Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Cát bụi đi về!



Cát bụi đi về!

Kính tặng Lm Lê Quang Uy và  nhóm FIAT
 _______________________________________________
Điều trị bệnh viêm gan C là đánh một canh bạc vô cùng gian nan. Căn bệnh có tỷ lệ dẫn đến xơ gan,  ung thư gan trong một phần năm trường hợp này cần phải có khoảng 15.000 USD cho 1 năm điều trị. Đó là chưa kể những tác dụng phụ rất phiền toái như rụng tóc, thiếu máu, trầm cảm, sốt, đau nhức… khi chích thuốc.
Dù tốn kém, điều trị phức tạp, điều trị viêm gan C là một tiến bộ y học vượt bậc. So với thập niên 80, khi mới biết đến căn bệnh này, mọi việc mà người thầy thuốc có thể làm được là đưa ra một vài lời khuyên chung chung như bỏ rượu, sống lạc quan (?), kiêng cữ, điều độ… và giương mắt ngó!
Nhưng như mọi trò đỏ đen khác, canh bạc này còn khó chịu ở chỗ phần chắc thắng, với những thống kê lạc quan nhất, lại vào khoảng 70%. Nghĩa là sau 1 năm theo dõi sát sao với đủ thứ tác dụng phụ, tốn một đống tiền, vẫn sẽ có khoảng 30% người bệnh không may bị tái phát. Siêu vi C vẫn tiềm tàng trong cơ thể họ như một trái bom nổ chậm, và có nguy cơ chuyển thành ung thư gan, xơ gan lúc nào không biết.
Canh bạc này mỉm cười với T., một tay chơi có hạng. Dân nhậu, cắm trại quanh năm ở các vũ trường, T. mắc phải viêm gan C qua một lần xài chung ống chích ma túy. Chưa tởn, T. đi khám thất thường, thuốc men thì vợ phải lạy lục van vỉ như chiều vong mới chịu uống. Và vẫn nhậu đều chi!
Chểnh mảng như vậy mà T. lành bệnh! Ngày gặp T. lần cuối, cầm tờ xét nghiệm âm tính trong tay mà chỉ biết chép miệng: “con người ta có số!”. Và rõ ràng là số T. quá lớn để lành hẳn bệnh viêm gan C, để tiếp tục… nhậu và đi đến xơ gan bằng một cách khác: rượu!
Trái ngược với bệnh nhân bất trị T., bà B. quả là một bệnh nhân gương mẫu. Đi khám bệnh đúng giờ, thuốc men, kiêng cữ cứ đúng y như sách thuốc. Người đàn bà gốc Bắc di cư này chưa một lần sai hẹn khám bệnh. Mà cái cách bà ta đi khám bệnh mới thật đáng yêu: ăn mặc giản dị, tươm tất, nói năng cực kỳ lễ độ. Đến bệnh viện là ngồi thu mình vào một góc, rút tràng hạt thầm thĩ đọc kinh, kiên nhẫn ngồi đợi đến lượt mình mà không hề buông một lời ca thán.
Phàm đã làm nghề thầy thuốc thì chẳng nên để tình cảm riêng chen vào công việc, ai cũng biết thế. Nhưng chắc không bạn đọc nào nỡ trách móc, nếu như cái lòng mong mỏi của tôi cho bà B., nó lớn hơn nhiều, nhiều lắm so với kỳ vọng dành cho T., gã bệnh nhân-bợm nhậu lưu niên kia.
Nhưng số phận không mỉm cười với bà B.: bệnh của bà ấy tái phát! Khỏi phải nói ra sự khó khăn xen lẫn ngượng ngập của tôi khi thông báo kết quả tệ hại này. Vậy mà người bệnh nhân thân mến của tôi, sau khi lặng đi một lúc, chỉ ôn tồn nói khẽ:
- Thì thôi vây! Ý Chúa muốn, tôi phải chấp nhận!
- Dù sao bác sĩ cũng đã cố gắng hết sức, tôi cảm ơn bác sĩ!
