Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Các phương pháp lai tạo gà


Các phương pháp lai tạo gà


Lai tạo bao gồm hai vai trò là “cải thiện” và “duy trì”. Hầu hết thông tin trong lãnh vực lai tạo đều tập trung vào vai trò “cải thiện”, và nó thường được mô tả như là “lai tạo những cá thể tốt nhất”. Trên thực tế, việc loại bỏ tính trạng xấu và tuyển chọn tính trạng tốt sẽ cải thiện dòng gà theo thời gian. Tính trạng tốt xuất hiện ngày càng nhiều cũng như tính trạng xấu ngày càng ít đi, điều này được gọi là “tăng tốt giảm xấu”.


Vai trò “duy trì” nhằm đảm bảo sự đa dạng gien cần thiết của bầy đàn để có thể lai tạo trong nhiều thế hệ mà không sợ dòng gà bị suy. Vì vậy, vai trò “duy trì” tập trung vào việc kiểm soát mối quan hệ giữa các cá thể trong bầy đàn; dựa vào mối quan hệ mà cá thể nào được phép lai với cá thể nào. Có những mối quan hệ mà chúng ta sử dụng hoặc cố tránh. Chẳng hạn lai giữa gà trống và gà mái cùng bầy là hình thức lai cận huyết sâu. Tuy nhiên, lai giữa anh chị em họ xa hoặc cô dì, chú bác lại đỡ cận huyết hơn. Lai cận huyết sâu có thể khiến dị tật xuất hiện. Bởi vậy, ý tưởng lai tạo là “đủ xa để bớt dị tật nhưng đủ gần để duy trì tính trạng”.


Dưới đây là một số phương pháp lai tạo gà phổ biến. Điều thú vị là hầu hết các phương pháp lai tạo gà đều bắt nguồn từ kinh nghiệm của các sư kê (cocker) và nay lại áp dụng để lai tạo gà kiểng.


Lai xa (out-and-out breeding) là phương pháp lai gà mái nhà với gà trống lấy từ nơi khác về. Bằng phương pháp này, bạn có thể giữ lại toàn bộ gà mái và nuôi chung một đàn. Gà trống lấy về có thể cùng một giống nhưng mỗi năm đổi một con mới. Đây là phương pháp thịnh hành trong giới nuôi gà-cá ở ta bởi có câu “chó giống cha, gà-cá giống mẹ” nên người ta chỉ giữ lại “mái bổn”, còn trống được tuyển lựa từ nơi khác để tránh “đồng huyết”. Phương pháp này đem lại sự đa dạng về gien và bầy lai mạnh khỏe tuy nhiên tính trạng bầy lai thường thiếu ổn định, chất lượng… hên xui!


Dòng-Out-and-Out-Kelso


Lai dựa (flock-sourcing) cũng là một dạng lai xa nhưng khác ở chỗ bạn luôn lấy gà trống từ một nguồn - chẳng hạn từ nhà lai tạo danh tiếng nơi bạn mua gà giống. Điểm thuận lợi của phương pháp này đó là tính trạng được cải thiện dần tùy thuộc vào dòng gà của nhà lai tạo. Điểm bất lợi ở chỗ bạn phải loại bỏ hết gà trống của mình và chất lượng dòng gà phụ thuộc vào người khác.


Cải thiện (grading): trường hợp bạn có dòng gà lai cận huyết quá sâu hoặc cần cải thiện máu mới thì bạn có thể lai xa một đời rồi lai dựa về dòng cũ (trong ngữ cảnh này người ta thường dùng từ "lai ngược" - back breeding). Theo kinh nghiệm, nếu kiên trì lai dựa từ 6 đến 8 đời thì bạn có thể khôi phục lại dòng thuần.


Lai bầy (flock-mating) là phương pháp lai theo bầy. Để hệ thống này tự vận động, bạn nên sử dụng 20 gà trống ghép với từ 180 đến 200 gà mái. Bầy gà sẽ tự quyết định việc ghép cặp sinh sản. Đây là kiểu lai tạo phổ biến trong các trại nuôi gà. Họ thường xuyên loại bỏ hết gà lớn tuổi mỗi năm và chỉ giữ lại những con gà tơ tốt nhất để lai tạo tiếp. Với phiên bản nhỏ hơn cho vườn nhà, bạn có thể duy trì theo tỉ lệ 1 trống – 5 đến 12 mái. Lưu ý, đây là cách lai tạo gà thịt!


