Sunday, 08.21.2011, 08:04pm (GMT-7)
GiadinhNet - Bình rượu sẫm màu ngâm rễ, thân hoặc quả thuốc phiện được cánh mày râu truyền tai nhau là thần dược tăng "bản lĩnh đàn ông".
Họ san sẻ cho nhau từng chai rượu ngâm như một món quà quý. Từ lời đồn thổi, không ít bà vợ cũng lùng tìm bằng được thứ "thần dược" này với niềm tin mãnh liệt sẽ tăng cường "khả năng" cho đức lang quân.
Tin đồn lan nhanh
Thời gian gần đây, nhiều người dân các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội lại rộ lên phong trào uống rượu ngâm rễ, thân hoặc quả thuốc phiện. Những lời truyền tai nhau về bài thuốc bí truyền của người dân tộc, có công dụng tăng cường khả năng sinh lý đã khiến loại rượu này thêm huyền bí.
Anh Nguyễn Văn Hải (quê ở Thanh Hóa), hiện đang công tác trong ngành công nghệ ở tỉnh Thái Nguyên kể: "Có người bạn ở trên Sơn La gửi cho một chai rượu nhỏ màu rất sánh và trông có vẻ đặc, bảo đó là rượu được chắt từ bình ngâm rễ cây thuốc phiện rất tốt cho sức khỏe. Cậu bạn còn dặn đi dặn lại rượu quý lắm nên đừng cho ai. Nhưng nghe người ta bảo, chỉ ở độ tuổi trên 40 mới được uống rượu ngâm nên tôi cũng vẫn còn để đó, chưa dùng. Có lẽ tôi sẽ gửi cho ông cụ ở nhà đổ thêm rượu trắng vào ngâm cùng cho bớt đặc".
Anh Bùi Văn Hoàng (nhà ở Thành Công, Hà Nội) thì được bạn tặng hẳn một bình rượu lớn ngâm cả rễ và thân cây cắt khúc. "Nghe nói uống rượu ngâm rễ, thân cây thuốc phiện rất tốt cho sức khỏe. Thậm chí ai yếu sinh lý mà uống loại rượu này vào thì sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Bình rượu này do một người bạn đã gửi cho, nghe nói mua rất đắt nên cậu ấy dặn tôi uống đều đặn sẽ có lợi cho sức khỏe", anh Hoàng kể. Hôm nào tụ tập bạn bè, anh Hoàng lại chắt ít "rượu quý" đãi bạn và tặng những người thân thiết.
Không ít bà vợ nghe tin đồn về loại rượu tráng dương này đã cất công hỏi han, nhờ người quen tìm mua cho bằng được. Chị Phạm Thị Oanh (ở Cầu Diễn, Hà Nội) kể, nghe người bạn học cùng hiện công tác ở Yên Bái nói trên đó người ta đang kháo nhau về loại rượu "thần dược" tráng dương từ mấy năm nay, nên quyết nhờ người bạn đó mua cho bằng được với giá gần 3 triệu đồng một bình nhỏ.
Khoảng 2 năm trước, phong trào uống rượu ngâm cây thuốc phiện rộ lên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai... Chưa rõ thực hư công dụng thực của loại rượu này ra sao, nhưng rượu ngâm rễ cây thuốc phiện đã trở thành đặc sản, thành món quà biếu giá trị mỗi khi người các tỉnh miền núi xuống miền xuôi công tác hay thăm họ hàng, anh em. Có loại bình chỉ ngâm bằng thân và rễ cây thuốc phiện; nhưng cũng có loại rượu được ngâm bằng cả thân, rễ và quả thuốc phiện. Những bình ngâm quả thuốc phiện còn tươi nguyên chưa bị khứa (lấy nhựa) thường được giới sành uống đánh giá là "chất" hơn loại rượu ngâm từ những quả có các vết khứa đều trên thân. Tuy nhiên, phổ biến ở trong một bộ phận nam giới Hà Nội truyền tay nhau uống hiện nay là loại rượu được ngâm bằng thân và rễ cây thuốc phiện. Những bình rượu ngâm cả quả, đặc biệt là quả tươi chưa khứa, hiếm gặp hơn.
“Đặc sản của rừng” với giá cao ngất ngưởng
Nhiều người từng uống rượu ngâm thân cây thuốc phiện bảo, loại rượu này có vị hăng hắc, là lạ khác với các loại rượu ngâm động vật hay rễ cây khác. Thực tế, nhiều khi người dân tộc trên vùng cao lâu nay vẫn có thói quen uống loại rượu ngâm rễ cây thuốc phiện, nhưng vài năm lại đây phong trào này lan mạnh xuống miền xuôi.
