 64 liệt sĩ Trường Sa.

          Ai đó quên, có thể?. Nhưng những đám giỗ thì không thể nào quên. Không thể bào mòn trong tâm trí dân làng Đơn Sa hay dân làng của các liệt sĩ. Ngày này vẫn được ghi mãi, ghi mãi trong hồn cốt các gia đình, bản quán có những người con hy sinh.

          Ngày mai các anh hy sinh đúng vào 14-3, hôm nay gia đình các anh thắp hương, làm mâm giỗ. Người ta nói, giỗ người mất phải giỗ ngày sống. Có thể ai đó quên, nhưng gia đình, vợ con, cháu chắt, và những trái tim hông không hề quên, cuốn lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam còn ghi lại traanhs đánh ở Gạc Ma, sao quên đươc.



Sáu nhà sư tình nguyện ra đảo Trường Sa

Việt Nam sẽ gửi 6 vị tu sĩ phật giáo đến quần đảo Trường Sa trước 1 ngày kỷ niệm trận hải chiến đẫm máu với Trung quốc xảy ra ngày 14/3/1988. Một hòa thượng cho biết tin này ngày hôm nay.
Các nhà sư sẽ tái lập lại 3 ngôi đền bị bỏ hoang từ năm 1975, nhưng gần đây, chính phủ Việt Nam đã cải tạo lại một phần để khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo đầy tiềm năng dầu hỏa này.

Thượng tọa Thích Giác Nghĩa cho biết kế hoạch ra đảo Trường Sa được sự chấp thuận của tỉnh Khánh Hòa hồi đầu tháng này và phái đoàn sẽ nhanh chóng khởi hành khi lực lượng hải quân sẵn sàng.

6 nhà sư tình nguyện ở lại trên một trong những đảo lớn cho đến 1 năm theo yêu cầu của lực lượng quân đội và ngư dân.

Nguồn tin này được thông báo trước 1 ngày kỷ niệm trận hải chiến ở đảo Gac-Ma bị Trung Quốc tấn công ngày 14/3/1988, có 64 chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong trận hải chiến này.

THÁNG 2/1979, TỰ SỰ CỦA NGƯỜI ĐÃ TỪNG LÀ LÍNH...



Huy Đức - Ngày 17/2/1979, khi vừa vào đến cổng trường, chúng tôi nhận được tin: Vào lúc mờ sáng, "Trung Quốc đã đem quân bắn giết dọc theo Biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta".

Sáng ấy, nhiều đứa trong chúng tôi đi thẳng từ Trường Phổ thông đến UBND xã. Chúng tôi đăng ký nhập ngũ mà không kịp nói một câu với chính cha mẹ của mình.


"Quân Bành trước Bắc Kinh" đã kéo chúng tôi từ lớp học ra thẳng chiến trường. Nhưng, không hiểu sao Nhà trường hôm nay, lại không nói gì về cuộc chiến tranh kéo dài thế giằng co hơn 10 năm ấy.

Ba mươi năm trước, những "đàn trẻ nhỏ", chạy "từ Biên giới về".


Ba mươi năm sau, những đứa trẻ ấy lớn lên và biết:

Tháng 4/1956, nhân khi quân Pháp vừa rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc (lúc này đã trở thành "xã hội chủ nghĩa anh em") chiếm đảo lớn nhất thuộc Hoàng Sa.

Ngày 19/1/1974, sau khi Trung Quốc ký Thông cáo chung Thượng Hải với Mỹ và sau Hiệp định Paris 1973 (Mỹ rút lui khỏi Việt Nam), Trung Quốc - vẫn đang là "xã hội chủ nghĩa anh em", đánh chiếm toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa, giết 58 chiến sỹ Hải Quân Sài Gòn, chiếm đảo.

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc lại tấn công một số đảo đá của Trường Sa, giết hại 74 người lính Hải quân Việt Nam và, từ đó, chiếm luôn những hòn đảo ấy.

Rồi... Ngày 12/11/2008, Trung Quốc tuyên bố đầu tư 29 tỷ USD cho một dự án "khảo sát và khai thác Biển Đông". Trong đó, bao gồm cả những biển đảo của Việt Nam mà Trung Quốc vẫn còn chiếm giữ.


Bốn tháng trước, 7/2008, khi Hãng Dầu khí Mỹ, ExxonMobil, hợp tác với Việt Nam trong một dự án thăm dò ở Nam Côn Sơn, Trung Quốc đã gây áp lực với ExxonMobil để họ phải rút lui.

Năm 2007, Trung Quốc đã gây áp lực buộc BP ngưng hoạt động trong dự án dầu khí có vốn đầu tư 2 tỷ USD với Việt Nam ở hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch.

Năm 1994, Trung Quốc phản đối hợp đồng dầu khí giữa Việt Nam và Mobil ở vùng Thanh Long.

Chỉ hai năm sau khi họ ký hợp đồng thăm dò dầu khí với Công ty Crestone ở vùng Vũng Mây - Tư Chính. Tàu Trung Quốc "đi lại nghênh ngang" ngoài Biển Đông, trong khi, các Dự án của Việt Nam thì phải cay đắng rút lui mà không làm gì được.


Thế hệ chúng tôi, lớn lên "dưới mái trường xã hội chủ nghĩa", có nhiều sự kiện xảy ra ở Thủ đô, ở Biên giới và ngoài biển mà chúng tôi không hề được biết.

Chúng tôi vẫn hát về Mao Trạch Đông như "mặt trời lên" khi mà "Bác Mao" lần lượt đem quân chiếm Hoàng Sa, rồi Trường Sa.

Chúng tôi hát, "núi liền núi, sông liền sông "khi mà nhiều ngọn núi, khúc sông đã không còn nữa.

Cho đến ngày 17/2... Được cầm súng, được "vạch mặt, chỉ tên" quân xâm lược cũng là hạnh phúc.

Cho dù, nhiều khi ngẫm lại, sự thật chỉ được thông tin vừa lúc, đủ để chúng tôi tất tả lên đường.
Không như chúng tôi, các bạn trẻ hôm nay không ngồi chờ nhà trường "mớm" cho gì thì biết nấy. Nhưng bi kịch của họ lớn hơn...

Thật không dễ dàng gì, khi biết một kẻ đang rình rập bên ta, mà vẫn phải nghe họ xưng là " láng giềng tốt ";

Một kẻ đem tàu chiến, sang giết người giữ đảo của ta, vẫn xưng là "đồng chí tốt ";

Một kẻ dùng áp lực, để đuổi đối tác tìm dầu của ta, mà vẫn nhận là "bạn bè tốt ";

Một kẻ ngang nhiên hút dầu ngoài biển của ta, mà vẫn phải gọi là " đối tác tốt ".

Khi tôi đang viết entry này thì đọc được trên blog Nông Dân Gió Lào: Người Trung Quốc sẽ tổ chức một lễ hội hoa đăng ở Hà Nội, dự kiện bế mạc vào ngày 17/2 năm nay.

Nông Dân Gió Lào cũng dẫn tin trên Vietnamnet nói rằng: Năm 2004, người Trung Quốc cũng đã tổ chức một Lễ hội Hoa đăng ở Đà Nẵng, khai mạc đúng vào ngày 19/1. Năm ấy, họ kết 30 cụm hoa đăng, theo Nông Dân Gió Lào, ứng với 30 năm ngày Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, một huyện đảo thuộc về Đà Nẵng (19/1/1974- 19/1/2004).

Có thể bởi "tình đồng chí "mà khi cấp phép, chính quyền địa phương đã không quan tâm lắm đến sự trùng hợp này. Nhưng, Nông Dân Gió Lào cho rằng các "chú Tàu" thì không làm gì "ngẫu nhiên", kể cả việc, hồi cuối tháng 11, họ cho tàu mang tên Trịnh Hoà (người mà họ nói là đã phát hiện ra Hoàng Sa và Trường Sa), cập vào Đà Nẵng.

Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm mấy đảo đá ở Trường Sa. Việt Nam chuyển sang đường lối quan hệ "đa phương ". Thật may mắn là Việt Nam đã không rơi vào tình thế "đơn phương", với một gã khổng lồ vừa đánh trộm, vừa xưng là "anh em, đồng chí".

Nhà nước có những lý do để cư xử với lân bang chín chắn. Nhưng, sự" bồng bột" của dân cũng cần thiết để sự thật, đôi khi, có cơ hội phơi bày.

Người dân không bao giờ muốn chiến tranh, vì nếu nó xảy ra, chỉ có họ mới là người ra trận.

Tôi đã nói chuyện với nhiều người dân ở Biên giới hồi tháng 3/1979. Tôi có nhiều người bạn là lính ở Sư đoàn đóng quân tại Lạng Sơn trong ngày 17 tháng 2. Cái mà chúng ta nói là "chiến thắng", cũng đã phải trả bằng đầu rơi máu chảy.

Tôi có hơn 3 năm ở Campuchia trong giai đoạn chiến tranh, biết câu chuyện Khmer Đỏ chống lại Việt Nam, chỉ 2 tuần sau khi nhờ Việt Nam mà có trong tay quyền bính. Biết, sau lưng Pol Pot có bàn tay của ai.

Nhưng, tôi cũng đã gặp nhiều người Việt-Gốc-Hoa, trong số hơn 675.000 người Việt-Gốc-Hoa phải ra đi trong những năm sau 1975, 1978. Nhiều người lúc ấy không biết tiếng Hoa, nhiều người đã từ lâu coi mình là dân Việt. Nhiều người khi rời Việt Nam, đã không chọn Trung Quốc như là Tổ quốc. Vận nước, phải chăng đã không tránh được thế đối đầu?.

Trung Quốc năm nào cũng nhắc lại cuộc chiến 17/2/1979, tại sao Việt Nam lại không bàn về nó một cách công khai và rút ra bài học cho mình?..

Tôi có mặt ở Hồ Gươm vào cái đêm bóng đá Việt Nam thắng Thái Lan ở lượt đi (24/12). Có mặt trên đường phố Sài Gòn ngay sau khi bóng đá Việt Nam vô địch (28/12). Đi trong thác lũ người tràn ra đường hôm ấy, nghĩ, chỉ bóng đá thôi ư mới có được sức mạnh thế này?.

Ngay từ Thế kỷ 19, khi mà lãnh thổ của một Quốc gia vẫn còn có thể mở rộng bằng chinh phục, Định ước Berlin 1885 và Tuyên bố Lausanne 1888, đã nói: "Dùng vũ lực để chiếm giữ một vùng lãnh thổ đã có chủ là một hành động phi pháp".

Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (1982) cũng tái khẳng định tinh thần này.

Chúng ta chưa có bom hạt nhân, chúng ta chưa có tàu to súng lớn. Đất nước ta rất nhỏ. Dân ta không nhiều. Sức mạnh của chúng ta chính là chủ quyền pháp lý.

Ba mươi năm đã trôi qua, kể từ khi chúng tôi sục sôi tiến về Biên giới, đảo vẫn mất mà đất nước lặng im.


Thầy giáo dạy Sử ở trường lặng im.

Báo chí văn chương lặng im...

Tôi không rõ không khí ở trong các phòng họp căng thẳng ra sao.

Chỉ biết, nếu ngồi đó, tôi sẽ lạnh lưng khi bên ngoài im lặng.

Chỉ có sát cánh với nhân dân mới có thêm sức mạnh, đừng để cho từng chiếc đũa bị tách ra và bẻ gãy từ từ.
------------------------------------
* Bài viết của Nhà báo Huy Đức, đã đăng tải trên Blog Osin của anh, năm 2009. Nay xin phép được đăng tải lại.
 



Đá bóng cũng thối nát
Monday, 01.16.2012, 12:00am (GMT-8)


NGÔ NHÂN DỤNG
Tuần trước mục này đã viết về “Sức Mạnh Mềm” (Soft Power) của Trung Quốc, nhắc đến ý kiến của một giáo sư ở Bắc Kinh. Ông Bàng Trung Anh, Đại học Nhân Dân, nói rằng nước ông bây giờ chẳng có Sức Mạnh Mềm nào cả. Trung Quốc không có cái gì với sức hấp dẫn đủ mạnh mẽ khiến người nước khác muốn bắt chước theo. Hệ thống chính trị, không. Mô hình kinh tế, không. Hệ thống tư pháp, Hệ thống giáo dục, đều không nốt. Ca nhạc, hội họa, thể thao, điện ảnh, thời trang, cũng còn lâu mới thu hút được người ngoài.

Đến thức ăn Tầu nổi tiếng, bây giờ cũng xuống giốc, vì ai cũng sợ mỡ, sợ đường, sợ bột ngọt, nhất là những người có tiền. Cứ đến một thành phố lớn ở Âu châu, Mỹ châu, Úc, Tân Lây Lan, sẽ thấy tiệm cơm Tầu bây giờ chỉ dành cho thực khách bình dân. Người ăn sang muốn nếm hương vị phương Đông sẽ đi tìm tiệm Nhật, tiệm Thái, tiệm Hàn Quốc, và cả tiệm Việt Nam nữa. Chả giò với phở đều đã thành các món ăn bình dân quốc tế rồi; bỏ công nhiều mà mức lời thấp. Sẽ đến ngày người mình dùng khoa tiếp thị biến mấy chục “món gỏi” hay “món cuốn” của mình thành những món ăn quốc tế vừa sang, vừa đẹp, vừa lành mạnh, lại vừa đắt giá!

Trở lại câu chuyện Soft Power, Sức Mạnh Mềm, của Trung Quốc. Phải nhắc ông Bàng Trung Anh đã quên, không nói đến một thức Sức Mạnh rất Mềm của nước ông. Nó đã được đem ra thi triển ở nhiều quốc gia trên thế giới và gây được ảnh hưởng rất đáng kể, nhiều người phát ghen, muốn làm theo mà không làm được. Đó là món Hối Lộ!

Cứ nhìn các công ty Trung Quốc đang đi khai thác tài nguyên quặng mỏ, rừng, biển, từ Phi châu tới Nam Mỹ và các nước Trung Á, Đông Nam Á Châu thì biết họ đã biết sử dụng sức hấp dẫn của đồng tiền hối lộ một cách có hiệu quả! Làm sao chuyên chở về Tầu được đủ những thứ như đồng và nhôm ở Congo, dầu lửa từ Sudan, Nigeria, gỗ và ngọc thạch từ Miến Điện, sắp tới bô xít từ Việt Nam? Thế mới biết Trung Quốc cũng có một thứ Sức Mạnh Mềm rất hiệu quả.

Tại sao Giáo sư Bàng Trung Anh lại bỏ qua không nói đến thứ sức mạnh mềm này? Chắc vì ông biết, cái đó là một chất độc. Dùng nó đầu độc người khác thì chính mình cũng bị nhiễm độc! Các nước Âu Châu, Nhật Bản, Úc và Mỹ châu đã làm luật cấm các xí nghiệp của họ không được hối lộ quan chức các nước khác, chính vì lý do đó. 

Sở dĩ người Trung Hoa đến nay vẫn dùng món độc dược này vì nó đã nằm sâu trong cơ thể của nước họ, một thứ văn hóa hối mại quyền thế “thâm căn cố đế” chưa biết cách nào tẩy rửa được! Gốc rễ của căn bệnh này nằm trong hệ thống chính trị độc quyền, độc đảng. Báo Economist, số cuối năm viết một bài về Túc Cầu tại Trung Quốc, dẫn lời một viên chức dấu tên trong ngành Công An: “Các bạn biết tất cả các vấn đề xã hội mà người ta đổ lỗi cho hệ thống chính trị chưa? Muốn biết hãy nhìn vào tình trạng môn túc cầu!”

Môn đá banh được người Tầu hâm mộ từ khi tiếp xúc với người Anh. Hội Túc Cầu toàn quốc (gọi là CFA) được thành lập từ năm 1924, thời Quốc Dân Đảng. Năm 1931 họ được gia nhập FIFA, tổng hội đá banh thế giới. Người Trung Hoa vẫn hãnh diện khoe rằng môn đá banh phát xuất từ nước Tề, vùng Sơn Đông bây giờ, vào đời Chiến Quốc (500 đến 200 năm trước Công nguyên), trong môn chơi gọi là Xúc Cúc (Cuju, 蹴鞠), nghĩa là quả banh da, đẩy bằng chân. FIFA công nhận sự kiện này, và còn cho thấy một bức tranh cổ vẽ cảnh vua Tuyên Tôn nhà Minh (1426-1435) ngồi coi đá banh (hay đánh Golf?).

Nhưng hiện nay đội đá banh quốc gia của Trung Quốc đứng hàng thứ 77 trên thế giới, và tháng trước mới thua một trận trước đội Iraq, sẽ bị loại không được dự giải Đá Bóng Thế giới World Cup năm 2014! Trận thua Iraq này thật là nhục nhã, cả nước muốn khóc. Một nhà báo thể thao viết: “Ví thử chúng ta thua Nhật Bản hay Hàn Quốc thì đáng thua, vì họ đá giỏi thật. Thua Saudi hay Qatar cũng được đi, vì họ bỏ rất nhiều tiền nuôi cầu thủ. Còn thua Iraq? Nước họ vẫn còn chưa hết nội chiến, sân banh trong nước họ còn chưa dùng để đá banh được! Thế mà Iraq vẫn đánh bại Trung Quốc 1 – 0! Đội banh Trung Quốc chỉ được vào đấu Giải Thế Giới (World Cup) một lần, năm 2002. Và trong ba trận năm đó thua cả ba, các cầu thủ Trung Quốc không làm được một bàn nào cả!

Có phải người Trung Quốc thể lực yếu, hay không thích thể thao? Không phải. Họ chiếm nhiều huy chương nhất trong Thế Vận Hội 2008 ở Bắc Kinh! Khán giả các đài ti vi đều theo dõi những trận đá banh, không khác gì dân Mỹ coi bóng bầu dục. Vậy tại sao ngành bóng đá ở Trung Quốc thảm hại như vậy? 

Lý do chính là vì chế độ độc tài, tập trung quyền hành, không có gì minh bạch, công khai; những người nắm quyền không chịu trách nhiệm trước công chúng, không ai được bàn chuyện các quan chức làm ăn. Ai hé miệng sẽ bị trừng trị!

Tổ chức đá bóng ở Trung Quốc đầy tham nhũng, nói chung là cái gì cũng mua được, có tiền là đổi trắng thay đen. Mà nạn tham nhũng sinh sôi nẩy nở là vì các quan chức trông coi ngành đá bóng đều phải do Đảng chỉ định. Họ không chịu trách nhiệm với các đội banh, không lo báo chí, không lo dân ghiền đá banh soi mói. Từ nguồn gốc đó, tất cả các cầu thủ, trọng tài, cho đến chủ nhân các đội banh (trên nguyên tắc đều là của chính quyền) đều có thể đi mua và bị người khác mua chuộc. Ai mua? Những người đánh cá độ. Một trọng tài ra tòa vì tội ăn tiền đã thú nhận rằng chỉ có một lần ông từ chối không nhận tiền để làm cho một đội thắng trận đá, vì đã có quan trên trong Hội Túc Cầu bảo ông hãy thiên vị đội bên kia! Các quan trên Trung Quốc không bao giờ nói thẳng ra như vậy. Nhưng các ám hiệu họ đưa ra đều hiểu được: Khi quan trên điện thoại nói: “Nhớ công bằng nhé;” câu đó nghĩa là phải cho đội chủ nhà thua đội khách! 

Nghề trọng tài hái ra tiền, vì công “xếp đặt ai thua ai thắng,” tiếng Anh là “fix.” Một trọng tài họ Dương khai đã kiếm được 12 triệu nguyên (1.90 triệu mỹ kim) kể từ khi được bổ nhiệm năm 1995. Một ông họ Lữ kể rằng ông được hối lộ tới 800,000 đô la cho một trận quốc tế. Ông họ Dương kể trước một trận đấu, đội cầu Thượng Hải đã đem bao thư 700,000 nguyên đến tận văn phòng ông. Ông chia cho ông Lữ một nửa! Trọng tài là Trương Kiến Cường (Zhang Jianqiang  ) đã khai trước ti vi là ông kiếm được 2 triệu 6 đồng nhân dân tệ, tương đương với 410,000 đô la Mỹ. 

Tất nhiên các cầu thủ cũng được mua, giám đốc các đội banh cũng biết bán độ! Một cầu thủ muốn được đưa vào hàng ngũ “đội quốc gia” cũng phải hối lộ khoảng 110,000 đồng nguyên (tương đương 15,500 đô la). Cùng trong nền văn hóa tham nhũng đó, chủ nhân đội cầu của Thành Đô đã đút tiền cho chủ nhân một đội khác để họ đá thua, nhờ thế Thành Đô được xếp vào “Trung Quốc Túc cầu Hiệp hội Siêu cấp Liên trại” thường gọi tên là Trung Siêu Liên Trại (中超联赛). Hiện hai đội Quảng Châu và Thành Đô đã bị đưa ra tòa và đuổi ra khỏi Trung Siêu!

Có cách nào để ngành đá banh Trung Quốc thoát khỏi nạn tham nhũng, hối lộ hay không? Lần đầu tiên họ bị điều tra là năm 2007, do cảnh sát Singapore yêu cầu công an Trung Quốc, vì khám phá “bán độ” trong một trận cầu ở Singapore! Đến lượt báo chí bên Anh loan tin các trận đấu “giao hữu” giữa đội banh Thẩm Quyến với Manchester United năm 2007 (Thẩm Quyến thua 6-0) và trận Thượng Hải với Sydney (Thượng Hải thắng) năm 2003 đều bị bán độ. Mãi tới năm 2011 mới có những vụ bắt bớ, rồi đến cuối năm thì xét xử. Năm 2010 các cuộc điều tra từ từ bắt đầu.

Đứng đầu ngành đá bóng Trung Quốc là Hiệp hội Túc cầu, gọi tắt là CFA. Hai ông cựu chủ tịch Nam Dũng (Nan Yong, ) và phó chủ tịch và Dương Ích Dân (Yang Yimin, 益民) đã bị bắt vào tháng Ba năm rồi, cùng với ông Tạ Á Long (Xie Yalong, 谢亚龙), một phó chủ tịch khác mới bị bắt vào tháng Mười. Ông này đã mất chức sau khi đội banh Trung Quốc bị loại trong Thế Vận Hội 2008. Vụ xét xử các ông tai to mặt lớn, các trọng tài và cầu thủ diễn ra từ ngày 18 tháng 12 năm 2011. Nhưng họ lại xử kín! Giống như xử lý nội bộ vậy! Họ không dám cho công chúng và báo chí tham dự, vì sợ các bị cáo sẽ lôi ra các quan chức cao cấp hơn trong đảng!