Lai cuốn (rolling-mating) là phương pháp phân đàn gà ra làm hai vào mỗi mùa sinh sản. Gà mái tơ ghép với gà trống trưởng thành. Gà trống tơ ghép với gà mái trưởng thành. Vào cuối mùa sinh sản, gà mái tơ và gà mái trưởng thành được gộp chung và tuyển chọn những con tốt nhất làm giống cho mùa sau. Với gà trống cũng thực hiện tương tự. Phương pháp này vừa cải thiện chất lượng bầy gà qua mỗi mùa mà vẫn giữ được sự đa dạng về gien. Tỷ lệ thả gà thích hợp là 1 trống – 10 mái, với những giống gà lớn, nặng nề thì dùng tỉ lệ 1 trống – 8 mái.


Lai dòng (clan-mating) là phương pháp phân đàn gà thành ít nhất 3 dòng. Có hai cách duy trì dòng: theo mẹ (matriarchal) hoặc theo cha (patriarchal). Cá thể cùng dòng không bao giờ được lai với nhau mà phải lấy từ dòng khác. Qua quá trình lai tạo, các dòng đều ít nhiều có quan hệ huyết thống. Một con gà trống xuất sắc có thể được lai với tất cả gà mái ở dòng khác.


Nếu lai dòng mẹ thì thường ghép theo cặp. Trứng và gà con do gà mái đẻ ra được đánh dấu theo dòng mẹ. Nếu cặp gà cho kết quả tốt thì được giữ lại để đổ mãi bằng không thì đổi trống khác coi kết quả ra sao.


Nếu dòng cha thì thường ghép theo bầy với một gà trống và nhiều gà mái có quan hệ gần.


Lai xoay (spiral-mating) là phương pháp phân đàn gà ra làm ít nhất ba dòng. Chẳng hạn, mùa đầu tiên gà mái được chia thành 3 dòng đặt tên là “xanh”, “đỏ” và “vàng”. Gà trống được tuyển chọn để lai với mỗi dòng gà mái. Tất cả gà con được đánh dấu theo tên dòng mẹ. Vào mùa thứ hai, gà mái tơ được ghép chung với dòng mẹ. Tuy nhiên gà trống tơ lại được ghép sang dòng khác, chẳng hạn trống tơ “xanh” được ghép qua dòng “đỏ”, trống tơ “đỏ” được ghép qua dòng “vàng”, trống tơ “vàng” được ghép qua dòng “xanh”. Như vậy, gà trống không bao giờ được lai cùng dòng mà “xoay” giữa các dòng. Bạn cần ghi chú để nhớ quy luật “xoay”, chẳng hạn gà trống tơ “xanh” luôn được ghép với dòng “đỏ”.


Điểm thuận lợi của phương pháp lai xoay là bạn không lai cận huyết quá sâu và có thể duy trì đàn gà cả chục năm mà không cần lai xa. Nếu bạn quyết định lai xa thì gà trống mới có thể được ghép vào một dòng gà có sẵn, gà mái mới có thể tự lập thành dòng mới, thay thế cho dòng gà kém chất lượng hoặc được ghép vào dòng có sẵn. Lai xoay chẳng qua là một trường hợp đặc biệt của lai dòng.


-------------------------------------------------------------------------------


Lưu ý
*Hãy chọn phương pháp lai tạo phù hợp với hoàn cảnh của bạn. Nhà lai tạo nhiều kinh nghiệm thường tùy cơ ứng biến hoặc kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Có người lai hai đợt mỗi năm, có người lai một đợt mỗi năm tùy điều kiện.


*Bạn cần ghi chép để nắm rõ thông tin về quá trình lai tạo. Lai dòng cần theo dõi đến từng cá thể. Lai dòng mẹ cần rất nhiều ghi chép để biết chính xác nguồn gốc của từng cá thể. Lai cuốn và lai xa ít đòi hỏi ghi chép hơn. Dẫu vậy, tốt nhất bạn nên ghi chép mỗi năm một lần khi bầy gà ra đời.


*Gà lớn quá nhanh sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ. Lưu ý điều này trong việc nuôi dưỡng và tuyển chọn.


*Một số cá thể thay lông sớm nên trông xấu hơn những con cùng độ tuổi. Không nên để điều này ảnh hưởng đến quy trình tuyển chọn của bạn.


-------------------------------------------------------------------------------


Lai-tuyển-chọn
Cách-giữ-dòng-gà-đá
Cách-mà-tôi-lai-tạo-và-duy-trì-dòng-Sweater-(Ray-Boles)
Phương-pháp-ghép-dòng-gà-đá
Cách-lai-tạo-chiến-kê
Bắt-cặp-tự-nhiên-có-kiểm-soát
Gà Mỹ: cách-chọn-gà-giống
Các-phương-pháp-đánh-dấu-gà
thay đổi nội dung bởi: vnreddevil, ngày 15-08-2011 lúc 04:39 PM