Vậy đó, người phụ nữ luống tuổi này vẫn lặng lẽ đi kiểm tra lá gan tội nghiệp của mình đều đặn. Đều đặn đến mức, cả đôi bên đều phát chán với dăm xét nghiệm máu, siêu âm… chỉ để đưa đến một kết luận trớt hướt: “Gan bà còn tốt, không thấy dấu hiệu ung thư hay xơ gan!”
Ba tháng một lần, trong 8 năm trời như thế!
Vậy mà hôm nay, chỉ số ung thư gan trong máu tăng vọt lên. Dụi mắt xem kết quả MRI thì trời ơi, một khối ung thư đã xuất hiện trong gan phải. Không lầm vào đâu được!
Cuộc nói chuyện với bà B. hôm đó cực kỳ khó khăn, với rất nhiều ngập ngừng. Phải giải thích cho bà ấy những cách điều trị ung thư gan với những chi phí tốn kém và tác dụng phụ của nó. Mà cách nào cũng thế, cơ hội sống thêm 5 năm của bà ấy không quá 10%.
Đối thoại với bệnh nhân như thế, chẳng khác nào giải thích cho một con người tỉnh táo, minh mẫn là họ đang chết, và ngày chết đang đến rất gần. Không một người thầy thuốc nào thấy dễ chịu với một cuộc nói chuyện nặng nề như vậy. Nhất là nếu con người đối diện đang hoảng hốt, sợ hãi, khóc lóc… Thậm chí trách móc, oán hận!
Vậy mà bà B., người phụ nữ ở một vùng quê Bắc di cư, chỉ thinh lặng nghe từ đầu đến cuối. Cầm giấy chuyển viện (đến khoa ung bướu) trong tay, bà ấy đứng dậy, khẽ khàng nói mà ngân ngấn nước mắt:
- Tôi biết bác sĩ đã cố gắng hết sức chăm sóc cho tôi trong 8 năm qua. Tôi sẽ tiếp tục điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhưng nếu đã đến ngày Chúa gọi về, tôi xin vâng vậy!
- Cảm ơn bác sĩ, xin Chúa giữ gìn bác sĩ để sống và giúp cho người khác.
Rất nhiều poster, affiche quảng cáo cho bệnh viện là hình ảnh người bệnh nhân ra viện tươi tắn, với hoa trong tay, với người thân bên cạnh. Và người thầy thuốc của họ, cũng tươi tỉnh, chỉn chu như vừa đập hộp. Quảng cáo thì phải thế, phải gợi ra sự lạc quan, niềm tin vào một nền y học đang tiến bộ từng ngày, đang đẩy lùi rất nhiều căn bệnh nan y.
Nền y học ngạo mạn ấy đã chào thua trước căn bệnh của bà B., đã thất bại với xác suất 30% rơi trúng vào người bệnh nhân đáng mến ấy.
Y học là hữu hạn, và con người y học cũng thế. Dẫu biết thế nhưng buổi chiều chia tay với bà B. là một buổi chiều nặng nề và u ám quá chừng!
“Vi nhân nan!”. Sống đã khó, sống tử tế lại càng khó! Nhưng cách đi vào cõi chết của bà B., lại vô cùng khó đến mức làm cho ta phải nghĩ ngợi và răn mình.
Con người khiêm nhu ấy, xứng đáng với một cuộc ra đi thanh thản, nhẹ nhàng. Như cách bà ấy đối xử khoan hòa, thân ái với người thầy thuốc thất bại của mình trong 8 năm qua.
Có những người mà cách sống giản dị, khiêm cung của họ làm ta hổ thẹn. Và cách đi vào cõi chết an nhiên, bình thản của họ làm ta ao ước. Khi trông vào cách sống nhún nhường nhưng can đảm của họ, cái lòng kiêu ngạo của con người ta quả thực đã giảm đi nhiều lắm.
Bà B., bệnh nhân của tôi là một người như vậy, thưa các bạn!