Với tình trạng tham nhũng như trên, người Trung Hoa hết hy vọng vào tương lai nền túc cầu nước họ. Cha mẹ không muốn cho con đá banh. Từ năm 1990 đến 2000, nước Tầu có khoảng 600,000 trẻ tham dự các đội banh chính thức. Trong 5 năm tiếp theo, con số xuống chỉ còn 180,000 thanh thiếu niên. Và hiện giờ các quan chức CFA ước tính còn độ 100,000.

Một tác giả về thể thao, Declan Hill mới xuất bản cuốn sách về nạn bán độ, tên là The Fix. Ông có đưa ra Mười Điều Răn để tránh khỏi nạn này. Thí dụ: Phải bảo đảm lương bổng cho các cầu thủ, cùng với an toàn trong việc làm, không sợ bị đuổi. Phải bảo vệ những người tố cáo nạn bán độ. Phải có những biện pháp khích lệ cho các cầu thủ sống ngay thẳng, lương thiện.

Chỉ cần đọc ba điều đó thôi cũng thấy là khó. Vì nếu người ta thực hiện được ba điều đó trong Túc Cầu Siêu Cấp thì họ đã đem áp dụng cho cả guồng máy cai trị nước Trung Hoa rồi! Sở dĩ túc cầu Trung Quốc thối nát là vì đảng Cộng sản nuôi một guồng máy thống trị thối nát!

Tình trạng túc cầu cho chúng ta hình dung được những ngành sinh hoạt khác ở Trung Quốc như thế nào. Liệu một quốc gia sống trong không khí thối nát như vậy có tương lai hay không? Họ có thể dùng hối lộ đi mua chính quyền các nước chậm tiến để khai thác rừng, biển, quặng mỏ của người ta. Nhưng họ làm sao trở thành một quốc gia mẫu mực cho các nước khác noi theo; để tính chuyện dùng Sức Mạnh Mềm gây ảnh hưởng trên thế giới?
http://www.diendantheky.net/2012/01/bong-cung-thoi-nat.html
( Biên Hùng chuyển )

Hội chứng khóc lóc ở Bắc Hàn

Cập nhật: 14:56 GMT - thứ năm, 22 tháng 12, 2011
Mấy năm trước tôi có nuôi một con chó. Nó rất dễ thương nhưng hay phóng uế bừa bãi.
Nó thường ị ngay trước cửa nhà, tôi tức lắm, dắt nó đến chỗ bãi phân, chỉ cho nó thấy rồi đánh nó. Nó la khóc thảm thiết nhưng rồi vẫn cứ tiếp tục thói quen cũ. Có lần tôi nổi giận đánh nó què chân nhưng vẫn không thay đổi được gì.
Sự trung thành của loài vật
Có điều rất lạ là tuy bị tôi đánh què chân nhưng nó vẫn rất thương tôi. Tôi đi đâu xa về nó đón tôi đầu hẻm, chạy ra mừng, ngoắc đuôi, kêu ăng ẳng, nhào vô người tôi liếm mặt, mừng đến té đái.
Tôi vẫn tự hỏi: tại sao mình đã từng trừng phạt nó tàn nhẫn như vậy, từng đánh nó què chân mà chẳng những nó không oán mình lại còn giữ vẹn tấm lòng trung thành, thương yêu không hề suy suyển?
Nghĩ hoài cũng tìm ra được đáp án: chó là con vật đã được thuần hóa lâu đời, từ nhiều thế hệ, nhiều ngàn năm. Trong đầu nó không còn ý thức về sự phản kháng, sự thù hận, căm ghét chủ nhà. Trong đầu nó chỉ có một ý thức là: VÂNG PHỤC, TRUNG THÀNH, trong đầu nó không hề có ý niệm TỰ DO vì suốt từ đời ông đời cha nó đều làm tôi tớ cho con người, cam chịu đánh đập, xỉ vả, bỏ đói, cam chịu ăn chút cơm thừa canh cặn vì nó nghĩ: trời sinh kiếp chó là phải chịu như thế, không thể khác được. Dù bị hành hạ, bị ngược đãi thậm chí bị giết chóc vẫn cứ trung thành, thương yêu, tôn thờ người chủ của mình như thần thánh…
"Con vật có thể bị thuần hóa. Nhưng con người mà bị thuần hóa đến mức phải khóc thương kẻ đã nô dịch, đã bỏ đói cả dân tộc mình như thế thì tội nghiệp quá. Còn gì là phẩm giá con người nữa hỡi trời!"
Khi con người còn ăn lông ở lỗ thì loài chó sống trong rừng, chúng là những con sói hung dữ. Con người thử đánh nó xem, nó sẽ chồm tới, phủ đầu, cắn cổ chết tươi liền. Nhưng từ khi con người văn minh dần dần, đem con sói về nhà nuôi nấng, dạy dỗ, thuần hóa… thì sói đã biến thành chó nhà và dần dà mất đi ý thức phản kháng, ý thức tự do, cùng lúc sự vâng phục, sự trung thành, sự cam chịu hình thành trong “nhân cách” của chúng như một tập tính, một thuộc tính, một bản tính.
Chủ bỏ đói tôi, đánh tôi, giết tôi… đó là quyền của chủ. Còn tôi thương yêu, trung thành với chủ đó là bổn phận của tôi.
Sự ngu trung của con người
Thời phong kiến xa xưa bọn vua chúa vẫn dạy dân kiểu đó: “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (vua bảo dân chết, dân mà không chết là không trung thành). Cái ý thức ấy đã trở thành tập tính, thành chân lý, thành đạo đức.
Cho nên xem các phim lịch sử Trung Quốc ta vẫn thấy nhiều cảnh vua “ban” cho một cận thần hay thê thiếp gì đó một chén độc dược hay một dải lụa để tự tử thì nạn nhân phải quỳ xuống khấu đầu lạy: “thần tạ ơn bệ hạ” là cũng nằm trong cái đạo lý ấy. Đó là thứ đạo lý của những loài vật được thuần hóa.
Truyện Đông Chu Liệt Quốc kể rằng Tề Hoàn Công nói với đầu bếp Dịch Nha: “Món gì trẫm cũng từng ăn qua, chỉ có thịt người là chưa ăn”. Hôm sau Dịch Nha dâng lên vua một món thịt, vua ăn, thấy rất ngon, vừa mềm vừa có hương vị lạ, bèn hỏi đó là thịt gì, Dịch Nha thưa: “Hôm qua bệ hạ nói rằng chỉ có thịt người là chưa được ăn vì thế thần đã làm thịt đứa con trai của mình để dâng lên bệ hạ.”
Sự quy phục mà đạt đến mức đó thì người đã biến thành súc sinh rồi. Xã hội phong kiến xưa không những đã tạo ra một lớp người được thuần hóa mà còn biến họ thành súc sinh.
Tình yêu lãnh tụ

Truyền thông Bắc Triều Tiên nói hàng triệu người dân nước này "chìm trong nỗi đau khôn tả" trước tin ông Kim Jong-il qua đời.
Ngày 17/12/2011 Chủ tịch Kim Jong-il chết trên một chuyến xe lửa. Ông là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Bắc Hàn mặc dù trên thế giới ai cũng biết đây là một trong những nước nghèo nàn lạc hậu nhất thế giới.
Hàn Quốc đã từng viện trợ cho Bắc Hàn thuốc men, mì gói, đồ ăn cho trẻ em và các vật phẩm khác với tổng trị giá hơn bốn triệu đôla, đồng thời bác bỏ lời đề nghị của Bắc Hàn muốn được viện trợ xi măng, vật tư xây dựng vì sợ chính quyền Bình Nhưỡng có thể chuyển chúng cho quân đội sử dụng.
Hàn Quốc cũng đã đóng góp tổng cộng 13,12 triệu đôla cho WHO để viện trợ nhân đạo cho Bắc Hàn trong năm 2009.
Theo Tổ chức Ân xá quốc tế thì người dân ở Bắc Hàn có nơi phải ăn cả cỏ dại, vỏ cây và rễ cây để sống qua ngày.
Khi Chủ tịch Kim Jong-il qua đời, nhiều người bạn gặp tôi, thắc mắc tại sao một nhà lãnh đạo chỉ biết củng cố quyền lực của phe nhóm mình, bỏ dân đói khổ, rét mướt, lầm than như thế mà khi chết đi người dân lại khóc lóc thảm thiết, kẻ thì đập đầu vào cầu thang, kẻ thì lăn ra đất, người thì ôm mặt kêu trời, nước mắt ràn rụa?
Khi nghe câu hỏi ấy, tôi nghĩ đến con chó của tôi. Tôi đã trừng phạt, bỏ đói nó, đã đánh nó què chân vậy mà khi tôi đi xa về nó vẫn mừng đến té đái. Tôi cũng nghĩ đến những ông quan dưới thời phong kiến bên Tàu khi được vua “ban” cho chén thuốc độc mà còn phải khấu đầu lạy tạ ơn.
Con vật có thể bị thuần hóa. Nhưng con người mà bị thuần hóa đến mức phải khóc thương kẻ đã nô dịch, đã bỏ đói cả dân tộc mình như thế thì tội nghiệp quá. Còn gì là phẩm giá con người nữa hỡi trời!
*
Triều Tiên là một dân tộc anh hùng. Trong Thế chiến thứ 2 họ đã đánh đuổi đế quốc Nhật, trong hòa bình họ đã xây dựng một Hàn Quốc giàu mạnh, văn minh và hiện đại, không hề thua kém các nước châu Âu, được xếp thứ 15 trên thế giới. Dân tộc ấy đã sản sinh ra những tên tuổi lớn trong điện ảnh và ca nhạc như: Han Ga In, Jang Dong Gun, Bi Rain, Song Hye Kyo, và trong bóng đá như Jong Tae-Se (Bắc Hàn), Park Ji Sung (Hàn Quốc)…
Vì đâu mà một dân tộc ưu việt như thế lại phải lâm vào thảm cảnh như hiện nay? Vì đâu mà họ phải khóc lóc thảm thương như vậy? Viết đến đây tôi chợt nhớ hình ảnh một bé gái trạc mưởi một mười hai tuổi, đẹp như thiên thần đã tham dự vào trận khóc lóc bi thương ấy.
Mặt em đầm đìa nước mắt. Những giọt nước mắt ấy không làm tôi xúc động nhưng lại rất đau xót. Trời ơi! một em bé trong trắng, xinh đẹp như thế lẽ ra phải được ngồi bên chiếc đàn piano, bàn tay lướt đi theo những giai điệu đẹp đẽ. Sao em không được làm người tự do? Sao em không được sống hồn nhiên mà lại phải nằm lăn lộn khóc lóc cho một gia tộc đã, đang và sẽ kéo cả một nửa dân tộc Triều Tiên vào thời kỳ bộ lạc?
Rất may là em đã không bị bọn nịnh thần làm thịt để nấu món ăn dâng lên lãnh tụ như anh chàng Dịch Nha thời Xuân Thu nọ.



Vượt biên, bị cướp biển, thất lạc: Cha và con đoàn tụ 
Wednesday, November 23, 2011 7:24:29 PM 
Bookmark and Share


Ngọc Lan/Người Việt

LTS. Ðối với người tị nạn Việt Nam, có lẽ chưa có câu chuyện nào cảm động bằng cuộc hội ngộ của hai cha con ông Trương Văn Hào, sau 34 năm xa cách. Khi biết tin, phóng viên nhật báo Người Việt đã liên lạc được với ông Hào và được ông kể lại câu chuyện sau đây. Nhân ngày Lễ Tạ Ơn năm nay, nhật báo Người Việt đăng câu chuyện này để độc giả cùng suy ngẫm.

ROCHESTER, New York (NV) -“Ngay khi vừa nhìn thấy nó, tôi cảm giác như mình vừa tìm lại được vật gì quý giá lắm mà mình đánh mất từ lâu, cảm giác như vậy đó cô.” Ông Trương Văn Hào, qua cuộc điện thoại lần thứ hai với phóng viên Người Việt vào lúc hơn 10 giờ đêm Thứ Hai, trước ngày Lễ Tạ Ơn, nhắc lại cảm xúc của ông, khi nhìn thấy đứa con trai bị thất lạc từ 34 năm trước.


Gia đình ông Trương Văn Hào hồi hộp chờ đợi hội ngộ với Samart Khumkham (Trương Văn Khai) tại phi trường quốc tế Greater Rochester International Airport. (Hình: Phương Trương cung cấp)


Xem thêm hình ảnh tại đây
Trong cuộc điện thoại này, ông Hào cho biết đứa con trai mới tìm lại được, lúc đó đang ở Thái Lan, vừa hoàn tất cuộc phỏng vấn xin chiếu khán nhập cảnh vào Mỹ và đã được chấp thuận, với sự can thiệp của Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York).
Câu chuyện tái ngộ của cha con ông Trương Văn Hào và Samart Khumkham (tức Trương Văn Khai), một người ở Rochester, New York, và một người ở một tỉnh xa xôi của Thái Lan, một lần nữa vừa gợi lại những thời khắc đau thương của những ai từng là thuyền nhân. Ðồng thời, câu chuyện lại mở ra thêm hy vọng cho những cha mẹ từng bị mất con, làm cho niềm tin của họ mạnh thêm, với hy vọng, đến một lúc nào đó, may mắn sẽ mỉm cười với mình.

Câu chuyện của 34 năm trước

“Tôi cùng vợ và đứa con trai mới 6 tháng tuổi, tên Trương Văn Khai, rời đảo Phú Quốc ngày 22 Tháng Mười Hai, 1977.” Ông Hào chầm chậm kể lại câu chuyện của mình.
Sau năm ngày lênh đênh trên biển, khi còn cách Songkhla, Thái Lan, chừng 35 dặm thì tàu ông Hào “bị bể.” Cùng lúc đó, họ gặp một chiếc tàu đánh cá Thái Lan, “thế là chúng tôi lên hết trên chiếc tàu Thái, và ở đó bốn ngày.”
Theo lời ông, ngay từ khi lên tàu, thuyền trưởng của chiếc tàu đánh cá “đã tỏ ra rất thích thằng bé. Ông ta đòi mua nó, nhưng chúng tôi không đồng ý.” Ông Hào kể. Cũng chính từ chi tiết này, mà hơn ba thập kỷ trôi qua, ông Hào vẫn tin rằng con trai ông còn sống.
Mọi chuyện vẫn bình thường, tuy nhiên, đến tối ngày thứ tư, “sau khi người thuyền trưởng bỏ sang một chiếc tàu khác đi mất,” những người đàn ông Việt Nam bị những người Thái còn lại trên tàu bắt nhảy xuống biển.
“Tôi cùng một anh đi cùng cứ lênh đênh như vậy trên nước. Ðến khoảng 6 giờ chiều hôm sau thì chúng tôi mới được một chiếc tàu đánh cá vớt.” Ông Hào tiếp tục nói, “Tôi cũng không biết bằng cách nào mà tôi đã sống.”
Ông Hào ở lại trên chiếc tàu này làm việc khoảng hai tuần, “cũng kéo cào, lặt cá.” Sau đó, họ lái tàu vô gần bờ, thả ông xuống, để ông tự bơi vô bờ.
Ông Hào được cảnh sát Thái “đưa vào trại.”
“Chừng một, hai tuần sau thì có một người Thái gốc Việt đi vào trại báo tin cho biết dân địa phương vừa mới vớt được hai xác người đàn bà và đã chôn cất. Hỏi thì nghe mô tả quần áo rất giống với quần áo vợ tôi và vợ người bạn đi cùng. Trên chiếc tàu chúng tôi đi vượt biên chỉ có hai người phụ nữ thôi. Khi đó tôi xin ra ngoài để đi đến đó hỏi thăm nhưng họ không cho ai ra khỏi trại. Từ đó tôi không còn biết tin tức gì nữa.” Ông Hào nói một cách nặng nề.
Sau gần năm tháng ở trong trại, ông Hào được người thân bảo lãnh sang định cư tại Mỹ.

Hành trình tìm con

Tin chắc là vợ mình đã chết, nhưng “trong suốt thời gian qua, chưa bao giờ tôi nghĩ là con tôi chết. Tôi tin là nó còn sống và đang ở đâu đó.” Chính từ niềm tin mãnh liệt này, mà chừng năm, sáu năm sau khi đến Mỹ, ông Hào tìm đến Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ nhờ tìm kiếm con trai ông.
“Nhưng lần đó họ nói tôi không có đủ tin tức cần thiết, như không có hình ảnh, hay giấy tờ gì. Cái gì tôi cũng không có bởi vì bị mất hết rồi.”
Dù bận bịu với cuộc sống, lập gia đình mới, có con nhỏ, ý định tìm đứa con trai thất lạc vẫn lẩn quẩn trong tâm trí người cha. Chừng 10 năm sau, ông Hào lại đến Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ một lần nữa, “cũng làm đơn nhờ họ kiếm, nhưng rồi câu trả lời vẫn là như vậy.”
Ðến cuối Tháng Năm vừa rồi, “khi mới xong khóa học mùa Spring, tôi mua vé đi Thái Lan tìm con tôi.”
Và chuyến đi kéo dài một tháng này của người cha đã thật sự có kết quả.

Chặng thứ nhất

Ông Trương Văn Hào rời New York vào ngày cuối Tháng Năm để thực hiện cho bằng được, một lần, hết sức mình, việc tìm kiếm đứa con rời xa ông khi nó mới sáu tháng tuổi. Ông đi, mang theo trong lòng niềm tin của người cha về đứa con vẫn còn sống, và sự ủng hộ về tinh thần lẫn vật chất của người vợ hiện tại, cùng bốn đứa con thân yêu.
“Ba, con hy vọng là ba sẽ mang được anh Khai về, bằng hết sức của ba.” Người con trai út 10 tuổi của ông, nói với ông như vậy.
Ðầu Tháng Sáu, ông Hào đặt chân đến Bangkok khi trời đã về chiều. Sáng sớm hôm sau, ông bay đến Hat Yai, một thành phố phía Nam Thái Lan, cách Songkhla, nơi có trại tị nạn ông Hào từng ở cách đây 34 năm, khoảng một giờ lái xe.
Ông lưu lại ba ngày. “Trong ba ngày này, tôi đi tìm kiếm một ngôi nhà thờ.”
Người cha đang trong hành trình đi tìm con rõ ràng đã vạch sẵn cho mình kế hoạch tìm kiếm.
Ông nói, “Tôi nhớ ngày xưa ở tỉnh Songkhla có một vị linh mục thường đưa thư vô cho người tị nạn. Tôi không biết tên cha nhưng tôi nghĩ ông chỉ có thể ở lòng vòng quanh tỉnh Songkhla hay quanh quanh đâu đây thôi.”
Ðó chính là lý do vì sao ông Hào lại đi tìm nhà thờ. Tuy nhiên, khi đến nhà thờ, ông Hào được biết “vị linh mục tôi muốn tìm đã ngoài 80 tuổi, nghỉ hưu và về sống ở Bangkok.”
Thất vọng vì không tìm được vị linh mục, nhưng ông Hào lại được vị linh mục mới, hướng dẫn ông đến “gặp một nhóm thanh niên trẻ chuyên giúp đỡ những người tị nạn.”
Sau khi nghe chuyện ông Hào muốn tìm kiếm đứa con thất lạc, nhóm thanh niên này chở ông ngược lại Hat Yai để “quay phim đưa lên tin tức.”
Cũng thời gian này, ông Hào gọi điện thoại về Mỹ cho vợ ông biết ông gặp khá nhiều khó khăn trong vấn đề giao tiếp, bởi vì “càng đi về miền Nam, người ta càng ít biết nói tiếng Anh, và có nói thì cũng rất khó nghe.”
Nhờ vào bạn bè quen biết, vợ ông tìm được một người biết nói tiếng Việt lẫn tiếng Thái, đang ở Lào, bay sang Thái Lan để đi cùng ông Hào.

Chặng thứ hai

Ông Hào và người bạn Lào thuê xe “đi tìm nơi ngày xưa người ta chôn vợ tôi.”
“Chúng tôi lái xe dọc theo bờ biển hết hướng Nam rồi đến hướng Bắc, cứ đi đến đâu thấy có làng là dừng lại hỏi thăm nhưng chẳng được tin tức gì hết,” người đàn ông nhẫn nại kể, như thể hành trình đó vẫn còn mồn một trong ông.
Ông Hào cũng đến sở cảnh sát và các trụ sở của chính quyền địa phương để nhờ giúp đỡ. Có điều, “do nhiều vấn đề tế nhị, nên tôi không nêu ra trong đơn là ngày xưa chúng tôi bị giết, bị cướp, mà chỉ nói là tàu gặp nạn thôi.”
Không tìm được mộ người vợ chết thảm năm xưa, ông Hào và người bạn trở lại Hat Yai, đến những nhà xác tìm tin tức, nhờ lục lọi lại hồ sơ giấy tờ ngày xưa.
Cũng trong những ngày lang thang đi tìm tin tức này, ông Hào tình cờ được giới thiệu gặp một người đang làm việc tại một đài truyền hình ở Bangkok.
Ông kể, “Ðài truyền hình này xuống gặp chúng tôi, dàn xếp một cuộc phỏng vấn cảnh đi tìm con để quay phim. Rồi họ chiếu lên TV.”
Dấu vết đứa con vẫn còn mờ mịt thì người bạn biết tiếng Thái của ông Hảo phải quay trở về Lào vì công việc gia đình.
Một lần nữa, người cha này lại “cảm thấy bế tắc.”