Trước đây, rễ cây thuốc phiện thường được bán ở các tỉnh miền núi với giá khoảng 400.000 đồng/kg, nếu là cây khô thì giá đắt gấp 4 lần so với cây chưa phơi khô bởi trọng lượng của cây khô bao giờ cũng bị ngót đi nhiều so với việc cây tươi. Rượu ngâm thân cây thuốc phiện khô thường được bán với giá gần 1 triệu đồng/bình. Rượu ngâm quả thuốc phiện khô đã chích nhựa cũng dao động trong khoảng hơn 1 triệu đồng/bình, nhưng nếu ngâm quả tươi chưa khứa lấy nhựa thì giá đắt hơn nhiều.
Tuy nhiên, nhiều người thuộc giới sành rượu ngâm ở Hà Nội lại cho hay, giá của loại rượu này bây giờ đắt hơn nhiều do khó kiếm hơn, nhất là khi nhiều tỉnh vùng cao liên tục ra quân triệt phá các nương trồng thuốc phiện. Một bình rượu 5 lít ngâm rễ cây thuốc phiện mà nhờ mua được tận gốc cũng đã lên tới gần triệu bạc, chưa kể nếu mua qua tay càng nhiều người thì đội giá càng cao. Loại rượu vừa ngâm thân cây tươi, vừa có quả tươi chưa khứa nhựa thì càng khó tìm. Giá của nó cũng vì thế mà cao ngất ngưởng, có khi lên tới gần chục triệu đồng một bình 5 lít. Sẵn nhất có lẽ là loại rượu ngâm với thân, rễ cây thuốc phiện đã phơi khô bởi sau khi cây thuốc phiện bị phá nhổ vứt trên nương rẫy, nhiều người dân do tiếc rẻ đã thu gom về đem phơi khô hoặc ngâm rượu bán ra ngoài.
Loại rượu ngâm do chính những người dân bản địa mang bán được nhiều người cho là bài thuốc bí truyền của người dân tộc, có công dụng thần dược tráng dương, nên những lời đồn thổi này ngày càng lan nhanh. Đặc biệt, mỗi dịp gần Tết thì giá loại rượu ngâm này thường tăng vọt bởi người ta đổ xô nhau đi mua làm quà, coi đó như một thứ "đặc sản của rừng" độc đáo có một không hai. Bởi lợi nhuận cao nên nhiều người bất chấp lệnh cấm, tìm mọi cách vận chuyển, buôn bán rượu ngâm cây thuốc phiện xuống miền xuôi.
"Bản lĩnh đàn ông" tăng đến đâu?
Với cái mác "tráng dương", rượu ngâm cây thuốc phiện đã đánh trúng vào thị hiếu và nhu cầu của một bộ phận lớn dân cư. Tuy nhiên, trên thực tế, việc uống rượu ngâm cây thuốc phiện chỉ là xuất phát từ một thói quen của người vùng cao. Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định rễ và thân cây thuốc phiện liên quan đến tăng cường sinh lý đàn ông.
Nhiều bác sĩ cho biết, tất cả các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng thuốc phiện chưa bao giờ có lợi cho sức khỏe, chỉ có tác dụng an thần, giảm đau và phải dùng đúng liều lượng do bác sĩ chỉ định thì mới phát huy được hiệu quả. Còn theo y học cổ truyền thì nhựa cô đặc từ quả thuốc phiện cũng được dùng để khống chế những cơn đau.
Theo các tài liệu khoa học, việc dùng thuốc phiện có thể gây táo bón, nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc dẫn đến chết người. Thuốc phiện còn là thứ nguy hiểm, tạo cho người dùng thần kinh ảo gây nghiện. Trong Đông y, cây thuốc phiện tuy được kê là một loại cây nằm trong danh mục cây thuốc chữa bệnh nhưng ngay cả trong việc dùng cho mục đích chữa bệnh cũng phải rất thận trọng, không thể tùy ý sử dụng bừa bãi. Đặc biệt, không thể dùng trực tiếp từ cây tươi, mà phải qua bào chế thành thuốc. Việc uống loại rượu ngâm từ thân cây, đặc biệt là thân cây và quả tươi thuốc phiện chắc chắn sẽ gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến thần kinh người sử dụng.
Trên một trang mạng diễn đàn xã hội, một nickname ở Yên Bái đã lên tiếng trước lời đồn thổi về công dụng "thần dược" của loại rượu ngâm cây thuốc phiện như sau: "Những người già ở quê tôi vẫn nói nhiều về tác dụng của thuốc phiện như làm giảm đau, an thần hay là một loại thuốc bổ đối với phụ nữ sau khi sinh. Nếu dùng một liều lượng nhỏ phù hợp cho vào nồi canh hầm gà thì sẽ lại sức nhanh và rất khỏe. Đó là ngày xưa, khi mà việc chữa bệnh của người dân quê tôi còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thuốc, xa bệnh viện. Bây giờ, người ta không dùng thuốc phiện như vậy nữa bởi ai cũng biết mặt trái của nó. Đặc biệt cũng không thấy ai khẳng định rằng uống rượu ngâm từ rễ cây thuốc phiện là tốt. Tôi chỉ nghe mấy bác nông dân hay các anh đi làm rừng nói rằng khi đi làm mà uống một chút rượu này thì làm việc rất khỏe, nhưng sau khi hết rượu lại có cảm giác rất mệt mỏi".