Chặng thứ ba

Khi đó, ông Hào đã ở Thái Lan chừng hai tuần.
Ông bắt đầu ngồi xuống, viết lại câu chuyện tìm con, rồi đưa lên Google cho dịch ra tiếng Thái. Ông đưa cả hình ông và người vợ quá cố của mình vào, “để hy vọng hoặc con giống cha hoặc con giống má thì người ta có thể nhận ra.”
“Xong, tôi in ra khoảng 500 tờ. Vào mỗi đêm, tôi đến con đường đông người qua lại và phát cho người ta. Trong tờ rơi đó tôi có hứa tặng cho ai tìm được tin tức con tôi một số tiền.” Ông kể về việc làm của mình.
Ðồng thời, ông Hào cũng tìm gặp được một số người của tổ chức “giống như nhân viên xã hội” nhờ giúp đỡ. Bên cạnh những chi tiết ông Hào cung cấp cho “nhân viên xã hội,” ông còn nhớ thêm được chiếc tàu ngày xưa ông bị bắt lên cùng vợ con ông là “tàu số 21, nhưng không nhớ tên.”
Thời gian này, ông Hào lại quen biết với một người đàn ông Thái biết nói tiếng Anh. Qua người đàn ông này, ông Hào có dịp gặp gỡ một số người làm nghề lái tàu.
Từ những người lái tàu, ông lại biết thêm một điều: nơi có thể tìm được “chiếc tàu 21 ngày xưa.” Có điều, không phải là một nơi mà có thể tới ba địa điểm.
Ông Hào mang tin tức này nói cho “nhân viên xã hội” biết, và “họ hứa đưa tôi đi đến những nơi đó.”
Thế nhưng, chuyện đời luôn có những chuyện “thế nhưng” nghiệt ngã như thế.
“Khi đó gần đến ngày bầu cử, rồi có nơi thì có bạo loạn xảy ra, nên họ không chịu đi,” ông Hào nhớ lại.
Người ta không đi, nhưng ông không có lý do gì để không đi, “Tôi thì có sợ gì chết nữa nên tôi có ý định sẽ đi một mình.”
Lần lữa tìm đường đi, cũng là lúc chiếu khán nhập cảnh ở Thái Lan của ông Hào chỉ còn ba ngày là hết hạn.

Chặng thứ tư

“Khi thấy còn ba ngày nữa là hết hạn visa, tôi trở lại tìm những người nhân viên xã hội một lần nữa để đưa hết thông tin cho họ, báo cho họ biết là tôi đi về Mỹ, có tin gì thì họ báo cho tôi biết.” Ông Hào có ý định chấm dứt hành trình tìm kiếm đứa con, ở thời điểm này.
Không ngờ, lúc đó các nhân viên xã hội lại báo cho ông Hào biết rằng họ đã có tin tức của ông chủ vừa mua lại “chiếc tàu số 21.”
“Ngày 28 Tháng Sáu, tôi cùng hai người nhân viên xã hội đi gặp ông chủ tàu.”
Có điều, người cha xem như “mất hết hy vọng,” vì “đó không phải là chiếc tàu hồi xưa tôi lên.”
Nhưng.
Lại một chữ “nhưng” bất ngờ.
Trong thời gian mấy tiếng đồng hồ đi loanh quanh bến cảng để tìm kiếm “con tàu 21,” một thanh niên làm cho ông chủ tàu vô tình nghe được câu chuyện tìm con của ông Hào.
Theo lời thanh niên này thì ngày xưa xóm anh có một gia đình nuôi một đứa trẻ Việt Nam.
Ðể chắc chắn, thanh niên này gọi điện thoại hỏi người mẹ, và được trả lời là “đúng rồi.”
Tia sáng lại lóe lên.
Sáng hôm sau, ông Hào cùng bốn nhân viên xã hội, “có cả ông sếp của họ,” lên xe hướng về ngôi làng người thanh niên cho biết.

Chặng thứ năm

“Sau bốn tiếng lái xe, chúng tôi đến nơi thì được chính quyền ở đó xác nhận đúng là hồi trước có một gia đình nuôi một đứa con người Việt,” ông Hào tiếp tục câu chuyện dài mà dường như chẳng hề mệt mỏi.
“Một người dân địa phương khẳng định, ‘Thằng nhỏ nhà đó nhìn rất giống ông.’” Lời nói đó càng khiến niềm tin sẽ kiếm được đứa con trở nên tràn trề và mãnh liệt trong lòng người cha.
“Nhưng gia đình đó đã dọn đi khỏi đây từ 15 năm trước rồi.”
Như trò đùa của số phận, hy vọng vừa lóe lên thì vụt mất. Hạnh phúc như gần kề bàn tay thì lại vuột bay.
Nhưng ý chí con người đôi lúc vượt lên trên những định mệnh nghiệt ngã.
Với sự giúp đỡ của cảnh sát, của chính quyền địa phương, mọi người có được địa chỉ của gia đình có đứa con Việt.
“Khoảng hơn 5 giờ chiều, chúng tôi dồn lên xe van đi tiếp đến nơi cách đó chừng 6 tiếng.”
Theo lời ông Hào, trong suốt đoạn đường này, điện thoại của bốn nhân viên xã hội bận nói chuyện liên tục.
“Khi còn cách chừng hai tiếng nữa đến nơi, thì họ báo cho tôi biết là họ đã gọi báo cho báo chí, truyền hình hay tin hết rồi. Họ nói họ tin chắc rằng thằng bé đó chính là con tôi, 80% là con tôi.” Ông Hào cười, kể tiếp.
Lúc 11 giờ 47 phút đêm 29 Tháng Sáu, ông Hào đến được ngôi nhà của vợ chồng người Thái nuôi đứa con trai ông từ 34 năm qua.
Cũng lúc đó, xe của đài truyền hình, báo chí, cảnh sát địa phương đều có mặt, để ghi nhận lại cuộc hội ngộ không xảy ra quá nhiều trên cuộc đời này.

Giây phút gặp gỡ

Ông Hào nhớ lại thời khắc mà ông mong chờ từ 34 năm nay:
“Tôi thấy tim mình đập mạnh lắm, thấy nôn nao lắm. Trời thì tối, lại không có điện, chỉ có ánh sáng của một bóng đèn nhỏ từ trong nhà hắt ra, cùng ánh sáng của mấy xe truyền hình. Nhưng, chỉ nhìn dáng nó bước ra. Chỉ nhìn cái dáng nó thôi, là tôi đã nhận ra nó là con tôi rồi,” ông Hào kể.
Rồi ông nói tiếp: “Rồi khi tôi gặp mặt nó, là tự nhiên, tôi biết ngay là nó, là thằng con tôi.”
Người cha kể lại khoảnh khắc gặp con qua điện thoại, mà tôi nghe ra, gương mặt ông khóc, và miệng ông cười.
Không một lời nói nào thốt ra trong giây phút đó.
Chỉ có người cha ôm chầm lấy đứa con mình.
Họ không thể nói cùng một ngôn ngữ. Con chỉ nói được tiếng Thái. Cha chỉ nói được tiếng Việt, tiếng Anh.
Nhưng sợi dây máu mủ ràng buộc từ trong sâu thẳm, để người cha tin chắc đó là con mình, và đứa con rời khỏi vòng tay cha mẹ đẻ từ khi 6 tháng tuổi, cũng trong giây phút đó kêu thầm trong đầu, “I know you are my daddy.” (Con biết ba là ba của con mà), (Anh nói với ba mình điều này vài ngày sau thời điểm ấy).

Câu chuyện tiếp theo

Cho dù giây phút đó là thần tiên và diệu kỳ đến mức nào, ông Hào cũng chỉ có thể lưu lại đó hơn 2 tiếng đồng hồ, sau đó phải lên đường ngay để trở lại Songkhla, rồi trở về Malaysia để gia hạn chiếu khán nhập cảnh.
Một ngày sau, ông Hào quay trở lại nơi Khai đang sống, ở đó cùng con trai ông thêm một tháng nữa, trước khi bay về Mỹ chuẩn bị những thủ tục cần thiết cho chuyện gặp lại cả “đại gia đình” tại Hoa Kỳ.
Samart Khumkham, người con trai thất lạc ngày nào của ông Hào, giờ đã là người đàn ông 34 tuổi, có vợ và hai con gái, sống trên rừng cao su, “để làm công việc chăm sóc cao su cho chủ.”
Theo những gì ông Hào được biết, cha mẹ nuôi của Samart ngày xưa làm ở cảng tàu. “Khi đó, bà vợ sanh được một đứa con gái nhưng hai ngày sau thì em bé chết. Lúc đó có một người bồng thằng Khai tới hỏi có muốn nuôi không với điều kiện không được hỏi nguồn gốc từ đâu có thằng bé đó. Thế là vợ chồng họ nhận nuôi đến bây giờ.”
Ở họ, không có khoảng cách của sự xa lạ về tình cảm. “Chỉ qua ngày sau, khi tôi trở lại, là cảm giác như hai cha con đã biết đâu từ hồi nào rồi, cảm giác cha con rất rõ ràng. Nó cũng như vậy. Mấy đứa cháu cũng như đã quen biết mình từ đời nào, rất thân thiện, tự nhiên.”
Nhưng chuyện trò lúc đầu giữa cha con họ thật sự khó khăn.
“Tôi muốn nói gì với nó, tôi gõ ra rồi Google dịch ra tiếng Thái. Ngược lại, nó nói chuyện với tôi cũng bằng cách đó,” ông Hào kể lại kinh nghiệm giao tiếp giữa hai cha con ông một cách hóm hỉnh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau hơn ba tháng ông Hào cùng vợ, con và các cô chú nói chuyện với Samart hằng ngày qua skype, vốn tiếng Anh của Samart đã tiến bộ rõ rệt.
Câu chuyện trùng phùng của gia đình ông Trương Văn Hảo đánh động đến Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer.
Ngày 9 Tháng Mười Một, đích thân vị thượng nghị sĩ Dân Chủ, đại diện tiểu bang New York, gọi điện thoại cho đại sứ Mỹ tại Bangkok, bà Kristie Kenney, yêu cầu cấp chiếu khán cho Khai nhập cảnh Hoa Kỳ.




Giây phút người cha Trương Văn Hào (trái) gặp người con Samart Khumkham (Trương Văn Khai) tại phi trường. (Hình: Phương Trương cung cấp)

“Ðây là một câu chuyện rất hay, đáng được in thành sách,” ông Schumer nói, theo một thông cáo báo chí của văn phòng ông. “Samart và gia đình của anh bị chia ly quá lâu, và thủ tục hành chánh không nên là một sự cản trở cho cuộc hội ngộ có một không hai trong cuộc đời họ. Tôi yêu cầu bà đại sứ bằng mọi cách có thể, giúp Samart nhập cảnh và gặp gia đình anh.”
Sáng Thứ Hai, 14 Tháng Mười Một, từ Thái Lan, Samart Khumkham, tức Trương Văn Khai ngày nào, được chấp thuận cho nhập cảnh vào Mỹ với chiếu khán du lịch B-2 với thời hạn bốn tháng.
“Họ sẽ gửi visa về nhà. Chỉ trong một vài ngày nữa, con tôi sẽ nhận được. Khi đó, tôi sẽ mua vé máy bay cho nó sang Mỹ. Tôi hy vọng nó sẽ đến đây trước ngày lễ Thanksggiving.” Ông Hảo hớn hở nói.
Hôm Thứ Hai, 21 Tháng Mười Một, Samart Khumkham đến phi trường quốc tế Greater Rochester International Airport ở Chili, New York, hội ngộ với gia đình.
Bà Phương Lê, người vợ hiện tại và cũng là người đã sát cánh cùng ông Hào trong hành trình tìm đứa con bị thất lạc, nói với nhật báo Người Việt về giây phút chứng kiến sự gặp gỡ của hai cha con, “Không thể diễn tả được. Chỉ biết là nước mắt tôi chảy xuống khi chứng kiến cuộc trùng phùng này. Tôi cảm thấy quá xúc động.”
“Tôi rất hạnh phúc khi thấy ước nguyện của chồng tôi đã thành sự thật. Ðây là điều mà anh ấy đã trăn trở và ấp ủ từ mấy mươi năm nay. Tôi mừng cho chồng tôi vì những công sức anh ấy bỏ ra đã được ơn trên nhìn thấy và đền bù xứng đáng.” Bà Phương nói thêm.
Và như vậy, mùa Lễ Tạ Ơn năm nay, có lẽ sẽ là mùa lễ đẹp nhất với gia đình ông Hào, đặc biệt là với hai cha con ông, sau 34 năm bặt tin.

––
Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com



(Ngày Nay) Cách đây một tháng, sau nhiều lần được một tờ báo điện tử mời mọc, ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm TTK Hiệp hội UNESCO Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Ngày Nay, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thế giới (WFUCA), đã đồng ý phát biểu quan điểm dưới hình thức một bài phỏng vấn liên quan đến việc Việt Nam đứng đầu trong bảng xếp hạng 7 kỳ quan thiên nhiên do NOWC tổ chức.
Bài báo có nhiều nội dung quan trọng nhưng bị coi là không phù hợp trong không khí tưng bừng thắng lợi nên đã không được sử dụng. Trước đó gần một năm, tháng 7/2007 ngay sau khi NOWC công bố danh sách 7 kỳ quan kiến trúc thế giới ông Thắng cũng đã cho đăng trên Tạp chí Ngày Nay bài viết mang tính cảnh báo về cuộc bình chọn của NOWC, đồng thời ông đã trình bày quan điểm với một số cơ quan chức năng của Chính phủ về việc này. Nhận thấy thông tin và đánh giá của ông Thắng sẽ góp phần làm rõ một số vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm, cần hiểu đúng sự việc xung quanh cuộc vận động bầu chọn hiện nay, Mái Nhà Chung xin đăng bài phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Thắng.
- Được hỏi về dư luận khác chiều đối với cuộc bình chọn 7 kỳ quan Ông Thắng cho biết:
Thời gian qua có nhiều người gọi điện đến Hiệp hội UNESCO Việt Nam đề nghị giải đáp có phải cuộc bầu chọn cho Vịnh Hạ Long có liên quan đến Liên Hợp Quốc và do UNESCO chủ trì hay không,  NOWC (New Open World Corporation) là ai, tại sao cuộc bầu chọn không có tiêu chí, mà chỉ theo luật chơi ai đông người ấy chiến thắng. Một số trường trung học hỏi liệu các cháu học sinh có được quyền bầu cho các địa danh thật sự nổi tiếng như trong sách giáo khoa dạy mà không nằm trong lãnh thổ của Việt Nam hay không…
Đứng trước những đòi hỏi chính đáng của đại chúng, chúng tôi thấy có trách nhiệm được chia sẻ một số thông tin để mọi người tham khảo khi tìm hiểu về 02 cuộc bình chọn các kỳ quan thế giới: Năm ngoái kết thúc cuộc bình chọn 7 kỳ quan văn hoá, năm nay đang diễn ra cuộc bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Thứ nhất, nhà tổ chức sự kiện này là New Open World Corporation. Bản thân tên gọi đã cho thấy đó không phải là một tổ chức quốc tế (organization) như một số cơ quan thông tấn do vô tình hoặc cố ý đã dịch sai làm cho dư luận lẫn lộn hiểu nhầm. Đó là một công ty (corporation), vả lại là công ty tư nhân.
Khác với các tổ chức và cơ chế quốc tế có uy tín, có thẩm quyền đối với các vấn đề quốc tế về văn hoá thông qua hệ thống công pháp quốc tế như UNESCO (ra đời năm 1946, hiện có 191 quốc gia thành viên), ICOMOS (Hội đồng Quốc tế về các công trình kiến trúc và thắng cảnh, thành lập từ 1964 với hệ thống trên 7.500 chuyên gia hàng đầu thế giới về các công trình văn hoá), Công ước Quốc tế về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên (ra đời năm 1972, với 185 quốc gia chính thức phê chuẩn, đến 3-2008 đã có công xếp hạng 851 kỳ quan quốc gia thành di sản mang tính toàn nhân loại, trong đó có Huế, Hạ Long, Mỹ Sơn, Phong Nha, Hội An)… thì ngược lại NOWC được thành lập khoảng năm 2000 theo sáng kiến của một cá nhân. Bản thân công ty này không công bố tôn chỉ, cũng không đưa ra được bất kỳ một tiêu chí nào về lịch sử, văn hoá hoặc khoa học nhằm định hướng cho cuộc bình chọn các kỳ quan thế giới mà họ đang chủ trì.
Thứ hai, thông qua cuộc bầu chọn với quy mô quốc tế rầm rộ này, công ty này đã và đang được hưởng lợi rất lớn từ các hoạt động thông tin và truyền thông. Do đó NOWC đã bị một bộ phận dư luận quốc tế chỉ trích và tỏ thái độ nghi ngờ về mục đích trong sáng trong việc phát động các cuộc bình chọn theo lối bỏ phiếu qua mạng và bằng điện thoai di động, là cách làm thường thấy của các công ty quảng cáo hiện nay. Trong con mắt của các công ty truyền thông thì Việt Nam với số lượng người bình chọn được huy động đống nhất thế giới như hiện nay đang trở thành một miếng mồi béo bở. Chắc chắn NOWC sẽ không bỏ cơ hội đưa ra những yêu sách bắt chẹt mang tính vụ lợi để làm tiền Việt Nam.
Thứ ba, UNESCO và Liên Hợp quốc không liên quan và không có bất kỳ động thái ủng hộ nào đối với NOWC. Ngược lại, UNESCO đã bày tỏ sự lo âu về sự khiếm khuyết tính khoa học và hiệu lực quốc tế của cuộc bình chọn này. Dư luận quốc tế cũng lo ngại rằng một tổ chức dám đưa những giá trị thiêng liêng của các quốc gia để xếp hạng mà chỉ dựa vào sự áp đảo của số đông sẽ gây bất lợi về mặt quan hệ quốc tế, thiệt thòi cho các quốc gia có dân số nhỏ bé và không có nền tin học - truyền thông phát triển. Sau khi NOWC công bố danh sách 7 kỳ quan kiến trúc vào 7-2007, ngay cả báo chí phương Tây cũng phàn nàn không ít về việc Angcor Vat bị gạt bỏ khỏi danh sách vì dân số Campuchia quá bé nhỏ và không có ngành truyền thông phát triển. Nhà báo Ai Cập Al-Sayed khuyến cáo NOWC đã trục lợi thông qua việc khích lệ tính hiếu thắng của một bộ phận dân cư thế giới thiếu cảnh giác, thúc đẩy sự ganh đua mang nặng tính hiềm tị và làm cho thế giới ngày càng chia rẽ, các dân tộc càng xa cách nhau.
- Ông nghĩ sao khi có người cho rằng: “UNESCO có tiêu chí riêng của họ” còn “phong trào bầu cho các địa danh ở Việt Nam theo chương trình NOWC là mang tính tự giác”? Theo ông, có sự khác biệt gì giữa các tiêu chí và khái niệm “Kỳ quan thế giới” của NOWC và “Di sản thế giới” của UNESCO?
Sẽ thật nực cười và bất cập nếu đem NOWC để so sánh với những tổ chức uy tín và có tính hiệu lực quốc tế như ICOMOS hoặc UNESCO. NOWC chỉ đại diện cho quyền lợi của một nhóm người rất nhỏ mượn cớ văn hoá để kiếm tiền. Điều này được minh chứng bằng việc họ không hề đả động đến các tiêu chí bình bầu (khía cạnh văn hoá và khoa học) mà chỉ quan tâm đến số lượng người tham gia bình chọn trên website của họ (khía cạnh kinh tế), tức là càng đông người tham gia thì họ thu càng nhiều lợi. Bởi vậy họ chỉ đưa ra một luật chơi duy nhất là huy động số đông để chọi lại số ít, là “lấy lớn chọi bé”, “cậy đông thắng yếu” để khích lệ thị trường.
Ngược lại, UNESCO là một tổ chức Liên chính phủ được mệnh danh là diễn đàn quốc tế về văn hoá và trí tuệ quan trọng nhất hiện nay, hoạt động không tách rời với tiếng nói, ý chí của trên 190 quốc gia thành viên, trong đó có Chính phủ Việt Nam đại diện cho quyền lợi của 80 triệu nhân dân Việt Nam. Ở một mức nào đó có thể nói UNESCO chính là chúng ta, chứ không phải là “họ”, là “ai đó”. Cho nên thật sai lầm khi có một quan chức ở Bộ Văn hoá nhận xét rằng “họ”- tức là UNESCO - “có tiêu chí riêng của họ”. Đó là sự sai lầm cả về nhận thức và tình cảm, có thể dẫn đến định hướng sai khi cổ động người dân tham gia vào cuộc bình chọn không có tiêu chí và không có lựa chọn này. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các em học sinh ở một số trường phổ thông thắc mắc và các thầy cô giáo không thể giải thích được khi yêu cầu các em chỉ được “chỉ bỏ phiếu cho Hạ Long”, “cho “Phong Nha”, cho “Phang Xi Păng”, trong khi các thày cô lại dạy các em là có những ngọn núi trên thế giới cao hơn, quan trọng hơn, vĩ đại hơn.
Ngoài ra có sự khác nhau căn bản trong các khái niệm. “Kỳ quan thế giới” không phải là khái niệm do NOWC đề xướng. Đây là một tên gọi đã xuất hiện cách đây trên 23 thế kỷ và trong suốt 23 thế kỷ qua nó luôn được mặc định là không tách rời với những công trình tiêu biểu nhất của nền văn minh cổ đại ven Địa Trung Hải. Tự cổ chí kim chưa từng có ai đi ganh tị với những kỷ niệm của quá khứ, đến mức đòi thay đổi nội dung khái niệm đó như người sáng lập ra NOWC đã làm. Bằng việc làm cố chấp và thiếu khoa học ấy chính NOWC đã đắc tội với lịch sử, đang tay xóa sổ gần hết các di tích đã có trong ý niệm từ xa xưa của loài người về một giai đoạn phát triển rực rỡ của văn hoá nhân loại ra khỏi danh sách “7 kỳ quan thế giới mới” thông qua một cuộc bình chọn không tiền khoáng hậu kết thúc vào giữa năm 2007. Trong khi đó UNESCO và Công ước Quốc tế về bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên đã đưa ra các tiêu chí mang tính phổ quát và khoa học nhất, bảo đảm lợi ích tinh thần căn bản cho mọi quốc gia trên hành tinh này. Đó là 6 tiêu chí cho các công trình văn hoá, vật thể và phi vật thể, 4 tiêu chí cho các di sản thiên nhiên, mà hễ quốc gia nào, dân tộc nào có các tài sản văn hoá và thiên nhiên đủ tiêu chuẩn thì đều được tôn vinh thành di sản mang tính toàn nhân loại, không giới hạn về số lượng. Thực chất, các di sản văn hoá và thiên nhiên chính là các kỳ quan thế giới theo khái niệm rộng. Nhưng theo tôi khái niệm “di sản” còn cao hơn khái niệm “kỳ quan” vì nó thể hiện được tính kế thừa và trách nhiệm bảo tồn. Tinh thần chỉ đạo của Công ước quốc tế về Bảo vệ di sản Văn hoá và Thiên nhiên tiến bộ là ở chỗ nó không chỉ làm nhiệm vụ tôn vinh để đem lại vẻ vang cho ai đó, dân tộc nào đó, mà trước hết nó kêu gọi trách nhiệm của chính các quốc gia sở hữu các di sản đó phải bảo vệ chúng vì lợi ích của chính mình và vì lợi ích chung của toàn nhân loại. Ngược lại, Công ước kêu gọi cộng đồng quốc tế có trách nhiệm đối với từng di sản đang hiện hữu ở mỗi quốc gia khi nó lâm nguy (như đã từng lên án việc phá bỏ bức tượng Phật đứng tại Afganistan, tài trợ cấp cứu cho Cố đô Huế mỗi khi có thiên tai…). Nhưng theo tôi, điểm ưu việt mang tính nhân văn cao của Công ước chính là ở chỗ nó không dành chỗ cho bất kỳ một ý đồ ganh đua hay tư tưởng hẹp hòi nào, dù là ganh đua về văn hoá. Với UNESCO và Công ước quốc tế về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thì các di sản của bất luận quốc gia lớn hay bé đều có giá trị ngang nhau, đáng tôn kính như nhau, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi. Đó chính là nhân lành để hướng đến một thế giới ổn định, hoà bình và phát triển.
- Như vậy, theo ông cuộc chơi này có đủ tầm cỡ để chúng ta tham gia?
Điều này thuộc thẩm quyền phán quyết của các nhà quản lý và các cơ quan có trách nhiệm. Nhưng với tư cách là một công dân, từ đáy lòng tôi thấy bất an trước việc chúng ta đã huy động thái quá sự cố gắng của nhân dân vào một cuộc chạy đua rất tốn kém về tiền của và thời gian nhưng lại không rõ ràng về tiêu chí này. Lợi ích quốc gia là cao cả, là tối thượng và cũng vì lợi ích quốc gia mà chúng ta cần phải hết sức thận trọng chọn bạn mà chơi và chọn sân chơi để thể hiện tầm vóc quốc gia. Đó là nguyên tắc căn bản, bất di bất dịch trong quan hệ quốc tế. Tôi xin mạnh dạn nhận xét rằng: Khẩu hiểu ”Bầu cho Hạ Long là yêu nước” có thể đúng và có ý nghĩa trong một bối cảnh khác chứ không phải trong cuộc chạy đua do một tổ chức tư nhân như NOWC thao túng. Lòng yêu nước của nhân ta vô cùng thiêng liêng, non sông của chúng ta cùng với các di sản văn hoá do cha ông ta để lại là báu vật vô giá, là phước thiêng của dân tộc, không phải là của riêng của địa phương nào, bộ ngành nào. Vì vậy việc huy động tất cả những thứ thiêng liêng ấy cho một cuộc chạy đua không rõ tiêu chí, không rõ ràng về hiệu lực thi hành là một điều cần được mạnh dạn xem xét đánh giá lại. Như vậy mới thực sự là yêu nước, là có ý thức tự tôn dân tộc, là có trách nhiệm đối với nhân dân và Tổ quốc.
- Ông nghĩ thế nào trước một số ý kiến cho rằng nếu các địa danh của Việt Nam được bình bầu là kỳ quan thế giới thì du lịch của Viêt Nam sẽ phát triển?
Đó chỉ là cái lợi bề nổi trước mắt. Nhưng ai dám bảo đảm với Nhà nước, với nhân dân rằng thành quả đạt được từ cuộc chạy đua tốn nhiều công của và thời gian này sẽ đem lại vinh quang cho đất nước và làm cho du lịch Việt Nam chuyển vận? Ai dám chứng minh và dám chịu trách nhiệm về điều này? Chỉ có danh tiếng không làm nên kỳ tích, nhất là đối với ngành du lịch. Nếu môi trường Hạ Long ngày càng ô nhiễm như đà hiện nay, cảnh quan ngày càng bị lạm dụng khai thác bừa bãi, ngành du lịch không cải tiến nội dung và chất lượng dịch vụ thì dù chúng ta có giành được bao nhiêu danh hiệu cao quý thì tình hình cũng khó thay đổi, thậm chí là càng phản tác dụng. Nhân đây cũng xin nói thêm, Du lịch là một ngành kinh tế kinh doanh dựa trên việc khai thác tài nguyên văn hoá của đất nước, còn Văn hoá là cả một sự nghiệp toàn dân nhằm bảo tồn gìn giữ các giá trị cao quý mang tính kế thừa. Hai quá trình này tuy hậu thuẫn nhau nhưng ngược chiều, nếu văn hoá mất đi là vĩnh viễn không thể lấy lại được. Điều này không phải là chúng tôi nói mà là UNESCO nói, thế giới nói, đã được khuyến cáo nhiều trong Thập kỷ Quốc tế phát triển văn hoá do Liên Hợp quốc phát động cách đây 20 năm. Những bài học cay đắng của Indonesia vì quá ưu tiên cho du lịch đã để mất đi văn hoá Bali mà nếu phải huy động một khối lượng tiền bằng cả trăm lần doanh thu do du lịch đem lại trong mười năm tàn phá Bali thì có mất cả một thế kỷ để khắc phục cũng chưa chắc lấy lại được những gì Bali đã mất. Thái Lan cũng vậy, họ đang vô cùng khó khăn khi cố đô Authaya nguy nga tráng lệ 600 tuổi của họ vốn được xếp hạng Di sản văn hoá thế giới từ rất sớm, hiện đang có nguy cơ bị UNESCO đưa ra khỏi danh sách di sản thế giới. Các bạn Thái Lan đang phải đau đầu lựa chọn: Tiếp tục khai thác cạn kiệt Authaya cho du lịch hay gìn giữ Authaya cho các thế hệ mai sau. Chúng ta đang chứng kiến việc danh thắng của một số quốc gia đã và đang bị đưa ra khỏi danh mục các di sản của thế giới, mà đáng tiếc nguyên nhận chủ yếu đều do các hoạt động hoạch định phục vụ các mục tiêu kinh tế tại các quốc gia đó đã phương hại đến giá trị căn bản của các công trình văn hoá và thiên nhiên của chính quốc gia mình.
- Như vậy là có quá nhiều mâu thuẫn mà chúng ta chưa tính đến khi lao vào cuộc chạy đua này. Vậy theo ông thì ai sẽ được lợi nhất trong cuộc bình chọn này?
Xét cái lợi ở tầm quốc tế, người có lợi nhất là Công ty NOWC. Còn trong nước, không còn nghi ngờ gì nữa, đắc lợi nhất chính là các công ty PR ăn theo NOWC: Các nhà kinh doanh truyền thông và tổ chức các sự kiện. Tham mưu để tạo nên các sự kiện càng ồn ào, chi phí càng tốn kém thì họ càng được hưởng lợi.
- Gần đây được tin cả ba danh thắng của Vệt Nam là Vịnh Hạ Long, động Phong Nha và đỉnh Phan Xi Păng đều chiếm vị trí cao nhất trong bảng danh sách xếp hạng của các kỳ quan thế giới, chúng tôi đã liên hệ tham khảo nhận xét của Văn phòng đại diện của UNESCO tại Hà Nội, nhưng họ đã từ chối bình luận về kết quả trên. Ông có thể giải thích vì sao Việt Nam lại đạt kết quả cao như vậy? Theo ông, có thể coi đây là kết quả đáng tự hào?
Tôi không có đủ thẩm quyền để đánh giá việc này. Nhưng chúng tôi đã thử thăm dò thông tin tại một số hội nghị quốc tế trong thời gian gần đây, tra cứu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, thấy chính phủ các nước không cấm và cũng không khuyến khích sự tham gia của nhân dân vào cuộc bình chọn trên mạng này. Họ chỉ coi đó chỉ là cuộc chơi tự phát của cư dân mạng. Tuy nhiên, tôi thực sự lúng túng trước một viễn cảnh mà theo logic như hiện nay rất có thể xảy ra, là trong số 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới được bình chọn thì mai đây 3/7 kỳ quan này sẽ nằm tại Việt Nam (nếu vẫn như kết quả hiện nay). Điều đó đồng nghĩa với việc đỉnh Phan Xi Păng của Việt Nam sẽ đứng trên đỉnh Evrest cao 8,848 mét vốn xưa nay được mệnh danh đỉnh núi Thiêng và nóc nhà của thế giới, đứng trên ngọn Phú sĩ mà cả thế giới ca ngợi bốn mùa tuyết phủ của Nhật Bản, hơn cả đỉnh Aconcagua 6,962m của dãy Andes - Cổng trời của châu Mỹ… Điều này nói lên cái gì? Việc Việt Nam đang giành vị trí thứ nhất, thứ hai và thứ ba là hồi chuông, nhưng không phải để ăn mừng mà báo động rằng chúng ta đang hào hứng thi đấu bằng tổng lực trong một sân chơi vắng vẻ.
- Xin cảm ơn về những ý kiến thẳng thắn và bổ ích của Ông.
Một số hình ảnh di sản tiêu biểu:

th_01-parthenon
Đền thờ Pathenon trong quần thể Ancropolis tại Athen, Hi Lạp - một trong những công trình kiến trúc bậc nhất thế giới, được đánh giá là tiêu biều nhất cho nền văn hoá cổ đại còn sót lại, là một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại, được chọn làm biểu tượng cho tổ chức UNESCO, năm 2007 đã bị cuộc bình chọn do NOWP tổ chức gạt ra khỏi danh sách 7 kỳ quan thế giới.

th_anh_03
Các công trình kiến trúc tại cố đô Authaya của Thái Lan (t.k 13-t.k 18) đang có nguy cơ bị đưa ra khỏi danh sách các di sản thế giới (chụp 11-2007).

th_anh_04
Đỉnh Everest cao 8.848 mét được coi là đỉnh núi Thiêng và là nóc nhà của thế giới.

th_anh_06
Một đỉnh núi trên dãy Andes - Cổng Trời của Châu Mỹ.

th_anh_09
Ngọn Phú Sĩ - niềm tự hào của đất nước hoa anh đào


Nhà báo Ngô Văn Quán - Tạp chí Ngày Nay (thực hiện)



DIMANCHE 30 OCTOBRE 2011


Những giờ phút cuối cùng của Kadhafi


(Thụy My Dịch từ Paris Match)

Chỉ đến lúc những cơn mưa đạn trút xối xả lên các bức tường nhà, Kadhafi mới quyết định chạy trốn. Đến phút chót, ông vẫn còn muốn kháng cự. Trong « Khu số 2 » nằm ở trung tâm thành phố Syrte điêu tàn vì bom đạn, gần như không còn thức ăn và rất ít nước uống, trong nhiều tuần vị lãnh chúa thất thế vẫn tin là có thể tổ chức phản công. Nhưng giờ đây quân nổi dậy đã tiến sát bên. Phe Kadhafi chỉ còn lại có ba dãy nhà, và sống trong nỗi ám ảnh bị NATO không kích.

Được Moatassem - người con trai hăng hái nhất của Kadhafi - chỉ huy, họ chỉ còn lại chừng hơn trăm người, hợp nên vòng cố thủ cuối cùng. Đóng rải rác trong những đống đổ nát, núp trên mái những ngôi nhà còn đứng vững, họ là vòng đai bảo vệ trung thành cuối, chống lại  cơn say trả thù của người Libya.

Tối thứ Tư, Moatassem cho chất lên các xe tải nhẹ vũ khí và xăng nhớt để cố phá vòng vây. Mỗi chiếc xe được cho đậu trong sân hay giấu trong các đống gạch vụn. Sáng sớm thứ Năm 20/10, đoàn xe khoảng 40 chiếc bắt đầu chạy trốn. Trang bị vũ khí đến tận răng, các chiến binh hy vọng sẽ lách qua được các phòng tuyến, trong lúc quân nổi dậy còn say ngủ.

Mansour Daw, cánh tay phải của nhà độc tài và là một trong những người hiếm hoi còn sống sót trong đoàn xe, cho biết :« Chiếc xe mà tôi cùng với ông Kadhafi leo lên chạy ở phía cuối của đoàn xe. Chiếc Toyota Land Cruiser này không có gì đặc biệt, ngoài lớp vỏ chống đạn nhẹ ». Gần như là không phải nổ súng, đoàn xe thoát được ra khỏi khu trung tâm thành phố.

Nhưng nếu những tuyến đầu tiên của quân nổi dậy - mệt mỏi sau nhiều tuần lễ chiến đấu - không trông thấy, thì một chiếc máy bay không người lái của Mỹ đã phát hiện được đoàn xe đang chạy trốn. Đoàn người hy vọng đến được ngôi làng quê hương của Kadhafi, mà theo truyền tụng, thì ông đã sinh ra trong một căn lều của người Bédouin, ở rìa sa mạc, cách đây 69 năm. 

Tuy nhiên, tại vùng ngoại ô Syrte, chiếc máy bay không người lái Predator đã bắn một hỏa tiễn xuống, trúng vào ba chiếc xe trong đoàn. NATO chưa biết đây là đoàn xe của Kadhafi, và hỏa tiễn không rơi trúng xe ông ta. Nhưng sức ép đã làm bung các túi khí trong xe, và Mansour Daw bị dính đạn trái phá.

Không phải vì số người chết quá nhiều mà đoàn xe dừng lại – họ để lại phía sau hàng dãy xác chết, mà là báo động đã lan đi. Lúc này là 9 giờ sáng, quân nổi dậy đã thức giấc. Xui xẻo hơn nữa, đoàn xe của Kadhafi đã chọn con đường phía tây, hy vọng đến được sa mạc để phóng thẳng về phía nam, chỗ các bộ lạc Touareg. 

Nhưng mặt trận phía tây do quân nổi dậy từ Misrata trấn giữ. Đây là thành phố duyên hải đã bị quân Kadhafi tấn công trong nhiều tháng liền. Những người sống sót trở thành các chiến binh hăng máu nhất trong phe nổi dậy. Chính họ đã làm đảo lộn tình thế cuộc chiến ở Tripoli, khiến Kadhafi phải chạy ra khỏi thủ đô hồi tháng 8. Thay cho tên gọi « Thành phố tử đạo », họ thích gọi là « Misrata : cơ xưởng làm nên những người đàn ông ».

Cũng tại Misrata, người chỉ huy cao cấp của phe nổi dậy đang giữ Mansour Daw ở một địa điểm bí mật được canh gác cẩn thận, để tránh bị đám đông hành quyết như Moatassem. Bị bắt sống hôm thứ Năm, nay xác Moatassem đang nằm cạnh người cha. Một trong các chỉ huy mà chúng tôi đã tiếp xúc hồi tháng 4 trong lúc Misrata còn đang bị bao vây, đã chấp nhận cho chúng tôi gặp Mansour. 

Vốn là thủ lãnh đội cận vệ trong nhiều năm, được xem là nhân vật số ba của chế độ Tripoli, Mansour Daw là một trong những người từng gieo rắc kinh hoàng. Những người chỉ huy phe nổi dậy khi nói chuyện với ông ta vẫn còn một chút e dè, một ít tôn trọng đối với một kẻ thù đã không chịu bỏ cuộc. Sau bấy nhiêu căm ghét, nay họ chăm sóc ông già và đảm bảo rằng ông sẽ được xét xử công tâm.

Người trợ thủ trung thành kể lại những mẩu chuyện về những tuần lễ cuối cùng của vị bạo chúa. Mansour nói : « Người ta nói tôi đã chạy sang Niger sau khi Tripoli thất thủ, điều đó là sai. Tôi luôn luôn ở bên cạnh ông Kadhafi ». Ngược với những điều được đồn đãi, cả nhóm không còn tiền mặt lẫn vàng thỏi. Mansour khẳng định : « Chúng tôi đã rời Tripoli vội vã cho đến nỗi chỉ kịp mang theo những gì mang được mà thôi ».

Rút về Beni Oulid, cách thủ đô 170 km về phía nam, Kadhafi đã chào vĩnh biệt gia đình vào cuối tháng 8. Một đoàn xe đã đưa vợ, con gái của ông, và hai người con trai khác không cần thiết cho cuộc chiến đấu, lẻn đi về phương nam để đến biên giới Algérie. Saïf al-Islam, người con trai đóng vai trò quan trọng nhất, vẫn ở lại để cố tổ chức phản công. Còn Kadhafi đi thẳng về Syrte, được Moatassem và đám vệ binh hộ tống.« Đã nhiều tháng qua, chúng tôi nói ông nên từ chức và rời Libya. Nhưng không một giây phút nào ông muốn ra đi ».

Trốn trong những căn nhà bình thường ở Syrte « vì không còn có bunker nào », nhóm Kadhafi không có được tin tức nào từ bên ngoài. Quân của Moatassem tổ chức đánh trả ở khu vực chung quanh, nhưng không bao giờ đến gần Kadhafi.« Tuy chúng tôi có một chiếc điện thoại vệ tinh thật đấy, nhưng không mở máy để người Mỹ không dò ra được ».

Trong ngôi nhà cuối cùng, chỉ còn khoảng hơn chục người xung quanh vị lãnh tụ. Khi người đầu bếp bị thương vì đạn rốc-kết, họ thay phiên nhau nấu nướng : cơm và mì được chia thành khẩu phần dè sẻn. Thực phẩm cạn đi nhanh chóng.« Ông Kadhafi vẫn là lãnh tụ, nhưng trong nhà thì chúng tôi đều bình đẳng » - Mansour kể rằng cuối cùng cả nhóm chỉ còn chia nhau bánh mì và nước có pha đường. « Lãnh tụ đọc kinh Coran, và hầu như không còn nói gì nữa ».

Trong nhiều tuần lễ, Kadhafi vẫn tin rằng có thể huy động được những người trong bộ lạc của mình là Kadhafa, và lại nắm quyền được. Tại Syrte, họ có khoảng 400 người, kiểm soát khu trung tâm. Nhưng mỗi ngày lại có một số tử thương. Mỗi đêm, hai hoặc ba người bỏ trốn. Mansour nhớ lại :« Những người Kadhafa đã bỏ rơi chúng tôi. Họ dùng xe hơi trốn đi với các phụ nữ, giả dạng làm thường dân ».

Chỉ đến đầu tháng 10, khi quân nổi dậy tràn đến được vào khu trung tâm Syrte, thì Kadhafi mới ý thức được là thất bại sắp đến. Thế là hết, và từ đó ông chờ đợi tử thần ! Nhưng Moatassem từ chối xuôi tay chịu chết. Chính anh ta hôm thứ Năm đã thuyết phục cha leo lên chiếc xe cuối cùng. Giữa tiếng súng càng lúc càng dày đặc, sau khi bị chiếc máy bay bắn vào, đoàn xe chạy được vài trăm mét nữa. Cả đoàn ngoặt về phía đường lớn, băng qua một cánh đồng đầy cát.

Gần như là đã ra khỏi Syrte, tại vùng ngoại ô Mazrat Zafaran cách trung tâm 5 km, họ đụng nhằm cứ điểm của Khatibat Nimr, « Biệt đội Hổ». Đây là một trong những đơn vị thiện chiến nhất của Misrata, và « đội quân Hổ » đã chặn đoàn xe lại dưới một làn mưa đạn. Cả đoàn xe bèn quây lại thành một vòng tròn để bảo vệ cho thủ lãnh. 

Cuộc chiến đấu vô cùng dữ dội, kéo dài cho đến trưa. Những hàng cây khuynh diệp quanh đó đều bị xén đứt ngang. Phe nổi dậy gần hết đạn, phải cầu viện đến một đội khác là Khatibat al-Khirane, gồm các tân binh đến từ một ngôi làng nghèo khó của Misrata. Trang bị thiếu thốn, gần như không có đồng phục, đơn vị thứ hai này có nhiệm vụ bao vây và sau đó lùng sục trong khu vực.

Khi những chiếc phi cơ phản lực Pháp thuộc lực lượng NATO bay đến can thiệp, lúc đó là gần 11 giờ sáng. Mansour Daw kể : « Họ đã thả xuống hai quả bom vào ngay giữa đoàn của chúng tôi. Đúng là một cuộc thảm sát !». Nằm trên một tấm nệm bẩn thỉu, trong một ngôi nhà ở Misrata được dùng làm nhà giam, người tay chân trung thành nhất trong số những người trung thành với Kadhafi, có khuôn mặt sưng phù vì đạn trái phá, và nhiều miểng nhỏ ở lưng và cánh tay. Ông ta giải thích : « Do các xe đều chở đầy xăng và đạn dược, nên tất cả đều bốc cháy ».

Tại Mazrat Zafaran, có thể trông thấy một chiếc hố rộng như miệng núi lửa trên nền cát, do một hỏa tiễn Pháp gây ra. Khoảng hai chục xác xe cháy đen, lật ngửa, nằm chồng chất xung quanh. Vẫn còn những xác người trong một số chiếc xe, bị cháy đen trong các tư thế kinh hoàng, khi họ toan chạy trốn. Một người bị đứt rời một chân, đã để lại một vệt máu dài, khi nhảy ra khỏi vùng lửa đỏ và các két đạn sắp nổ. Anh ta ngã quỵ cách đó vài mét, đôi mắt giương to đau đớn.

Ở phía trung tâm, quân nổi dậy đã thu nhặt 40 xác, cho vào các bao vải dù lớn màu trắng. Mặc cho mùi hôi thối và những đàn ruồi, Ali el-Ozli, một chiến binh người Benghazi, lần lượt mở từng bao để nhìn từng khuôn mặt đã bị giòi bâu. Anh nói :« Tôi làm việc này không phải để giải trí, mà để tìm người anh họ. Anh ấy là bác sĩ, phe Kadhafi đã bắt theo làm bia đỡ đạn khi rút lui ».

Bị thương ở đầu sau vụ nổ, Kadhafi chảy máu nhiều. Ông vẫn còn đứng được nhưng không chạy nổi. Người con trai Moatassem và những người còn lành lặn bỏ rơi ông để lo chạy trốn, bị « Biệt đội Hổ » đuổi theo sát nút. Mansour Daw ở lại với chủ. « Tôi đỡ lấy vai ông, chúng tôi cố đi bộ qua những hàng cây ». Xung quanh nhà cựu độc tài, chỉ còn lại có Abou Bakr Younis Jabr – người chỉ huy đội bảo vệ an ninh cho ông, và một nhúm cận vệ.

Đi được khoảng 140 bước về hướng bắc, họ đến gần một con đường rộng chạy lên cao. « Trông thấy những người phe nổi dậy vừa tiến gần vừa bắn, tôi bèn đẩy ông Kadhafi vào trong đường ống để trú ẩn ». Thật ra đây là hai ống thoát nước lớn chạy xuyên qua dưới mặt đường. Bakr Younis Jabr chui vào ống bên trái, Mansour và Kadhafi đường ống bên phải. « Nhưng hai người cùng vào thì quá chật, nên tôi đành quay lại trong khi ông Kadhafi lom khom bò đến phía đầu đường ống bên kia ».

Sau bốn mươi hai năm nắm giữ quyền hành tuyệt đối, nay thì nhà độc tài Libya hoàn toàn cô độc. Bò bốn chân như một con chuột trong ống cống, mà mới cách đây vài tháng ông còn dọa sẽ tống quân nổi dậy vào đấy. Trên mặt đường, những chiến binh của toán quân thứ hai, Khatibat al-Khirane, tiếp tục trừ khử những người còn lại của phe Kadhafi.

Omar Shebani, 37 tuổi, chỉ huy toán quân nổi dậy này – vốn là kỹ sư dầu hỏa – kể lại : « Lúc đó đạn nổ rất dữ ». Các cận vệ của Kadhafi mặc đồ dân sự, và Omar không biết mặt họ.« Một trong số những người này treo chiếc khăn choàng đầu lên khẩu kalachnikov để đầu hàng. Nhưng khi chúng tôi đến gần, thì những người khác đã bắn hạ anh ta và bắn vào chúng tôi »

Sau vài phút, một trong số các kẻ thù cũng giao nộp vũ khí. Để cứu mạng mình, anh ta chọn lựa sự phản bội. « Anh ta nói với chúng tôi : Saïdi, Saïdi (thưa các ngài), ông ấy ở trong đường cống ». Lúc ấy Omar vẫn chưa hiểu, nghĩ chắc đây là một sĩ quan của Kadhafi. « Trong một trận đánh như thế, chúng tôi không thể kiểm tra được hết mọi thứ. Nhưng tôi đã quyết định gởi một toán lính đến để xem xét dưới ấy có gì ».


Sáu chiến binh tiến gần đầu bên kia đường ống. Nabil Darwish, 24 tuổi, thợ cơ khí trong đời thường, kể lại: “Thành thật mà nói, lúc ấy tôi sợ gần chết ! ». Khi đến sát đường ống bên trái, họ bị Bakr Younis Jabr vãi đạn ra như mưa, và sau đó đã bắn hạ hắn ta. Omrane Shaabane, sinh viên ngành điện 21 tuổi, cho biết : « Tiếp theo, tôi thấy có ai đó trong đường ống bên phải nhưng không thấy đạn bắn, nên tôi đến xem ».

Ahmed Ghazal, 21 tuổi, trước đây chuyên bán món thịt nướng kể tiếp : « Chúng tôi nghe tiếng la : Đó là Muammar, đó là Muammar ! Tôi không tin!». Trong lúc tranh sáng tranh tối, Omrane Shaabane ngay lập tức tước lấy khẩu súng mà Kadhafi đang cầm bằng tay phải, nhưng không nổ bắn. “Tôi nắm lấy cổ áo ông ta lôi ra ngoài”. Khẩu súng nhỏ hiệu Smith & Wesson của Kadhafi - một khẩu súng lục Magnum 357 - vẫn còn ba viên đạn trong ổ.

Lúc đã đưa ra bên ngoài, toán quân vẫn còn hoang mang, khám xét người tù mới. Nay thì tại trụ sở ở Misrata, họ trưng ra những gì đã lục soát lấy được: một khẩu Browning bằng vàng chạm trổ tinh xảo vốn được Kadhafi đeo bên hông, một khẩu kalachnikov, một khẩu súng trường FN Fal tìm thấy trong đường cống, và chiếc giày bốt ngắn mang bên chân trái của nhà độc tài. Cũng như Mansour Daw, họ cho biết lúc đó Kadhafi chỉ có một vết thương nặng nhất ở thái dương trái do mảnh đạn mà thôi. Mohamed Lahwek, đội trưởng của toán sáu người lính trên, nhớ lại: “Ông ta chảy máu nhiều, và có vẻ không được tỉnh táo lắm”. Toán lính kéo Kadhafi đến chiếc xe để đưa đi nơi khác.

Nếu các đoạn video quay bằng điện thoại di động nhanh chóng được đưa lên internet sau đó cho thấy những cảnh hành hạ Kadhafi, Mohamed Lahwek và những người còn lại khẳng định không phải do họ. Xem hình, có thể đoán là Kadhafi van nài xin tha. Nhưng cả sáu người cùng khẳng định, những lời nói rõ ràng nhất của ông Kadhafi khi bị bắt, được nói ra lúc vừa ra khỏi đường ống. Omrane Shaabane kể: “Ông ta chớp mắt và nhìn chúng tôi, với vẻ rất bối rối và chỉ nói: “Kheir, kheir. Chenou fi? Những lời nói cuối cùng này của nhà độc tài có nghĩa : “Nào, thôi mà, các anh muốn gì ở tôi?”

Đoạn tiếp theo khá nhập nhằng. Viên chỉ huy Omar Shebani khẳng định: “Đến lúc đó thì hầu như không có phát đạn nào nữa”. Cho dù chính quyền Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp sau đó tuyên bố nhà cựu độc tài đã chết vì đạn lạc trong những giây phút cuối cùng của trận chiến. Mohamed Lahwek - mà trong nhiều đoạn video cho thấy đã cố bảo vệ Muammar Kadhafi trước đám đông phẫn nộ - cho biết Kadhafi vẫn còn nửa tỉnh nửa mê khi được đưa lên xe. Cả Lahwek lẫn những người lính của anh đều không muốn giải thích về hai viên đạn đã găm vào lá phổi bên phải của nhà cựu độc tài.

Với cái nhìn có đôi chút tránh né, họ khẳng định không nhớ gì về những cú đấm, cú đá trút xuống người Kadhafi, trong một băng video được lén lút chuyền tay ở Misrata. Không nhớ những bàn tay kéo từng chùm tóc trên đầu tóc đẫm máu của nhà cựu độc tài đang trong tư thế quỳ, hộc ra từng búng máu. Hoặc về một chiến binh nổi dậy trẻ tuổi, trong một băng video khác đã khẳng định mình đã nhắm bắn thẳng vào Kadhafi. Mohamed Lahweh, vốn đã chuyển giao Kadhafi vẫn còn sống cho chiếc xe cấp cứu đầu tiên, giải thích: “Cần phải hiểu rằng, đã bốn mươi hai năm qua, ông ta xử sự còn tệ hại hơn cả quỷ sứ. Đối với chúng tôi, ông ta không còn  là con người nữa”.

Khoảng 12g30, gần lối ra khỏi Syrte, Holly Pickett, nữ phóng viên ảnh tự do người Mỹ, trông thấy một chiếc xe cứu thương ken đặc người chạy qua. Cô cho biết: “Quân nổi dậy chen chúc bên trong xe, một số ngồi lên người Kadhafi. Họ nói rằng ông ta đã chết, nhưng tôi không thể kiểm chứng được”.Cô thấy chiếc xe dừng lại trước bệnh viện công gần nhất. Thay vì đưa Kadhafi ra khỏi xe, các nhân viên cứu thương phe nổi dậy lại lái xe diễu vòng vòng trong sân, rồi lại chạy đến bệnh viện thứ hai, cách đó đến 50 km, trên đường đến Misrata.

Họ dừng lại ở bìa thành phố duyên hải này, trước ngôi chợ rộng lớn của Souk al-Arab. Nơi đây, xác của Kadhafi được đặt trong một kho lạnh chứa thịt gia súc. Hàng trăm người Libyaxếp hàng để diễu qua xem cái xác đã vàng ệch. Ông Kadhafi được đặt trên một tấm nệm, thân trên để trần, đầy những đường rạch và vết bầm tím, bên cạnh là xác của người con trai Moatassem và thủ lĩnh cận vệ của ông, Abou Bakr, hai cái xác này trông còn thê thảm hơn.

CNT khẳng định muốn giao trả xác của nhà cựu độc tài cho gia đình, nhưng hầu như mọi người đều nghĩ là ông ta sẽ bị đem chôn vội vã trong sa mạc. Chủ nhật, chính quyền lâm thời chính thức tuyên bố Libya hoàn toàn giải phóng, và tốt nhất là cái xác của Kadhafi nên biến đi…

Trước đường ống cống nơi nhà cựu độc tài đã sống qua những giây phút cuối cùng, những chiến binh quân nổi dậy vội chen chúc đến chụp ảnh kỷ niệm. Ahmed Amari, một cậu thợ hớt tóc trẻ tuổi quê ở Benghazi, đứng tạo dáng trước đường ống, một tay cầm khẩu kalachnikov, tay kia cầm điện thoại di động, trong khi các bạn anh quay phim. Ahmed nhắn nhủ với Bachar el-Assad - Tổng thống Syria - từ nhiều tháng qua cũng đã nhấn chìm làn sóng nổi dậy tại nước mình trong biển máu.“Hãy nhìn cái lỗ cống này, ông Bachar: đó là nơi chốn tận cùng của các nhà độc tài. Và người sắp tới chính là ông đó!”.


Nguồn http://thuymyrfi.blogspot.com/2011/10/nhung-gio-phut-cuoi-cung-cua-kadhafi.html


Người Hán không dạy cho trẻ con xứ họ về lịch sử thăng trầm khi giao thiệp với nước Việt? Mỗi thế hệ họ cần một bài học chăng?

RỐT CUỘC THÌ TRUNG QUỐC MUỐN LÀM GÌ Ở NAM HẢI?

Posted by basamnews on 26/10/2011
Đôi lời: Lại thêm một bài báo nữa từ giới quân đội Trung Quốc đưa ra kế hoạch đánh Việt Nam và các nước trong khu vực. Trong khi Việt Nam – Trung Quốc còn có “tình hữu nghị”, với phương châm “16 chữ vàng” và “4 tốt”, và nhất là mới mười ngày trước, hai nước vừa ký tuyên bố chung trong chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng, rằng “giữ gìn đại cục quan hệ hữu nghị hai nước, làm cho tình hữu nghị Việt-Trung được kế thừa và phát huy rạng rỡ”, thế mà sau đó, Trung Quốc liên tục đe dọa tấn công Việt Nam. Không hiểu khi hai nước không phải là bạn bè, hữu nghị thì sẽ ra sao?
——–

RỐT CUỘC THÌ TRUNG QUỐC MUỐN LÀM GÌ Ở NAM HẢI?

25-10-2011
Lời nói đầu: Tư duy chiến lược của tác giả chỉ rõ, Nam Hải (tức Biển Đông: ND) hiện đang trở nên náo động và rối ren, Philippines, Việt Nam náo động tới mức lay động cả sông núi, Mỹ thì đổ thêm dầu vào lửa, còn Nhật Bản và Ấn Độ mê muội, bất chấp tất cả để đâm đầu vào Nam Hải mà quấy rối. Nam Hải ở vào thế nguy cấp, nhưng Trung Quốc không hiểu sao ngoài việc kêu lên dăm ba câu ra, còn hầu như chỉ to mồm hô khẩu hiệu đánh động mà chẳng có hành động đáng kể nào. Lúc này, những fan hâm mộ của trang mạng Quân sự võng cảm thấy đôi chút hoang mang và bối rối, Mỹ cũng tỏ ra hết sức hoang mang và bối rối. Bạn thấy đấy, các nhà lãnh đạo cừ khôi về chính trị, quân sự các cấp của Mỹ dường như đều lần lượt xếp hàng đến Trung Quốc…  
I.  Điều làm cho người ta cảm thấy rối ren là Trung Quốc hoàn toàn có năng lực để trực tiếp tiêu diệt Việt Nam khiêu khích, song Trung Quốc sẽ không làm như vậy! Vì sao? 
Từ Bản đồ 1 có thể thấy:  Nếu Việt Nam khiêu khích Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ từ Vân Nam qua Lào thiết lập các căn cứ quân sự một cách nhanh chóng và cơ động, sẽ quây chặt Việt Nam bằng các vùng Lào, Vân Nam, Quảng Tây, Nam Hải… sẽ tấn công toàn Việt Nam trong vòng 3 giờ đồng hồ, sẽ chiếm lĩnh toàn bộ trong vòng 24 giờ đồng hồ không cần phải thêm một lời nào! Việt Nam là đội quân hạng ba, bất kể hắn ta có mua về bao nhiêu tên lửa, tàu ngầm, tàu chiến đi nữa thì cũng chẳng để làm gì. Vì sao? Bởi vì tên lửa dù là loại phóng trên không, dưới tàu ngầm, từ các căn cứ trên bộ hay dưới đáy biển thì các người cũng đều phải dựa vào sự định vị bằng vệ tinh quân sự và ra-đa khống chế hỏa lực, mà Việt Nam chủ yếu phải dựa vào các mạng lưới hệ thống đạn đạo của Nga và Mỹ, một khi đã khai chiến với Trung Quốc, thì Mỹ và Nga sẽ phải cân nhắc về phương diện chiến lược, để xem có nên mở các mạng lưới quân sự tới chi viện hay không? Xác suất cực nhỏ. Cũng giống như Gaddafi mua về một lượng lớn tên lửa đạn đạo rồi thì để làm gì? Bởi nếu Mỹ và Nga không mở các mạng lưới vệ tinh quân sự, thì hắn ta sẽ chẳng có cách gì để định vị, mà chỉ có thể bắn bừa.                    
Tư duy chiến lược của tác giả chỉ rõ: Cho nên, bán cho các người thiết bị quân sự và các thiết bị vũ khí là một chuyện, còn có đồng ý cho các người sử dụng thực sự trong thời chiến hay không lại là chuyện khác. Ngay cả có đồng ý cho các người sử dụng đi nữa, Trung Quốc cũng đã thuộc nằm lòng các thiết bị Nga, chúng ta cũng hoàn toàn có thể từ trong vòng vây hủy diệt tất cả mọi mạng lưới quân sự và mạng lưới dân dụng của Việt Nam bằng môi trường điện từ được chế tạo cho chiến tranh tin học. Việt Nam đã rõ kết cục sẽ là:
1)  Vây mà không đánh, tạo ra bầu không khí chiến tranh, đợi cho quân Mỹ dính líu vào, mượn bàn tay Mỹ dùng biện pháp dân chủ để chia Việt Nam làm hai, hình thành nên Nam Việt Nam và quốc gia dân chủ Bắc Việt Nam, chia lãi cổ tức với Mỹ chính là các đảo ở Nam Hải đã được thu về Trung Quốc, nếu Mỹ không chấp thuận, sẽ để một mình phía Trung Quốc giải quyết toàn bộ.
2)  Trực tiếp tấn công và đẩy chính quyền Việt Nam hiện thời ra khỏi chính quyền thân Trung Quốc mới được hợp thành, sau đó rút quân.
3)  Cũng tấn công, phân chia thành Nam Việt Nam và Bắc Việt Nam theo kiểu Mỹ, chia chính quyền thân Trung Quốc làm hai, biến Việt Nam từ lớn thành nhỏ để cai trị.
II.  Điều làm cho người ta cảm thấy rối ren là Trung Quốc hoàn toàn có khả năng để trực tiếp tiêu diệt Philippines khiêu khích, song Trung Quốc sẽ không làm như vậy! Vì sao?
Từ bản đồ 2 có thể thấy: Thế giới cũng không hề đánh giá thấp năng lực ngoại giao quân sự trong lĩnh vực quân sự của Trung Quốc! Thực tế Mỹ cũng thừa biết rằng, cái thứ chiến lược “phá vỡ” các chuỗi đảo ở châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ kinh doanh, trước sự chống trả quân sự của Trung Quốc lớn mạnh, Liên minh quân sự về cơ bản là một đám đông pha tạp, các nước đồng minh lòng đầy mưu đồ, nước nào cũng đi từ xem xét thị trường kinh tế của Trung Quốc để tính toán cho mình và dựa vào thế lực của Mỹ để mưu chiếm lợi ích riêng cho mình. Thực tế, phía quân đội Hàn Quốc đã ngầm chủ động thú nhận với Trung Quốc:  Nếu như Trung Quốc có thể giúp Hàn Quốc sắp đặt với Triều Tiên để không nổ ra chiến tranh với Hàn Quốc, thì một khi Trung Quốc nổ ra chiến tranh với Nhật Bản, mà nếu như Trung Quốc cũng muốn tấn công Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tình nguyện hiệp trợ Trung Quốc, một mặt khống chế các căn cứ Mỹ cùng quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, mặt khác có thể cung cấp cho Trung Quốc các căn cứ công trình quân sự trọng yếu như cảng quân sự và sân bay quân sự…, quân đội và dân chúng Hàn Quốc kiên quyết đứng về phía cùng tiêu diệt Nhật Bản cũng là đế quốc. Người viết nêu rõ: Thực tế quân đội Hàn Quốc biết rất rõ rằng nếu không làm như vậy, có nghĩa là nghe theo Mỹ để tuyên chiến với Trung Quốc! Và Trung Quốc cũng có thể đem theo cả Triều Tiên để trực tiếp tấn công vào. Hàn Quốc quá rõ là 5 vạn quân Mỹ chẳng đáng kể gì so với 10 vạn quân Trung Quốc và Triều Tiên, còn hàng không mẫu hạm của Mỹ mà bị đánh bằng  tên lửa đạn đạo của Trung Quốc thì sẽ chẳng còn diễu võ giương oai được như trước đây nữa!
Tốt nhất là nên cầu hòa trước với Trung Quốc, nữa là Hàn Quốc lại luôn ngấm ngầm trong lòng ý muốn đánh Nhật Bản. Còn Nhật Bản đã từng nhiều lần biểu lộ ngầm với Trung Quốc: Nếu Trung Quốc khai chiến với Mỹ, thì chỉ cần Trung Quốc đừng có ra mặt tấn công và chiếm lĩnh lãnh thổ đảo và lãnh hải của Nhật Bản, thì Nhật Bản có thể hiệp trợ Trung Quốc tiêu diệt quân Mỹ ở các căn cứ quân sự của Nhật Bản, thực ra cũng đâu có khác gì Nhật Bản có thể hiệp trợ quân đội Trung Quốc thừa cơ đuổi sạch quân Mỹ ra khỏi Nhật Bản, Nhật Bản sẽ thoát khỏi ách thống trị thuộc địa lâu dài của Mỹ.
Từ Bản đồ 3 có thể thấy:  Bởi đã biết được câu chuyện trên, sự vụ Nam Hải mà quân Mỹ thò tay vào Trung Quốc, phô trương thanh thế đồng minh quân sự ngoài bề mặt thì còn được, chứ còn một khi đúng là đến Trung Quốc thật, Mỹ lập tức phải thu quân để tự bảo vệ mình, đây là điều mà các nước ở châu Á – Thái Bình Dương đều nhìn thấy hết sức rõ ràng. Điều này chứng tỏ quân đội Trung Quốc hoàn toàn có thể hỗ trợ Lào, Malaysia, Indonesia  thiết lập các căn cứ quân sự thời chiến tạm thời, còn hải quân Trung Quốc thì lại từ vùng Nam Hải có thể vây chặt toàn Philippines. Cũng có nghĩa là, quân đội Trung Quốc sẽ tấn công Philippines trong vòng 3 giờ đồng hồ, sẽ chiếm lĩnh toàn bộ trong vòng 24 giờ đồng hồ không cần phải thêm một lời nào!
Có người sẽ hỏi:  Nếu như Malaysia và Indonesia không chấp thuận cung cấp căn cứ quân sự thì sao? Vấn đề này cũng không lớn, vấn đề Malaysia, Indonesia, Singapore vào thời bình ngả hẳn về Mỹ cũng không lớn, song vào thời chiến mà ngả hẳn về Mỹ, thì có nghĩa là tuyên chiến với Trung Quốc! Trung Quốc cũng có quyền tấn công các nước này, đồng thời cũng có quyền biến những nước ấy trở thành căn cứ quân sự.
Tư duy chiến lược của tác giả chỉ rõ:  lính thủy quân lục chiến trong quân đội Trung Quốc cơ bản thuộc về 3 thứ quân, có năng lực đột kích từ trên không, lục quân cũng có thể tấn công biên giới Việt Nam toàn diện bằng xe thiết giáp hạng nặng. Giải phóng quân đã chuẩn bị sẵn sàng, năm tới sẽ bố trí các máy bay ném bom chiến đấu trinh sát không người lái, bay lượn khắp các khu vực Hải Nam, Trạm Giang, Đan Sơn, Uy Hải…, vừa có thể độc lập tập kích các mục tiêu quân sự của Philippines, lại vừa có thể tiến hành dẫn hướng được các loại tên lửa đạn đạo (phóng từ tàu ngầm, từ các căn cứ trên biển, trên bộ, trên không) tới mục tiêu.
Quân đội Trung Quốc đang nhanh chóng sản xuất máy bay chiến đấu J-10 và J-11, ngoài việc đặt mua hàng loạt 1.000 động cơ của Nga có thể trang bị cho 500 máy bay chiến đấu ra, các nhà máy quốc phòng Trung Quốc còn tăng ca, tăng giờ để sản xuất các máy bay chiến đấu nội địa, như vậy về cơ bản là vào năm tới có thể bố trí được 4.000 máy bay chiến đấu loại J-10, J-11 và  JH-8 Flying Leopard ở trên không và trên biển, những máy bay chiến đấu này được lắp đặt các thiết bị chiến tranh điện tử và chống bức xạ.
Tư duy chiến lược của tác giả chỉ rõ:  Quân đội Trung Quốc cho rằng, các loại máy bay chiến đấu J-10, J-11 qua sự nghiên cứu phát triển của các nhà máy quốc phòng, về cơ bản đã tiến sát được với phương Tây về hàng không, rađa tìm kiếm, khống chế hỏa lực, về tính năng đã tiếp cận được với Su-30 và với F-16 của Mỹ. Do thuộc về thế hệ máy bay thứ ba rưỡi, đã bị loại thải do lạc hậu, nên trước đây dù đã gắng mở rộng tiềm lực nghiên cứu phát triển cũng chỉ có thể thuộc về máy bay chiến đấu thế hệ ba rưỡi, cũng chẳng nâng được giá trị lên bao nhiêu, nhưng vẫn có thể sản xuất được hàng loạt, như vậy cũng không có nghĩa là sẽ bỏ ra quá nhiều chi phí cho việc làm mạnh thêm và cải tạo thêm động cơ, chỉ cần Nga chấp thuận, là có thể trợ giúp Nga sản xuất hàng loạt theo dây chuyền, trực tiếp chọn mua hàng loạt động cơ của Nga để duy trì máy bay thế hệ ba rưỡi mà chúng ta đã định hình là được rồi, đồng thời tự mình cũng có cả động cơ nội địa không phải phụ thuộc vào Nga.
Quân đội Trung Quốc dự tính cần đến 8.000 máy bay chiến đấu, chủ yếu trang bị cho không quân trên biển, bởi không quân trên biển sau này có bảo vệ các khu vực kinh tế hải ngoại, tất sẽ cần phải thiết lập các căn cứ không quân trên biển. Các loại Flying Leopard cũ kĩ và J-11 đã lâu năm (tương đương với Su-27 nguyên bản); các lực lượng không quân dự bị đang được thành lập với các trang thiết bị sắp bị loại bỏ, phải nhanh chóng đào tạo hàng loạt (dự kiến tới 10 vạn) phi công lái máy bay chiến đấu không quân trong lực lượng dự bị, có như vậy mới chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh trong nay mai. Đồng thời, lực lượng không quân dự bị sau này sẽ được phát triển thành 3 lực lượng, dùng để hiệp trợ cho năng lực bổ sung phòng không ở các nơi trong nước. Các nguồn tin trên mạng nói là Nga nói các động cơ nội địa dùng cho J-10 và J-11 của Trung Quốc có vấn đề về chất lượng, đó chỉ là những lời lẽ quỉ quyệt!  
Tư duy chiến lược của tác giả chỉ rõ:  Sự thực là không quân trên bộ của Trung Quốc đã phát triển toàn diện các trang thiết bị không quân hướng đến máy bay thế hệ năm, chiếc J-20 như mọi người đã thấy chưa phải là máy bay chiến đấu thành phẩm thực sự, nó mới chỉ là một chiếc máy bay trưng bày thử nghiệm, nó thực sự đã thoát ra khỏi mẫu hình nghiên cứu chế tạo của Nga và Mỹ, để độc lập đi theo con đường tự phát triển hàng không. J-20 gánh vác nhiệm vụ hoàn thành việc nghiên cứu chế tạo các loại tên lửa chiến thuật và tên lửa chiến lược cho các máy bay tàng hình, siêu tốc, đời mới, các loại tên lửa tuần tra trên biển và bom dẫn hướng chuẩn xác khống chế hỏa lực, ra-đa và điều khiển hàng không đời mới… của Trung Quốc.
Đồng thời, tổ hợp phát triển công nghệ hàng không Trung Quốc đã nghiên cứu chế tạo được 4 loại động cơ cho nó, đó là: tương đương với năng lực tác chiến của F-35 (tức động cơ có kèm cánh vịt như mọi người đã thấy), động cơ loại B cho máy bay lên xuống thẳng đứng; loại động cơ thích ứng thứ hai tương đương với F-22 hoặc T-50 (bỏ cánh vịt đổi thành cánh biên); loại động cơ thứ ba là loại cỡ lớn: cũng chính là chiếc máy bay ném bom chiến lược đường dài H-8 như mọi người đã thấy, nó được phóng to ra từ nguyên bản loại J-20; loại động cơ thứ tư cuối cùng là động cơ của máy bay không gian, cũng lắp cho cả máy bay ném bom chiến lược đường dài H-8, yêu cầu đi khắp toàn cầu trong vòng 3 giờ, chiếm lĩnh toàn bộ trong vòng 24 giờ.
Tư duy chiến lược của tác giả chỉ rõ: Từ những điều trên đây có thể thấy, loại máy bay thế hệ ba rưỡi của Trung Quốc được sản xuất hàng loạt nhưng dần dần đã bị loại thải, cần thực sự thiết lập lấy nghiên cứu phát triển J-20 làm lộ trình và hệ thống nghiên cứu chế tạo độc lập các loại máy bay J, H đường vừa và đường dài hàng đầu!
Bán kính tác chiến sau này của không quân Trung Quốc có thể vươn dài một cách hữu hiệu tới 1.500 – 3.000 km. Song, các fan hâm mộ trang mạng Quân sự võngkhông nên xem bán kính tác chiến của máy bay chiến đấu như kiểu một sợi gân, thực ra máy bay chiến đấu đã bảo chứng cho sự bảo đảm quyền khống chế không gian của bộ đội trên đất liền và hải quân, nên có thể chiếm lĩnh các căn cứ quân sự mà tôi đã nói ở trên bằng quân lính thả từ trên không mà đoạt lấy và khống chế để có được sức vươn tới  bán kính quân sự lớn hơn! Các fan hâm mộ trang mạngQuân sự võng đã biết trong cuộc diễn tập quân sự đường dài qui mô lớn mới đây của quân đội ta, không quân Trung Quốc về cơ bản nạp nhiên liệu xong đã có thể liên tục tấn công tới hàng ngàn kilomet, đồng thời đã diễn tập với số lượng lớn xem có thể cất hạ cánh ở sân bay tạm thời để chuyển sân bay ra sao, tới đây yêu cầu số lần cất hạ cánh phải đạt tới hàng vạn lần! Để đón đầu được các cuộc tấn công dày đặc và ném bom chống trả trong chiến tranh nay mai. Đồng thời, lực lượng lục quân đã tổ chức cho bộ đội xe tăng và xe thiết giáp Y-8 nhảy dù và vận chuyển bằng đường hàng không.
Mọi người chưa được nhìn thấy lính nhảy dù không quân tỏ ra hung hãn đến thế nào, nhảy dù xuống rồi chỉ mất có 48 phút đã lắp ráp các trang thiết bị sân bay tạm thời thành một sân bay cất hạ cánh quân dụng tạm thời trải dài 2.000 m, tiếp đến còn có thể nhìn thấy những chiếc máy bay chiến đấu J-10, J-11, Flying Leopard lần lượt hạ cánh, nạp nhiên liệu mang bom xong là cất cánh tác chiến, bộ đội theo sau đã hoàn thành xong xuôi đường băng cất hạ cánh 3.000 m, kho chứa nhiên liệu, kho đạn dược và thiết lập được hệ thống hỏa pháo tên lửa đạn đạo phòng không ở xung quanh, rồi máy bay H-6 cũng đã tới nơi.
Còn lực lượng lục quân với một lượng lớn bộ đội xe tăng và xe thiết giáp hạng nặng được vận chuyển đến sân bay bằng các máy bay vận tải quân sự cỡ lớn và hàng loạt máy bay vận tải dân dụng, ngay lập tức tỏa ra khắp các khu vực tác chiến đã được chỉ định.  Bộ đội nhảy dù và bộ đội thiết giáp hạng nhẹ do Y-8 chỉ định đồng thời nhảy dù xuống khu vực tác chiến đã được chỉ định.
Tiếp đó, “đội xếp dỡ” của lục quân dỡ xuống các kiện hàng đã được xếp từ trước trong các máy bay vận tải dân dụng, một chiếc xe thiết giáp và xe tăng hạng nặng mỗi nhóm chỉ cần mất có 50 phút là lắp ráp hoàn chỉnh, tiếp theo là hàng loạt xe dân dụng, xe đạn hỏa tiễn, xe tên lửa đạn đạo chiến thuật… cũng đã được lắp ráp nhanh chóng từ các bộ linh kiện thiết bị trong kiện hàng.
Hàng loạt  máy bay vận tải dân dụng cỡ lớn và máy bay được cải trang thành máy bay hành khách dân dụng vào thời chiến cất hạ cánh không ngớt, sĩ quan binh lính cùng quân trang, quân dụng của cả tiểu đoàn, trung đoàn liên tục tới nơi, cảnh tượng cực kì ngoạn mục! Sân bay tạm thời kiểu này quân đội có thể cung cấp cho đất nước được mỗi lần từ 3-6 sân bay.
Năng lực vận chuyển tháo dỡ kiểu này do lục quân phát minh là vô cùng lớn mạnh, nó giúp ích cho việc tháo lắp hàng loạt các máy bay dân dụng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển thời chiến giống như Mỹ. Lúc này, bộ đội máy bay lên thẳng đường bộ đã sẵn sàng đợi lệnh ở các căn cứ quân sự. Mệnh lệnh sinh tử cho lần diễn tập này là: Trong vòng 3 giờ phải tới được chiến trường, đồng thời thực thi hành động tấn công, trong vòng 24 giờ phải thực thi chiếm lĩnh toàn diện!Các trang bị quân sự và trang bị vũ khí như hỏa pháo, pháo hỏa tiễn, các loại tên lửa đạn đạo, xe tăng thiết giáp của lực lượng bộ đội dự bị trên các ngư thuyền do bộ đội các trung đoàn, tiểu đoàn chính qui thải ra vẫn hết sức tuyệt vời so với trang bị quốc gia nói chung, các ngư thuyền ven biển vào thời chiến được chở loại vũ khí gì và trang bị loại gì đều có qui định và được huấn luyện cụ thể, vào thời chiến có thể tập hợp 30 vạn ngư thuyền để làm tàu chiến tạm thời.
Tư duy chiến lược của tác giả chỉ rõ: Các vị đã nhận thấy có tín hiệu gì chưa? Việc nghiên cứu chế tạo máy bay hành khách hàng không cỡ lớn của Trung Quốc sẽ còn kéo dài, nguyên do chính là máy bay hành khách có thể mua được bằng tiền, còn máy bay ném bom chiến lược đường dài quân sự (H-10, H-9), máy bay vận tải quân sự, máy bay nạp nhiên liệu đường dài cỡ lớn, máy bay AWACS cỡ lớn… thì Trung Quốc không thể mua được, cho nên các nhân viên khoa học kỹ thuật của tổ hợp phát triển hàng không hãy đầu tư trọng điểm vào nghiên cứu những hạng mục này nhanh chóng, động cơ tự động là hướng đột phá trọng yếu của Trung Quốc!
Tư duy chiến lược của tác giả chỉ rõ:  Đã lớn mạnh như vậy, song cớ sao lại chưa thấy làm gì về mặt quân sự? Đó chính là vì Trung Quốc đang chuẩn bị bố trí một trận đột phá toàn cầu về mặt kinh tế và quân sự mang tính vạch thời đại!
Quốc Trung dịch từ Military.china.com
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
Bản tiếng Việt © Quốc Trung