Công dụng "thần dược" tráng dương thì chưa được bất kỳ nghiên cứu hay tài liệu khoa học nào chứng minh nhưng trên thực tế đã có không ít vụ ngộ độc do uống quá nhiều rượu ngâm cây thuốc phiện. Gần đây nhất có tới 6 người ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cùng phải đi cấp cứu vì ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây thuốc phiện.
Vừa qua, TAND thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái xác định, Bùi Thị Hoa (38 tuổi) trú phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ - nhiều lần mua thân, rễ, lá, quả thuốc phiện về ngâm rượu để bán đi Hà Nội, Lào Cai và một số nơi khác. Khi khám nơi ở của người phụ nữ này và một số người liên quan, cảnh sát kinh tế Yên Bái thu hàng trăm bình thủy tinh bên trong có chứa hơn 1.500 lít rượu ngâm với thân, rễ, quả cây thuốc phiện cùng 12 kg cây thuốc phiện chưa sử dụng... Hoa khai nhận tổ chức thu gom cây thuốc phiện của một số người dân ở huyện Trạm Tấu. Mỗi bó cây thuốc phiện gồm cả thân, quả, lá, trọng lượng 5kg được mua với giá 40.000 đồng. Sau khi chế biến thành từng loại cây, rễ, lá, quả riêng biệt, Hoa cho vào bình ngâm với rượu, sau đó cất giấu chờ cơ hội thuận tiện sẽ mang đi tiêu thụ.
Tại thị xã Nghĩa Lộ, một bình rượu 5 lít loại này có giá 600.000 đồng và khi vận chuyển đến các địa bàn khác thì giá thành có thể tăng lên gấp vài lần. Một cán bộ điều tra cho biết, uống rượu này, người sử dụng có thể dương tính với kết quả kiểm tra chất ma túy.
Mở rộng vụ án, cảnh sát xác định Lò Văn Diện (31 tuổi) được Hoa thuê phân loại, chế biến thân, lá, rễ, quả cây thuốc phiện, phơi ráo nước trong quá trình "sản xuất". Diện cũng mua của Hoa 8kg cây thuốc phiện tươi để bán lại cho người khác. Tại phiên xử cuối tháng 12/2010, TAND thị xã Nghĩa Lộ tuyên 2 bị cáo cùng phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Hoa bị phạt 7 năm tù giam; Diện nhận 3 năm tù treo, thời gian thử thách 5 năm.
T.L
Theo thống kê của Công an tỉnh Yên Bái, từ đầu năm 2011 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện và bắt giữ 2 vụ vận chuyển và mua bán thân, rễ, quả cây thuốc phiện trái phép. Qua đó, đã thu giữ 7,7kg thân, rễ cây thuốc phiện và 4,3kg quả thuốc phiện tươi. Cả 2 đối tượng bị bắt giữ đều trú tại huyện Trạm Tấu. Theo Trung tá Chu Văn Hải, Phó chánh văn phòng Công an tỉnh Yên Bái, trong khoảng 2 năm gần đây, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện bắt đầu có dấu hiệu xuất hiện ở 2 huyện Trạm Tấu và Mù Căng Chải. Để ngăn chặn tình trạng này, Công an tỉnh đã liên tục phải cử cán bộ trinh sát về các huyện này, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và chính quyền địa phương tổ chức tuần tra tại các điểm nóng, nếu phát hiện nơi nào có trồng cây thuốc phiện thì ngay lập tức chặt phá.
Tuy nhiên, vì phần lớn các địa điểm trồng cây thuốc phiện đều ở những khu vực rất xa xôi, hiểm trở; thêm nữa là để tránh sự phát hiện và ngăn chặn của cơ quan chức năng, các đối tượng trồng thuốc phiện có xu hướng xé lẻ diện tích trồng hoặc trồng xen kẽ trong rừng, trồng lẫn với các loại hoa màu khác nên công tác trinh sát của lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn.
Về tình trạng ngâm, mua bán thân, rễ, quả cây thuốc phiện làm rượu, Trung tá Hải cho biết, ngày 19/5/2010, UBND tỉnh Yên Bái đã có Chỉ thị số 12/2010/CT-UBND về việc nghiêm cấm các hành vi vận chuyển, tàng trữ, mua bán, sử dụng, tặng cho các loại thân, rễ, lá, quả cây thuốc phiện. Theo đó, tất cả các trường hợp vi phạm bị phát hiện sẽ bị xử lí theo Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 7/4/2008 của Chính phủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu và Thông tư số 10/2008/TT-BCT ngày 25/7/2008 của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 40/2008/NĐ-CP.
T.L
Lã Xưa
Nguồn: http://www.haingoaiphiemdam.com/news/index.php?mod=article&cat=SứcKhỏe&article=672