Libya điều tra '200 tỷ USD bí mật' của Gadhafi

Đại tá Moammar Gadhafi được cho là đã bí mật tẩu tán hơn 200 tỷ USD trong các tài khoản ngân hàng, địa ốc và các khoản đầu tư khắp thế giới trước khi ông ta chết.

Moammar Gadhafi bị cho là tẩu tán 200 tỷ USD khắp thế giới. Ảnh: AP.
Moammar Gadhafi bị cho là tẩu tán 200 tỷ USD khắp thế giới. Ảnh: AP.
LA Times dẫn thông tin trên từ lời các quan chức cao cấp của chính quyền mới ở Libya, đang điều tra tài sản của Gadhafi. Nếu con số trên được khẳng định là sự thật, Gadhafi được cho là giữ 30.000 USD của mỗi công dân Libya. Nó cũng gấp đôi ước tính của phương Tây về tài sản của cựu lãnh đạo quốc gia Bắc Phi.
Thông tin này có thể gây phẫn nộ ở Libya, quốc gia mà một phần ba dân số vẫn sống trong nghèo đói. Nó cũng càng thúc đẩy nỗ lực của chính quyền mới nhằm đòi lại tiền của Gadhafi trong thời điểm họ quyết tâm hiện đại hóa Libya sau gần 42 dưới chế độ độc tài. Trong 42 năm cầm quyền, Gadhafi được cho là đã biển thủ các nguồn tài trợ nhằm thu lợi cho gia đình và bộ tộc của ông ta.
Trước đó, chính quyền Obama sững sờ khi phát hiện 37 tỷ USD trong tài khoản của chính quyền Libya và các khoản đầu tư ở Mỹ. Họ nhanh chóng đóng băng tài sản này trước khi Gadhafi và trợ lý có thể lấy lại chúng.
Chính phủ Pháp, Italy, Anh và Đức cũng kiểm soát khoảng 30 tỷ USD từ Gadhafi. Các nhà điều tra tin rằng Gadhafi có lẽ đã giấu khoảng 30 tỷ USD nữa ở những nơi khác trên thế giới. Theo các nguồn phương Tây, tổng cộng tài sản của Gadhafi ở nước ngoài ước tính là 100 tỷ USD.
Phần lớn số tiền này được tuồn qua các tổ chức chính phủ như ngân hàng trung ương Libya, Ngân hàng nước ngoài Libya hay Công ty dầu khí quốc gia. Libya là quốc gia có nguồn dự trữ dầu mỏ lớn nhất châu Phi.
Mai Trang





Trực tiếp: Đại tá Gaddafi "đã thiệt mạng"

Cập nhật: 11:56 GMT - thứ năm, 20 tháng 10, 2011
Muammar Gaddafi
Hội đồng Chuyển giao Quốc gia nói ông Gaddafi đã bị bắt và bị thương cả hai chân
Cựu lãnh đạo Libya, Đại tá Muammar Gaddafi đã thiệt mạng trong một vụ tấn công vào thành phố Sirte quê hương của ông, quan chức thuộc chính quyền lâm thời nước này cho hay.
Bộ trưởng Thông tin Mahmoud Shammam nói các binh lính tại hiện trường cho hay họ đã nhìn thấy thi thể ông Gaddafi.
Các quan chức khác thì nói ông đã thiệt mạng trong cuộc tấn công vào Sirte.
Hiện BBC chưa kiểm chứng độc lập được thông tin này, và vẫn có tin ông đã bị bắt sống.
Đại tá Gaddafi đã bị lật đổ hồi tháng Tám sau 42 năm cầm quyền. Tòa án Hình sự Quốc tế hiện đang truy nã ông.
Nato, vốn đang thực hiện một chiến dịch không tạc Libya trong nhiều tháng nay, cho hay đã tấn công từ trên không vào hai chiếc xe của quân đội Gaddafi ở gần Sirte vào buổi sáng thứ Năm 20/10.
Hiện chưa rõ liệu vụ tấn công này có liên quan tới cái chết của ông Gaddafi, nếu quả thực có việc ông thiệt mạng, hay không.

Tường thuật trực tiếp:

1307 GMT: Abdullah Razad, đại diện ở Tripoli của NTC nói với ban tiếng Nga của BBC: “Tôi nhận được xác nhận về cái chết của Gaddafi vài phút trước. Đúng như vậy. Các vị còn cần thêm xác nhận gì nữa?”
Bạn Hoang Xuan Don viết trên trang Facebook của BBCVietnamese: "Nói chung là trả giá thôi. Nhân dân Llybia đã có được cái mà họ đổ máu vì nó".
1256 GMT: Nato chưa xác nhận việc Đại tá Gaddafi đã bị bắt. Bộ Quốc phòng Anh quốc nói hiện chưa rõ ông Gaddafi có mặt trong đoàn xe bị tấn công hay không. Phát ngôn nhân của bộ này nói đoàn xe bị nhằm vào bởi vì đây là đội quân của Gaddafi cuối cùng rút khỏi Sirte.
1255 GMT: Chiến đấu cơ của Nato đã tấn công hai xe của quân Gaddafi vào sáng thứ Năm ở ngoại vi Sirte. Người phát ngôn Nato Roland Lavoie ra thông cáo nói cuộc tấn công diễn ra lúc 8:30 sáng giờ địa phương.
1240 GMT: "Tôi chỉ hy vọng đúng là ông ấy bị bắt. Nó sẽ mang lại công lý và hòa bình," cư dân Tripoli, Amani, nói với BBC. "Nếu cả Libya đã tự do nhưng Gaddafi vẫn chưa bị bắt thì tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ có hòa bình," cô Amani nói.
1230 GMT: "Cả thủ đô hân hoan ăn mừng," phóng viên BBC Caroline Hawley ở Tripoli cho biết. "Hội đồng Chuyển giao Quốc gia càng không bác bỏ tin này thì càng có nhiều người tin rằng ông đã chết."
"Hội đồng Chuyển giao Quốc gia càng không bác bỏ tin này thì càng có nhiều người tin rằng ông Gaddafi đã chết."
Phóng viên BBC tại Tripoli Caroline Hawley
12:29 GMT: Lãnh đạo NTC, ông Mustafa Abdul Jalil, chuẩn bị có tuyên bố về cái chết của ông Gaddafi.
12:27 GMT: Truyền hình Libya xác nhận ông Gaddafi đã chết. Con trai ông, Mutassim, người cùng bị bắt với ông, vẫn sống. Truyền hình Libya cho biết xác ông Gaddafi đã được đưa tới Misrata.
12:18 GMT: Tình hình của đại tá Gaddafi vẫn còn chưa rõ vì có nhiều nguồn tin tường thuật khác nhau về việc ông bị chết hay bị thương. Hãng tin AFP trích lời viên chức Hội đồng chuyển tiếp lâm thời nói đại tá Gaddafi đã bị bắt giữ ở Sirte và đang bị thương nặng, nhưng vẫn còn thở. Trong khi đó trước đó Reuters nói ông Gaddafi đã chết vì các vết thương.
12:14 GMT: Hội đồng chuyển tiếp lâm thời sẽ mở họp báo để làm rõ thông tin về việc bắt giữ Đại tá Gaddafi.
12:08 GMT: Tin Đại tá Gaddafi bị bắt đã được nhiều người vui mừng đón nhận khắp Libya.
12:03 GMT: Bạn Nguyễn Tuấn Anh bình luận trên trang BấmFacebook của BBC:
"Nhanh vậy? Đúng là cuộc đời không thể biết trước được. Cách đây 1 năm ông ấy đâu biết mình có kết thúc cuộc đời như ngày hôm nay?"
11:56 GMT: Đại tá Muammar Gaddafi đã chết vì các vết thương sau khi bị bắt, theo hãng tin Reuters.
Trước đó các tư lệnh của chính quyền lâm tời Libya nói họ đã bắt được Đại tá Gaddafi, người bị lật đổ hồi tháng Tám. 
Ông Gaddafi đã chết?
Hình ảnh chụp trên điện thoại chưa được kiểm chứng cho thấy ông Gaddafi đã tử thương
Tin này được đưa ra ngay sau khi có tin lính của chính phủ lâm thời đã chiếm được toàn bộ Sirte, thành phố quê hương của ông Gaddafi.
Hiện chưa có xác nhận độc lập về chuyện ông Gaddafi bị bắt hay thiệt mạng.
"Ông ấy đã bị bắt. Ông ấy bị thương cả hai chân," ông Abdel Majid từ Hội đồng Chuyển tiếp Lâm thời NTC của Libya nói với hãng tin Reuters.
"Ông ấy được xe cứu thương đưa đi rồi."
Hãng tin AFP trích lời một quan chức khác của NTC, ông Mohamed Leith, nói Đại tá Gaddafi đã bị bắt ở Sirte và "bị thương nặng" nhưng vẫn thở được.
NTC cho biết ông Gaddafi bị bắt khi đang bỏ trốn và lính NTC đã tìm thấy ông đang trốn dưới hố.
Phóng viên BBC Caroline Hawley ở Tripoli nói cho dù tin tức về việc ông Gaddafi bị bắt chưa được xác nhận, tàu và xe hơi ở thủ đô đã kéo còi và người ta cũng bắn súng để ăn mừng.


Phe nổi dậy tuyên bố bắt được Gadhafi

Chính quyền chuyển tiếp tại Libya chiều nay tuyên bố đã bắt được cựu lãnh đạo nước này là đại tá Muammar Gadhafi trong tình trạng bị thương nặng, sau khi đã kiểm soát hoàn toàn thành phố quê nhà ông này là Sirte.

Đại tá Moammar Gadhafi. Ảnh: Telegraph.
Đại tá Moammar Gadhafi. Ảnh: Telegraph.
Quan chức của Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya (NTC) là Abdel Majid thông báo về việc bắt giữ Gadhafi: "Ông ta đã bị bắt giữ và bị thương cả hai chân. Ông ta đã được đi bằng xe cứu thương". Trong khi đó, AFP dẫn lời một quan chức NTC khác là Mohamed Leth cũng xác nhận đại tá Gadhafi bị bắt tại Sirte trong tình trạng "bị thương nặng nhưng vẫn còn thở".
Tuy nhiên, thông tin bắt giữ người từng lãnh đạo Libya trong suốt 4 thập kỷ hiện chưa được nguồn tin độc lập nào kiểm chứng. Trong khi đó, BBC cho biết dù tin về Gadhafi chưa thực sự rõ ràng thì hàng loạt tàu thuyền và xe cộ tại Tripoli đã đồng loạt kéo còi kèm theo tiếng súng bắn chỉ thiên để ăn mừng.
Đại tá Muammar Gadhafi cầm quyền liên tục tại Libya trong suốt 42 năm cho đến khi bị lật đổ hồi tháng 8 vừa qua, trong làn sóng nổi dậy lan khắp thế giới Ảrập. Toà án hình sự quốc tế (ICC) cũng đã phát lệnh bắt Gadhafi và con trai vì các cáo buộc tội ác chống lại loài người.
Vài giờ trước khi tin bắt Gadhafi xuất hiện, chính phủ lâm thời Libya cũng tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn thành phố Sirte, quê hương của Gadhafi và cũng là thành trì cuối cùng ủng hộ nhà lãnh đạo bị lật đổ này. Binh sĩ chính phủ mới đã cắm quốc kỳ của Libya trên các tòa nhà ở trung tâm Sirte.
Tại quảng trường trung tâm, người dân và binh lính chính phủ lâm thời nhảy múa, reo hò để biểu thị sự vui mừng. Quân phục của phe Gadhafi vương vãi trên các đường phố.
Tiếp tục cập nhật
Đình Nguyễn

Trung Quốc cảnh cáo Ấn Độ, Việt Nam, Philippine ? Làm gì được nhau nào ?

Hindustan Times Blog
Lê Quốc Tuấn. X-CafeVN chuyển ngữ
Thế ra, Trung Quốc không vui à ? Hôm thứ Bảy, một tờ báo quan trọng của nhà nước làm chủ, "Tin tức Năng lượng Trung Quốc", báo cáo cảnh cáo việc Ấn Độ lại nhúng chân vào vùng biển chưa được thăm dò vì những lợi ích chưa biết được.
Theo Reuters, "Chiến lược về năng lượng của Ấn Độ đang rơi vào một con nước xoáy cực kỳ nguy hiểm", bài bình luận, được Tờ nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản ấn hành trên trang nhất cho biết.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có nhu cầu rất lớn về năng lượng, đã đưa họ đến việc phải cạnh tranh và hợp tác với các nước khác ở một số nơi trên thế giới, bài báo cho biết. "Nhưng các công ty dầu khí phải có một giới hạn cuối cùng, đó là phải tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng cấu trúc của các quan hệ quốc tế".
"Về vấn đề hợp tác với Việt Nam, giới hạn cuối cùng cho các công ty Ấn Độ là họ không được đi vào khu vực tranh chấp của Biển Đông.
"Thách thức đến quyền lợi cốt lõi của một nước lớn đang lên, vì khối lượng dầu khí không rõ dưới đáy biển sẽ không chỉ đưa đến một thất bại bị nghiền nát cho các công ty dầu Ấn Độ, mà còn đưa đến tổn hại nghiêm trọng cho toàn bộ an ninh về năng lượng của Ấn Độ và gián đoạn phát triển kinh tế của họ.
"Các nhà hoạch định chính sách cho công ty dầu Ấn Độ nên xem xét các lợi ích của đất nước mình, và hãy nhanh chóng quay lui khỏi vùng biển Nam Trung Hoa" theo lời trích dẫn bài báo trên.
Tờ Financial Times cho biết, cơn giận của Trung Quốc nhắm vào thỏa thuận thăm dò dầu và khí đốt giữa ONGC Videsh và công ty Dầu khí Việt Nam trong vùng biển Nam Trung Hoa. Các thỏa thuận, được ký kết trong chuyến thăm gần đây tới Ấn Độ của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, đã làm gián đoạn "khúc nhạc tích cực" từ chuyến thăm quan trọng đến Trung Quốc của Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu cầm quyền Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời điểm xảy ra dường như đã làm thất vọng Trung Quốc: các thỏa thuận đã được ký kết tại New Delhi vào ngày 12 - chỉ một ngày sau khi Trọng tới Bắc Kinh.
Mối quan hệ giữa ONGC và ngày Dầu khí Việt Nam đã có từ những năm 1980, và ONGC không phải là công ty đa quốc gia duy nhất có quan tâm đến việc khai thác các cơ hội thăm dò ngoài khơi tại Việt Nam, hai yếu tố đã gây nên cơn giận phức tạp của Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng đã cảnh cáo Philippine phải ra khỏi vùng Biển Đông. Hôm thú Thứ hai, họ yêu cầu "các quốc gia khác" phải tôn trọng thoả thuận của mình với Việt Nam về các vấn đề hàng hải, cơ quan Thông Tấn Tân Hoa Xã của nhà nước cho biết.
"Thực tế của việc Trung Quốc và Việt Nam đã đồng ý giải quyết tranh chấp hàng hải bằng thương lượng không có gì liên quan đến một đệ tam nhân. Chúng tôi hy vọng các thành phần bên ngoài tôn trọng những nỗ lực của các nước có liên quan để giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán " phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Liu Weimin cho biết tại một cuộc họp báo hàng ngày.
Tân Hoa xã cho biết ý kiến của Liu được đưa ra sau khi Philippines kêu gọi một cách tiếp cận đa phương, chứ không phải là một thỏa thuận song phương để giải quyết các tranh chấp về Biển Đông.
Các mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc phát triển như thế nào đang được phương Tấy theo dõi sát vì những lý do rõ ràng. Một số chuyên gia về chiến lược ở London, từng quan hệ với cả Ấn Độ và Trung Quốc, đã thận trọng cố vấn việc làm thế nào để đọc hiểu được những bày tỏ của Bắc Kinh về thoả thuận giữa ONGC và Cty. Dầu khí Việt Nam. "Tôi muốn chờ một lời tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc", một chuyên gia, người vừa trở về sau chuyến thăm Bắc Kinh và New Delhi gần đây cho biết.
Theo ông, ý thức ở New Delhi rằng Ấn Độ sẽ trở nên cạnh tranh hơn nữa trong giao dịch với đối tác thương mại lớn nhất của mình - một quan điểm cũng tìm thấy tiềm ẩn trong bài xã luận của Trung Quốc. Ông cũng nói về một sự thừa nhận ở cả Bắc Kinh và New Delhi về nhu cầu phải đầu tư lớn hơn để thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế giữa hai nước.
Trong không khí toàn cầu hiện nay, việc phát triển mối quan hệ kinh tế của họ có vẻ là cấp bách hơn. Nhưng cũng có những khó khăn, như được nhấn mạnh từ một bài báo hôm nay (17 tháng 10) trên tờ Financila Times bởi Jamil Anderlini, trưởng Biên tập về tin Tài chính tại Bắc Kinh. Ông nói, có những báo cáo cho biết rằng hàng chục chủ sở hữu các nhà máy ở phía đông ở Ôn Châu - thành phố đầu tiên cho phép chủ doanh nghiệp tư nhân khi Trung Quốc được tự do hóa vào năm 1978 - đã bỏ trốn trong những tuần gần đây, bỏ lại các nhân công không được trả lương và hàng "núi nợ nần".
Các vấn đề ở Ôn Châu, gây ra bởi một sự thất bại trong nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc, làm gia tăng phí tổn sản xuất và mức độ nợ nần không bền vững, "là một dấu hiệu cho thấy sự đổ vỡ sắp xảy ra cho đất nước" bài báo cực hay đã cho biết. Có suy đoán rằng mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dựa trên xuất khẩu hàng hoá với giá bất khả chiến bại vì lao động giá rẻ, năng lượng, vốn và đất đai - có thể đi đến hồi kết.
"... Mức lương tối thiểu đã tăng hơn 20% một năm trong nhiều lĩnh vực, đất đai ngày càng khan hiếm và đắt tiền. Ngoài ra, chính phủ đang giảm bớt việc cung cấp tín dụng giá rẻ và đã đi đến việc tự do hóa giá năng lượng và các tiện ích khác. Trong khi đó, cơn lũ đầu tư vào các nhà máy mới, đường xá, sân bay và các bất động sản nhà ở từng là tác động chính của tăng trưởng đang trở nên ngày càng không bền vững" bài viết của Financial Times nhận xét.
Trở lại với những bày tỏ của Trung Quốc, theo tạp chí Năng lượng an ninh, tiếp cận gần đây mang tính đối đầu về quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông phản ánh "một thực tế mới của việc tăng thêm niềm tự tin được là một siêu cường đang lên của Trung Quốc trong cuộc tìm kiếm an ninh năng lượng giữa một thế giới đa cực đang bị vây bủa với nhiều biến động".
Ngoài ra, một chút mất tập trung ở nước ngoài có thể đã đến đúng lúc khi họ đang phải đối mặt với một số khó khăn thực sự về kinh tế ở trong nước.
Nguồn: Hindustan times


Chuyên gia TQ kêu gọi chiến tranh biển

Cập nhật: 15:56 GMT - thứ sáu, 30 tháng 9, 2011
Tàu cá Việt Nam đi ngan qua tàu chiến USS Chung-Hoon tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng hôm 15/7/2011
Xã luận của báo Trung Quốc nói Việt Nam gây căng thẳng trên Biển Đông
Phân tích gia Trung Quốc đã có bài trên Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi dạy Việt Nam và Philippines 'bài học đạo đức' bằng vũ lực. 
Bài báo bằng tiếng Hoa được đăng hôm 27/9 và bản dịch tiếng Anh sau đó đã xuất hiện và lan tỏa trên mạng internet.
Xã luận mang tựa đề "Thời cơ tốt để có hành động quân sự tại Nam Hải" trên báo đảng là của tác giả Long Tao, phân tích gia chiến lược của tổ chức phi chính phủ Quỹ Năng lượng Trung Quốc và cũng là chuyên gia của Trung tâm An ninh Phi truyền thống và Phát triển Hòa bình của Đại học Triết Giang.
Ông Long viết: "Đừng lo ngại về các cuộc chiến quy mô nhỏ; đây là cách tốt nhất để giải tỏa nguy cơ chiến tranh.
"Đánh vài trận nhỏ là có thể tránh được những trận đánh lớn."
Phân tích gia này cũng nói Trung Quốc cần chĩa mũi nhọn vào Việt Nam và Philippines, hai nước mà họ cho là đang tìm cách quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và kéo Hoa Kỳ vào cuộc.
"Tôi cảm thấy trong cuộc chiến trên Biển Nam Trung Hoa, chúng ta cần thu hẹp phạm vi tấn công và tập trung vào những nước đang ra vẻ ta đây nhất hiện nay, Philippines và Việt Nam.
"Giết những con gà để dọa bầy khỉ."
Mặc dù vậy ông Long Tao cũng nói Trung Quốc phải dùng các biện pháp hòa bình để ngăn cản các nước xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc.
'Cướp' đảo
Bài trên Hoàn cầu Thời báo cũng viết: "Cội nguồn của "vấn đề" Biển Nam Trung Hoa là chế độ Nam Việt Nam và chính quyền độc lập ở Việt Nam sau đó.
"Việt Nam xâm phạm đảo Nam Sa [Việt Nam gọi là Trường Sa] của Trung Quốc và đòi hỏi chủ quyền đối với đảo Tây Sa.
"Ngoài việc trừng phạt chế độ Nam Việt Nam với cuộc phản công trên đảo Tây Sa và cuộc tấn công tự vệ trên đất liền, Trung Quốc chưa bao giờ ngăn chặn được sự xâm lược công khai của Việt Nam ở Biển Nam Trung Hoa."
Ông Long cũng nói Việt Nam đã khuyến khích các nước khác "cướp" đảo Trường Sa của Trung Quốc và giờ lại kéo Hoa Kỳ cùng một số nước nhỏ khác nhằm đe dọa Trung Quốc.
Liên quan tới Philippines, bài báo nói Philppines tự coi họ là con muỗi và nói rằng họ không sợ con voi Trung Quốc.
Tác giả Long Tao viết: "Đúng là con voi không nên dẫm bẹp con muỗi nhưng con muỗi có nên đốt con voi hay không?
"Hơn nữa, liệu con muỗi có nên mời "con đại bàng già" tới để củng cố ý chí?
"Nhiều nước đang liên tục có những cuộc tập trận lớn và như vậy Trung Quốc có lý do hoàn toàn thích đáng để tấn công trả đũa."
Học giả Trung Quốc Long Tao
"Tôi cho rằng các nước đang xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
"Nhiều nước đang liên tục có những cuộc tập trận lớn và như vậy Trung Quốc có lý do hoàn toàn thích đáng để tấn công trả đũa."
Học giả Long Tao nhắc tới hành động của Nga hồi năm 2008 ở Biển Caspi và nói hành động của các nước lớn có thể gây sốc tạm thời với hệ thống quốc tế nhưng về lâu dài có thể tạo sự ổn định trong khu vực và thúc đẩy hòa giải chiến lược.
Dầu lửa
Ông Long Tao nói Trung Quốc không nên học theo cách hành xử của Hoa Kỳ ở Iraq, Afghanistan hay Libya mà cần chiến đấu linh hoạt và rất có thể biến nó thành chiến dịch giáo dục đạo đức, dùng chiến thuật để thu phục các nước.
Giàn khoan dầu trên Biển Đông
Học giả Long Tao nói chiến trận ở Biển Đông sẽ tạo ra những đảo lửa
Phân tích gia này nhận định Hoa Kỳ vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cuộc chiến chống khủng bố và về cơ bản không thể bắt đầu cuộc chiến thứ hai ở Biển Nam Trung Hoa.
"Quan điểm cứng rắn của Hoa Kỳ chỉ là trò lừa phỉnh."
Chuyên gia tại Quỹ Năng lượng Trung Quốc cũng nói hiện có hơn 1.000 giếng dầu khí ở Biển Đông trong đó không có giếng nào của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông nói, hiện Nam Sa (Trường Sa) có bốn sân bay mà Trung Quốc không có sân bay nào.
Bài xã luận của Hoàn cầu Thời báo nói rằng chưa cần biết ai thắng, ai thua, chiến trận trên Biển Đông sẽ tạo ra những hòn đảo lửa và các công ty dầu khí phương Tây sẽ phải rời đi.
Phần kết của bài báo nói Trung Quốc cần có quyết tâm cho một trận chiến lớn và thực sự chuẩn bị cho một cuộc chiến quy mô nhỏ vì như vậy "Trung Quốc đã cho những nước khác sự lựa chọn giữa hòa bình và chiến tranh."

Việt Nam trước hình thái chiến tranh mới
Lê Ngọc Thống

Bất kỳ một quốc gia nào nếu như muốn Tổ Quốc không bị bất ngờ thì phải biết được nguy cơ thách thức an ninh từ đâu đến? Lực lượng bao nhiêu? Đến bằng cách nào? Nhằm vào đâu? Và chuẩn bị để đón nó ra sao. Việt Nam cũng vậy thôi. Khi một láng giềng vốn hùng mạnh lại tăng cường lực lượng quân sự vượt khỏi giới hạn phòng thủ, không minh bạch, kèm theo thái độ nước lớn nghênh ngang, đe dọa dùng vũ lực; hành động ngang ngược, chèn ép bắt nạt… thì đó là vận hội hòa bình hay là nguy cơ chiến tranh? Dù không muốn thì Việt Nam cũng bắt buộc phải có ứng xử và hành xử với nguy cơ này. Bài phân tích và nhận định củaLê Ngọc Thống – nguyên sỹ quan Hải quân Việt Nam.
Đối tượng và khu vực tác chiến
Từ xưa tới nay dân tộc Việt trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh. Lúc thì phải thực hiện chiến tranh giải phóng Tổ quốc; lúc thì thực hiện chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tuy nhiên những cuộc chiến này chủ yếu xảy ra trên Lãnh thổ. Vùng biển, vùng trời thời đó con người cả 2 phía chưa đủ khả năng để nhận thức được vị trí, lợi ích của nó nên được bỏ qua. Ngày nay tình thế đã khác, khi mà lãnh thổ đã “rành rành định sẵn ở sách Trời” rồi thì Vùng biển và Hải đảo con người có đủ khả năng để làm chủ, khai thác nó thì dù có được bảo vệ bằng Công ước LHQ về biển, Luật biển Quốc tế năm 1982 thì nó vẫn trở thành mục tiêu quan tâm của những kẻ có dã tâm bành trướng
Việt Nam là một quốc gia có 3260km bờ biển với hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó có 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa (bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974) và Trường Sa. Theo Công ước của LHQ về biển và Luật biển năm 1982 thì Việt Nam có chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển với diện tích khoảng 1 triệu km2. Như vậy Biển, Đảo của Việt Nam thực sự là “Trời cho” và những kẻ có dã tâm bành trướng thì nhìn vô với ánh mắt thèm muốn, chờ cơ hội là hành động. Vấn đề đặt ra trước tình hình hiện nay là ta phải làm gì để “giữ lấy nó” như lời Bác Hồ dạy.
Quả thật, “Bảo vệ vững chắc vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc” mà Quân đội nói chung và Hải quân Việt Nam nói riêng gánh vác nghe có vẻ như là chức năng và nhiệm vụ thường xuyên muôn thuở của mình nhưng thực tế hết sức mới mẻ. Bởi lẽ để thực hiện tốt nhiệm vụ, nếu khi có kẻ xâm lược vùng biển và hải đảo thì quân QĐNDVN mà nòng cốt là HQNDVN phải tiến hành chiến tranh trên biển, nghĩa là có rất nhiều trận hải chiến sẽ xảy ra. Mà hải chiến thì Việt Nam quá ít kinh nghiệm. Từ xưa tới nay dù chỉ là quy mô nhỏ, lịch sử ghi nhận có 5 trận hải chiến mà cha ông thực hiện. Trận thứ nhất ở cửa biển Vân Đồn do ông tướng thủy quân được gọi là giỏi nhất Đại Việt thời bấy giờ-Trần Khánh Dư chỉ huy. Sử sách không ghi diễn biến cụ thể, chỉ biết là đối đầu với hơn 400 thuyền chiến của Ô Mã Nhi, “hải quân bờ” của Trần Khánh Dư đại bại. Trước khi tự trói chịu tội ông tướng nhà Trần phát hiện lẻo đẻo đằng sau có một đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ do không kịp theo đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi, vậy là gom góp “tàn quân” Trần Khánh Dư diệt gọn đoàn thuyền này. So với trận trước thì đây chỉ là trận thắng danh dự nhưng hậu quả thì vô cùng khủng khiếp với nhà Nguyên… Trận thứ hai là của hải quân của Chúa Nguyễn tiêu diệt 2 tàu chiến của Hà Lan xâm phạm lãnh hải. Trận thứ 3 là Hoàng Sa 1974 và 2 trận còn lại (mang hơi hướng của chiến tranh hiện đại một chút) là của HQNDVN gồm 3 tàu phóng lôi đánh đuổi tàu Maddox và trận ngày 19/4/1972 gồm 2 máy bay MIG21 hợp đồng tác chiến với 3 tàu phóng lôi đánh nhau với Hạm đội 7 Hải quân Mỹ gồm 01 Tuần dương hạm, 02 khu trục hạm và 01 Hộ tống hạm tại vùng biển Quảng Bình. Lần xung đột trên biển năm 1988 không tính vì HQNDVN lúc đó chỉ có tàu vận tải, không có tàu chiến tham gia.
Liệt kê ra những điều này để chúng ta biết rằng hải chiến chưa phải là sở trường của ta (và càng không phải là sở trường của Trung Quốc, với Nhật Bản thì họ đã, đang là cường quốc biển không ai có thể phủ nhận). Vì thế xây dựng thế trận, cách đánh, vũ khí trang bị … phải tích hợp với nhau và theo kiểu Việt Nam để giữ biển, giữ đảo đòi hỏi rất nhiều trí tuệ, rất nhiều công sức tiền của, tâm huyết của QĐNDVN và dân tộc Việt Nam.
Tình hình hiện nay Việt Nam khẳng định chắc chắn rằng nếu như có quốc gia nào đó xâm phạm vùng biển và hải đảo của mình thì quốc gia đó không ai khác ngoài Trung Quốc. Và đương nhiên đối tượng tác chiến của Việt Nam trong sự nghiệp giữ biển đảo không phải là Mỹ, Nhật Bản hoặc Nga mà phải là Trung Quốc.
Vậy giả sử khi Trung Quốc không còn đe dọa sử dụng vũ lực như đã từng đe dọa nhiều lần nữa mà dùng vũ lực thật thì mục tiêu họ cần đạt được là gì, không gian, khu vực tác chiến xảy ra ở đâu? Chẳng quá khó khi trả lời câu hỏi này. Rõ ràng đó là các sân bay bến cảng trên bờ; quần đảo Trường Sa và khu vực dầu khí. Nhưng lực lượng nào sẽ tham gia? Trung Quốc sẽ bung toàn lực hay chỉ sử dụng một hạm đội nào đó có tăng cường để gây chiến với Việt Nam?
Lật lại trang chiến tranh Việt Nam – Mỹ. Việt Nam thắng nhưng trên phương diện là làm cho Mỹ không leo thang chiến tranh; làm cho Mỹ phải rút quân về nước; làm cho chế độ mà Mỹ dựng lên sụp đổ để Việt Nam thống nhất. Thời điểm đó Mỹ có khả năng thực hiện một lúc 2 cuộc chiến tranh rưỡi và còn cả khối NATO nhưng Mỹ không thể tập trung toàn bộ lực lượng dù chỉ 1/4 sức mạnh bởi lợi ích ở Việt Nam của Mỹ không là gì so với lợi ích toàn cầu của Mỹ. Mỹ thất bại tại Việt Nam là sự thật, là do không hiểu Việt Nam nhưng cho rằng Mỹ yếu kém, hèn nhát, nhu nhược, thì chẳng khác nào “nghé không sợ cọp”. (Giá như hồi đó Việt Nam đối xử với Mỹ như Lê Lợi-Nguyễn Trãi đối xử với nhà Minh; như Nguyễn Huệ đối xử với nhà Thanh thì lịch sử ít nhất cũng không lùi lại 20 năm. Nhưng lịch sử thì không có “giá như”, đúng không?)
Trung Quốc thì khác Mỹ. Nếu như Mỹ không thể thì Trung Quốc là không dám đem hết toàn bộ lực lượng để “dạy cho Việt Nam một bài học” như họ từng nói. Bởi thứ nhất là: Ngay như Việt Nam năm 1975 mặc dù phải tung hết lực lượng vào miền Nam nhưng Tướng Giáp vẫn kiên quyết để lại Sư 308 – sư đoàn thiện chiến nhất của Việt Nam lúc bấy giờ làm nhiệm vụ “Cận vệ”. Dù đã có đủ cơ sở để khẳng định “có cho kẹo Mỹ cũng không can thiệp trở lại Viêt Nam” nhưng Tướng Giáp và Bộ Chính trị Đảng CSVN vẫn dự kiến tình huống xấu nhất xảy ra cho miền Bắc trước một thế lực khác ngay khi chưa lộ mặt. Huống chi ngày nay Trung Quốc không có bạn, thời gian gần đây lại đi gây thù chuốc oán thêm nên xung quanh chỉ có cựu thù, họ nhìn Trung Quốc với con mắt cảnh giác, họ tăng cường tiềm lực quân sự để sẵn sàng đối phó với Trung Quốc mà Trung Quốc lại đi “dốc hết túi cho một kênh bạc chưa đâu vào đâu” thì quả là mạo hiểm về chiến lược và ngu xuẩn về chiến thuật. Điều thứ hai là tình hình chính trị xã hội Trung Quốc rất bất ổn. Có lẽ đây là điều nguy hiểm nhất. Bởi không phải ai trong giới cầm quyền Bắc Kinh cũng muốn đánh Việt Nam và nếu dùng hết toàn bộ lực lượng hiện có tấn công(với giả thiết các nước láng giềng xung quanh là bạn và không có nguy cơ nào thách thức đến an ninh quốc gia từ bên ngoài) thì kết quả bắt buộc phải thắng nhưngthắng nhanh. Không thắng coi như tự sát, nhưng thắng không nhanh cũng gây nên thảm họa trong nước (nội bộ thì đấu đá hạ bệ nhau, bạo loạn, ly khai…) cũng coi như tự sát (Hình như cư dân mạng của Trung Quốc cũng sợ chuyện này nên mới vạch ra kế hoạch nổi tiếng táo bạo 31 ngày thì phải).
Giá như giới quân sự Trung Quốc trả lời chắc chắn được câu hỏi có “thắng nhanh” hay không? Nhưng rất tiếc, câu trả lời là của phía Việt Nam.
Vậy là đã rõ, lực lượng mà HQNDVN phải đối mặt nếu như không nhầm thì là Hạm đội Nam Hải được tăng cường lực lượng không quân và tên lửa đạn đạo. Có thể nói lực lượng, trang bị vũ khí của Hạm đội này cũng áp đảo, vượt trội so với Hải quân Việt Nam chứ không phải là chuyện đùa. Đây là Hạm đội chủ lực mạnh nhất, hiện đại nhất của Trung Quốc và duy nhất trong 3 hạm đội của Trung Quốc được biên chế 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ. Điều này cũng chứng tỏ nhiệm vụ và đối tượng tác chiến của Hạm đội Nam Hải là ai rồi.
Một trang sử mới với một hình thái chiến tranh mới – chiến tranh trên biển trong sự nghiệp giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc của chúng ta bắt đầu.
Nếu Mỹ tấn công Việt Nam với mục đích đạt được như Trung Quốc, theo kịch bản mà Mỹ từng sử dụng ở Irắc, Coxovo, Apganixtan thì Mỹ sẽ sử dụng đòn tấn công tên lửa, pháo hạm từ tàu ngầm, tàu nổi, cùng với máy bay cường kích tên lửa chiếm lĩnh bầu trời đồng loạt vào các vị trí sân bay, bến cảng, các trạm radar của Việt Nam. Mỹ có thể làm chủ cuộc tấn công nếu như Mỹ với hàng trăm máy bay trên tàu sân bay làm chủ được vùng trời. Đây cũng là ưu thế quyết định nhất của các trận hải chiến. Bởi vì lực lượng không quân hải quân là lực lượng nguy hiểm nhất để áp chế, khống chế hoặc tiêu diệt nhanh nhất lực lượng tàu nổi, lực lượng tên lửa bờ, sân bay, bến cảng. Và tất nhiên kết quả phụ thuộc lớn về việc Không quân hải quân Việt Nam có giằng co được với đối phương trên vùng trời của vùng biển xảy ra tác chiến hay không. Nếu giằng co được thì có cơ hội phản công, nếu không thì chấp nhận trở về thời kỳ trước năm1975 thực hiện chiến tranh du kích.
Nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam cũng có kịch bản tương tự Mỹ thôi nhưng ưu thế quyết định nhất của các trận hải chiến thì Việt Nam nắm giữ bởi lẽ không quân hải quân Trung Quốc chưa đủ cơ để vươn ra đến khu vực xảy ra tác chiến. Trung Quốc lại không có khả năng tấn công từ xa ngoài “tầm với” của đối phương như Mỹ, vì thế bắt buộc họ phải tiếp cận gần hơn, mà gần hơn thì nằm trong tầm hỏa lực của các lực lượng phòng thủ biển Việt Nam. Vì vậy dù lực lượng tàu ngầm, tàu nổi, tên lửa hiện đại của Trung Quốc không kém Mỹ là bao nhưng do không khống chế làm chủ vùng trời nên tạo điều kiện cho tàu ngầm, tàu mặt nước, không quân hải quân Việt Nam “nhở nhơ” tha hồ lựa chọn phương án đáp trả. (Có lẽ bây giờ ta mới hiểu vì sao Trung Quốc lại có mơ ước khát khao cháy bỏng là làm sao để có tàu sân bay đến thế. Họ đã có nó, tuy nhiên chờ đến lúc được như Mỹ bây giờ là một khoảng thời gian dài).
Lối đánh và NMD Made in Vietnam
Ngày nay, hoạt động tác chiến để giữ biển đảo của Viêt Nam hiện nay xảy ra trong một không gian rộng và sâu bao gồm trên không, trên biển, trong lòng biển và dưới đáy biển. Tương ứng với nó là các lực lượng không quân hải quân; tàu mặt nước; tàu ngầm; thủy lôi, mìn và lực lượng phòng thủ bờ biển.
Hải chiến ngày xưa thì các lực lượng này của hai bên thường tìm cách tiếp cận nhau, gặp nhau là bắn nhau như vãi đạn. Hải chiến hiện đại ngày nay thì khác, các lực lượng này hiếm khi đối mặt nhau mà chỉ tiêu diệt nhau khi khoảng cách còn rất xa. Vì thế kẻ nào nhìn xa hơn, vũ khí có tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao hơn là kẻ đó thường chiếm ưu thế (nói là thường vì trong trận hải chiến tháng 10/1973 giữa hải quân Israel với Ai cập và sau đó là Syria thì tàu tên lửa của hải quân Ai Cập và Syria tầm bắn lớn hơn tàu tên lửa của Israel gấp 2,5 lần. Nhưng do chiến thuật và gây nhiễu tốt nên khi tàu tên lửa của Ai Cập và Syria tấn công ngoài tầm hỏa lực của tàu tên lửa Israel mà không trúng mục tiêu thì lập tức tàu tên lửa Israel vận động tiếp cận đến đúng tầm hỏa lực của mình phóng tên lửa diệt gọn) Tuy nhiên có một điều cần hiểu là khoảng cách còn rất xa đó là xa bao nhiêu? Đây là vấn đề tuyệt mật quân sự. Bạn có thể biết tàu này, máy bay kia trang bị vũ khí này nọ nhưng bạn không thể biết tầm bắn có hiệu quả của nó là bao nhiêu km ngoài người làm chủ phương tiện đó ra. Vì thế hải chiến, không chiến hiện đại vẫn phải có các hành động đợi cơ, phục kích, hoặc vận động tiếp cận mục tiêu làm sao có lợi nhất để phát huy hỏa lực của mình. Như vậy không có nghĩa những tàu chiến hiện đại nhất được trang bị hỏa lực phòng, chống đầy mình là miễn bị tiêu diệt, tấn công.
Từ kinh nghiệm chiến tranh với Mỹ, như trong trận hải chiến ngày 19/4/1972 Lực lượng Hạm đội 7 Mỹ mạnh như vậy, bầu trời, vùng biển Việt Nam bị khống chế, phong tỏa như thế mà hải quân và không quân Viêt Nam vẫn hợp đồng tập kích làm cho 4 tàu chiến hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ bị bất ngờ, rối loạn, lúng túng đối phó và bị dính đòn đau. Vì thế, để chống lại một lực lượng hải quân mạnh, hiện đại tầm cỡ như Trung Quốc, Mỹ thì nguyên tắc sống còn trong tấn công đối phương là cơ động nhanh, bí mật, tập kích bất ngờ với các đòn dồn dập, nhiều hướng, nhiều chiều, nhiều phương tiện hỏa lực vào một mục tiêu làm cho đối phương lùng túng, rối loạn dễ bị tiêu diệt hoặc bị thiệt hại nặng nề. Tình thế hôm nay Việt Nam càng thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều lần so với thời đánh Mỹ, do đó nguyên tắc sống còn trong tấn công trên biển này càng phát huy uy lực. Các tàu, xuồng phóng lôi, tên lửa loại nhỏ tốc độ cao Việt Nam đang đóng hàng loạt có thể đợi cơ phục kích ở bất cứ nơi đâu trên cửa sông, luồng lệch và gần 3000 hòn đảo lớn nhỏ của bờ biển Việt Nam được sự hỗ trợ của không quân, lực lượng trên đất liền tùy theo tình hình tác chiến sẽ là một mối nguy hiểm cực lớn, tiềm tàng rất khó đối phó. Bất kỳ lực lượng tuần dương hạm, khu trục hạm nào dù hiện đại đến đâu mà “mon men” vào vùng biển và hải đảo của Việt Nam thì ngoài việc phải tập trung đối phó tương xứng với các máy bay, tàu chiến hiện đại của Việt Nam còn bị nguy cơ tiêu diệt rất cao bởi những con tàu “đặc nhiệm” này. Sự phối hợp bộ 3 giữa tàu tên lửa, phóng lôi loại nhỏ tốc độ cao và tàu ngầm với không quân phục kích hay tập kích có vẻ như trở thành loại hình tác chiến cơ bản, sở trường của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Hải chiến hiện đại với vũ khí công nghệ cao thì ngư lôi, tên lửa là hỏa lực chủ yếu mà bên này dùng để tiêu diệt bên kia và ngược lại, trong đó tên lửa là hỏa lực chính. Đến đây một bài toán hóc búa đặt ra là làm thế nào để cho tên lửa, ngư lôi của ta phóng ra là trúng đích và làm gì để vô hiệu hóa hoặc ít ra là hạn chế tên lửa, mgư lôi của đối phương?
Việt Nam nghèo không có cơ sở vật chất kỹ thuật để bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa như Mỹ, điều đó không có nghĩa là chỉ biết trương mắt nhìn tên lửa bay vào lãnh thổ mà chịu. Để đánh chặn các đòn tấn công bằng tên lửa hành trình, đạn đạo, máy bay tàng hình tầm thấp của đối phương, Việt Nam phải xây dựng, bố trí các tổ hợp phòng không nhiều tầng nhiều lớp nghĩa là các vùng lưới lửa như thời chống Mỹ với các cỡ nòng từ 12ly7 trở lên ở những hướng mà tên lửa, máy bay có thể xuất hiện. Các vị trí quan sát bằng kỹ thuật ở bờ biển, hải đảo sẽ thông báo cho tổ hợp phòng không biết tên lửa bay theo hướng nào, độ cao bao nhiêu, thời gian bao lâu để đồng loạt khai hỏa. Máy bay tuy tốc độ thấp nhưng đường bay không cố định; tên lửa có tốc độ cao thì đường bay lại cố định. Thuận lợi và khó khăn khi đánh chặn 2 loại này như nhau nhưng cũng lưới lửa này Việt Nam đã từng tiêu diệt máy bay F111 cánh cụp cánh xòe tốc độ siêu thanh thì ngày nay mọi điều đều có thể. Ngoài ra Việt Nam cũng phải học cách rải nhiễu, gây nhiễu của B52 Mỹ trong chiến dịch Linebacker; tạo ra các khu vực nhiễu loạn điện từ để tên lửa bay qua vùng đó thì mất điều khiển tự nổ hoặc ít nhất cũng phải hạn chế tối đa độ chính xác của tên lửa đến mục tiêu…
Như vậy, căn cứ vào nội lực và động thái chuẩn bị của Việt Nam thì bất kỳ một quốc gia nào trừ Mỹ mở một cuộc chiến tranh trên biển với Việt Nam, chẳng hạn Trung Quốc đang coi Trường Sa của Việt Nam và 80% diện tích biển Đông là lợi ích cốt lõi thì điều đó (gây chiến tranh) có thể xảy ra thì nên bây giờ hoặc không bao giờ. Nhưng với nhãn quan của mình tôi cho rằng điều đó đã qua và ngay bây giờ cũng là quá khó. Không những Việt Nam đã mạnh lên rất nhiều mà tình hình khu vực đã thay đổi chóng mặt không có lợi cho Trung Quốc tý nào. Trung Quốc đã như hay bị coi như Liên Xô trước kia? Liệu một cuộc chiến tranh lạnh có xảy ra nữa không? Phản ứng của Trung Quốc nói lên điều gì? Chúng ta chờ xem.
Lê Ngọc Thống
 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 28-9-11Báo chí Trung Quốc lên án hợp tác năng lượng Việt Nam-Ấn Độ

Một giàn khoan dầu của tập đoàn Ấn Độ ONGC ( ảnh: en.wikipedia.org)
Một giàn khoan dầu của tập đoàn Ấn Độ ONGC ( ảnh: en.wikipedia.org)

Đức Tâm
Hôm nay, 22/09/2011, Bắc Kinh chính thức có phản ứng về việc Việt Nam và Ấn Độ hợp tác thăm dò khai thác dầu khí tại Biển Đông. Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc, được Reuters trích dẫn, tố cáo dự án thăm dò dầu khí giữa hai tập đoàn của Nhà nước Ấn Độ và Việt Nam là ONGC và Petrovietnam, ở phía tây quần đảo Trường Sa, trên Biển Đông, có nguy cơ tác động xấu đến quan hệ với Trung Quốc, đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của cả Việt Nam và Ấn Độ.

Theo tờ báo, thì cả hai khu vực nằm trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và đó là một sự vi phạm đối với chủ quyền Trung Quốc. Cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc cảnh báo, nếu Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục dự án thì điều này có thể làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc cũng như đối với « sự ổn định và phát triển kinh tế hòa bình trên toàn Biển Đông, các mất mát sẽ lớn hơn những khoản lợi ».
Mặc dù không nêu đích danh Việt Nam và Ấn Độ, nhưng hôm thứ hai, 19/09, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố rằng mọi dự án hợp tác đều là «bất hợp pháp và không có giá trị» nếu không có sự chấp thuận của Trung Quốc.
Tuần trước, chính quyền New Delhi nói rằng các doanh nghiệp của Ấn Độ, trong đó có tập đoàn ONGC Videsh (OVL) và một chi nhánh của tập đoàn Essar Oil đang mở rộng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng.
Theo giới quan sát, Ấn Độ đang tìm cách gia tăng sự hiện diện trong khu vực và giữa năm nay, một tàu hải quân của Ấn Độ khi đang di chuyển ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam đã nhận được một thông điệp từ phía tàu Trung Quốc nói rằng đó là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Việc Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam cũng phần nào đáp trả lại hàng loạt dự án của Trung Quốc trong khu vực Nam Á.
Ấn Độ (năm 1962) và Việt Nam (năm 1979)  có xung đột biên giới với Trung Quốc. Tuy nhiên, các mối quan hệ này hiện nay ổn định hơn, cho dù Hà Nội và Bắc Kinh vẫn có những tranh chấp về chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông.
Hiện có 6 quốc gia và lãnh thổ đang tranh chấp chủ quyền trong khu vực quần đảo Trường Sa, đó là Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông.
Trong tháng Năm và tháng Sáu vừa qua, chính quyền Hà Nội đã tố cáo tàu Trung Quốc quấy nhiễu và đe dọa các tàu Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bắc Kinh đáp lại rằng các hoạt động của tàu bè Trung Quốc không có gì là sai phạm.
Theo Reuters, giới doanh nhân và các nhà ngoại giao cho biết là Trung Quốc đã tìm mọi cách ngăn cản các công ty nước ngoài hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò khai thác dầu khí tại Biển Đông. Vào năm 2007, công ty BP Plc đã phải ngừng các dự án thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam dưới sức ép của Trung Quốc.
Ngày 19/09/2011, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định rằng những dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài, như trường hợp với ONGC của Ấn Độ, đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, « hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam » và «các ý kiến phản đối sự hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vô giá trị ».
Theo RFI


Việt Nam có thể mua tên lửa BrahMos
Cập nhật lúc :3:00 PM, 20/09/2011
Theo tờ The Asian Age, Công ty liên doanh Ấn Độ và Nga BrahMos Aerospace có thể sẽ bán tên lửa hành trình siêu âm BrahMos cho Việt Nam.

Tên lửa hành trình BrahMos phóng từ tàu chiến.
(ĐVO) Theo nguồn tin, Việt Nam nằm trong danh sách 15 “quốc gia thân thiện” có thể xuất khẩu tên lửa BrahMos. Danh sách này được quyết định bởi Ủy ban giám sát Nga - Ấn. Dù vậy, mọi bản hợp đồng đều phải có sự thông qua của chính phủ Ấn Độ. 

“Đã có cuộc đàm phán không chính thức nhưng không có bất kỳ đề nghị cụ thể nào được đưa ra,” nguồn tin cho hay. 

“Các hợp đồng mua tên lửa BrahMos có giá trị to lớn cho Việt Nam và nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu quân đội nước này,” nguồn tin này nói.

Tên lửa BrahMos là sản phẩm hợp tác giữa công nghiệp quốc phòng giữa Nga và Ấn Độ, được phát triển dựa trên tên lửa chống hạm Yakhont của Nga. Việt Nam cũng đang sở hữu một số tên lửa Yakhont phóng đi từ hệ thống Bastion. 

Nếu được trang bị thêm tên lửa BrahMos, việc triển khai tên lửa chống hạm của Việt Nam sẽ linh hoạt hơn vì BrahMos có thể được phóng đi từ nhiều phương tiện trên đất liền, trên biển và trên không.

Hiện nay, tên lửa hành trình siêu âm BrahMos vẫn chưa xuất khẩu cho bất kỳ quốc gia thứ ba nào mặc dù được nhiều nước để ý.

Trong một động thái tăng cường mối quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Shashi Kant Sharma đã có chuyến thăm tới Việt Nam. Sự kiện này diễn ra chỉ vài tuần sau chuyến thăm của tàu Hải quân Ấn Độ INS Airavat tới Nha Trang, Khánh Hòa. Tag: Tên lửa chống hạm

Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos được thiết kế chủ yếu cho nhiệm vụ chống hạm. Tên lửa có khả năng phóng từ nhiều phương tiện: tàu chiến, tàu ngầm, máy bay và bệ phóng di động trên đất liền. BrahMos mang đầu đạn nặng 300kg, tầm bắn lên tới 290km, tốc độ Mach 2.8-3.

Đặc biệt, các biến thể mới của BrahMos được kỳ vọng có thể đạt tốc độ Mach 5-7, khiến tất cả các hệ thống phòng thủ của chiến hạm không kịp phản ứng.

Việt - Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng

Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Mỹ lần thứ hai hôm qua diễn ra tại Washington và hai bên ký Bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương một cách thiết thực, vì lợi ích mỗi nước và duy trì hoà bình khu vực.
Việt - Mỹ đối thoại an ninh quốc phòng / Đối thoại chiến lược

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh và Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Scher ký Bản ghi nhớ. Ảnh: TTXVN
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, và ông Robert Scher, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đồng chủ trì cuộc đối thoại lần này. Việt Nam và Mỹ đều bày tỏ hài lòng về kết quả hợp tác quốc phòng thời gian qua.
Hai trưởng đoàn nhất trí cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ một cách thiết thực, vì lợi ích của mỗi nước đồng thời để góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Robert Scher đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng hai nước về thúc đẩy hợp tác song phương.
Văn bản trên có tính chất định hướng cho sự phát triển quan hệ quốc phòng Việt -Mỹ. Chính sách đối ngoại và chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ của Việt Nam, theo tinh thần chủ động hội nhập quốc tế mà Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra, và sự công khai, minh bạch, rõ ràng trong chính sách quốc phòng của Việt Nam cũng được thể hiện rõ trong văn kiện này.
Hai bên cũng thống nhất việc hướng tới phát triển quan hệ quốc phòng trước tiên tập trung vào 5 lĩnh vực là thiết lập các cơ chế đối thoại thường xuyên cấp cao giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam; An ninh biển; Tìm kiếm cứu nạn; Nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thảm họa.
Đoàn đại biểu Việt Nam cũng thông báo với phía Mỹ kết quả Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đầu năm 2011. Trong khi đó, phía Mỹ thông báo về sự hiện diện của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cũng trong dịp này, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và đoàn Việt Nam còn có các cuộc gặp gỡ với một số nghị sĩ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng của Mỹ.

(TTXVN)


Ngoại trưởng Ấn Độ công du Việt Nam với Biển Đông trong chương trình nghị sự

Tàu Hải quân Ấn Độ Navy INS Airavat
Tàu Hải quân Ấn Độ Navy INS Airavat
Theo India Navy

Trọng Nghĩa
Theo báo chí Ấn Độ vào hôm nay, 13/09/2011, ngoại trưởng Ấn Độ S. M. Krishna sẽ công du Việt Nam trong 4 ngày kể từ ngày mai 14/09. Khi được hỏi về khả năng hai bên có sẽ thảo luận hay không về vụ tầu Airavat của Ấn bị hải quân Trung Quốc “sách nhiễu” tại Biển Đông, ngoài khơi Việt Nam, các nguồn tin chính thức tại New Delhi xác định rằng hai bên “không loại trừ bất kỳ chủ đề nào”.

Ngoại trưởng Ấn Độ đến Hà Nội từ ngày 14/09 đến ngày 17/09, để cùng với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh chủ trì kỳ họp của Uỷ ban Hỗn hợp Việt - Ấn lần thứ 14. Ngoài ra, chuyến đi này cũng nhằm chuẩn bị cho chuyến công du Ấn Độ của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào tháng tới.
Theo phía Ấn Độ, chương trình nghị sự của cuộc họp khá rộng, và hai bên có thể mở rộng thảo luận ra bất kỳ lãnh vực nào. Theo nhật báo Ấn Độ Times of India, chính quyền New Delhi đã phải xác định như trên, sau khi bị chất vấn là liệu có sẽ cùng thảo luận với phía Hà Nội về vụ tàu Airavat hay không.
Xin nhắc lại là “sự cố Airavat” xẩy ra ngày 22/07, khi chiến hạm Ấn Độ bị hải quân Trung Quốc “quấy nhiễu” vào lúc đang trên đường từ Nha Trang ra Hải Phòng trong khuôn khổ một chuyến ghé thăm hữu nghị Việt Nam. Dù di chuyển cách bờ biển Việt Nam chỉ 45 hải lý mà thôi, nhưng chiếc tàu Ấn Độ đã bị hải quân Trung Quốc hạch hỏi là làm gì trong vùng biển thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.
Hành động của hải quân Trung Quốc đã được nhiều chuyên gia cho là nhắm thách thức cả Việt Nam lẫn Ấn Độ. Phản ứng của Việt Nam trước vụ này bị cho là quá yếu ớt. Ngày 25/08 khi được hỏi về sự cố liên quan đến tàu Airavat bị tàu Trung Quốc khiêu khích ngay tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phát ngôn viên bộ ngoại giao đã từ chối bình luận, khi cho rằng Việt Nam “Không có thông tin như phóng viên hỏi”.
Phản ứng phía Ấn Độ được cho là cứng rắn hơn, khi bộ Ngoại giao nước này khẳng định quyền tự do lưu thông trên các vùng biển quốc tế, kể cả Biển Đông và yêu cầu mọi quốc gia tôn trọng quyền qua lại theo luật pháp quốc tế.
Theo nhật báo Times of India, không chỉ có Ấn Độ là bị Trung Quốc sách nhiễu như trên, mà tàu của các nước như Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei đều đã ghi nhận những sự cố tương tự, chứng tỏ rằng Bắc Kinh ngày càng có thái độ quyết đoán hơn trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, Times of India ghi nhận là Ấn Độ và Việt Nam đã tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh, với việc New Delhi tham gia đào tạo nhân lực, đồng thời cung cấp cho Việt Nam các loại phụ tùng dùng cho tàu chiến, phi cơ do Nga chế tạo.
Kỳ họp của Uỷ ban Hỗn hợp Việt - Ấn lần này được mở ra không đầy một tháng sau cuộc Đối thoại Chiến lược lần thứ 2 và Tham khảo Chính trị lần thứ 5 diễn ra trong hai ngày mùng 8 và mùng 9 tháng 8 tại Hà Nội ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao.
Theo nguồn tin từ bộ Ngoại giao Việt Nam, trong các cuộc họp kể trên, hai bên đã đề cập đến nhiều hồ sơ, trong đó có vấn đề hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước, đồng thời cho rằng “cần giải quyết vấn đề Biển Đông bằng những biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS 1982”.
Theo RFI