Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Đá gà là cha cờ bạc?

Cờ bạc là bác thằng bần?

T/S Alan Phan
29 April 2012
Thực sự, bỏ đi những hăng say về nghĩa vụ xã hội còn sót lại từ một tư duy già cỗi, chúng ta phải nhìn nhận là những anh chị nghèo hay giàu khi đam mê cờ bạc vẫn có rất nhiều cách khác để mất tiền, và họ đã mất phần lớn rồi. Không những qua các số đề hay cá cược hay các sòng bài bên Campuchia, Singapore…, mà qua bất động sản, chứng khoán và lối kinh doanh đòn bẫy dùng tiền người khác (OPM).
 
Tôi đến Las Vegas lần đầu vào mùa hè 1964. Nhóm sinh viên 4 người chúng tôi hùn hạp để đi du lịch một vòng xứ Mỹ nhân dịp có 26 ngày nghỉ giữa 2 khóa học. Khi dừng chân ở Vegas, chúng tôi đồng ý trích ra 200 đô la từ ngân sách và nếu thua hết, sẽ về khách sạn sớm để sáng mai lên đường. Nào ngờ cô bạn gái tôi may mắn, thắng được 3 ngàn đô la. Chúng tôi khoái trá, làm vài ly bia miễn phí rồi về phòng lúc 1 giờ sáng. Cô bạn còn ham hố, xin ở lại vài phút. Khi chúng tôi ngủ dậy lúc 8 giờ sáng, cô đã thua lại hết tiền và muốn gỡ, cô đã lẻn về phòng móc sạch tiền của bọn tôi và nướng trọn cho sòng bài.
Nguy kịch vì 4 đứa đều là sinh viên nước ngoài, không bà con thân thuộc để có thể xin ai gời tiền khẩn cấp. Chúng tôi kẹt lại ở Vegas suốt 7 ngày sau đó, ngủ trong xe và làm đủ mọi chuyện từ rửa chén bát đến quét đường để kiếm tiền ăn và tiền xăng chạy về trường đại học ở tuốt bên Pennsylvania. Mấy chục năm sau đó, tôi ghé lại Vegas cả trăm lần vì hội nghị và họp hành, nhưng không bao giờ mất một đồng nào cho sòng bài.
Tuy nhiên, Vegas không cần tiền của tôi. Từ chỉ 6 sòng bạc cỡ trung bình thời 60’s, Vegas đã phát triển trên 120 sòng bài với doanh thu 11.2 tỷ đô la mỗi năm và góp khoảng 3.7 tỷ đô la cho ngân sách của thành phố và tiểu bang, chưa nói đến những doanh nghiệp liên quan sống nhờ vào khách đánh bạc.
Tư duy về cờ bạc và nghèo đói
Từ ngày còn bé, trong cái tứ đổ tường mà cha mẹ răn dạy, cờ bạc là điều cấm kỵ bậc nhất trong gia đình tôi. Ngay cả những ngày Tết, cha tôi thường xua đuổi những gánh “bầu cua cá cọp” muốn tụ họp trước sân nhà. Với truyền thống đó, khi lớn lên, tôi không những dị ứng với cờ bạc, mà còn xem đó là một tội phạm.
Cho đến khi tôi bắt đầu làm ăn…và nhất là khi nhẩy vào lĩnh vực tài chánh.
Khi tôi mắng một nhân viên ham mê cá ngựa, bỏ bê công việc, anh ta trả lời,” tôi chỉ là thằng đánh cò con, ăn thua vài trăm đô mỗi lần. Còn ông, khi đầu tư vào một dự án, con ngựa ông cá cược có thể làm ông thắng hay mất cả triệu đô. Ông đánh bạc lớn hơn tôi nhiều”.
Tôi nhớ lại ngày mới ra trường, làm nhân viên giao dịch hàng hóa (commodity trader) cho một ngân hàng ở Wall Street. Tôi đã đánh bạc liên tục 7 giờ mỗi ngày, được hay mất cả triệu đô la cho công ty, mà không thực sự đóng góp gì cho quy trình sản xuất cua nền kinh tế. Thực ra, tôi chỉ là một con chốt nhỏ, đánh thuê. Nhưng những người chủ của tôi không hề là “thằng bần” như cha mẹ tôi đã giáo dục. Các lãnh đạo này kiếm cả mấy triệu đô la mỗi năm; chưa kể tiền thưởng.
Nền kinh tế cờ bạc
Càng lao đầu vào thương trường, tôi càng thấy tính chất “cờ bạc hóa” trong rất nhiều hoạt động. Trên mọi sàn giao dịch hàng hóa, 99% hợp đồng là một hình thức cờ bạc vì chỉ 1% người mua kẻ bán là có ý định nhận hay giao hàng. Khi món hàng là lãi suất, chỉ số hay phát sinh (derivatives) thì 100% là đánh cược. Có tổng cộng 3.5 tỷ hợp đồng trị giá 400 ngàn tỷ đô la được giao dịch mỗi năm. Đây là một sòng bạc lớn hơn Vegas, Macau và mọi sòng bạc trên thế giới cộng lại.
Mặc cho những biện giải về giá trị tạo vốn cho doanh nghiệp, các sàn chứng khoán trên thế giới thực sự là những sòng bạc vĩ đại cho các tay chơi, từ nhà đầu tư cá nhân đến tổ chức. Ít tay chơi nào quan tâm đến số mệnh của một doanh nghiệp hay việc làm của công nhân mà chì lưu ý đến ảnh hưởng của nó trên số tiền kiếm được hay mất. Một thống kê mới nhất của NYSE (sàn New York) cho thấy 72% giao dịch mua bán chỉ giữ thời hạn là 11 giây. Có đến 70 ngàn tỷ đô la lưu thông mỗi ngày trên các sàn chứng khoán thế giới.
Nhìn ở dạng rộng hơn, trong những nước mà người dân không được phép đánh bạc thoải mái thì vé số kiến thiết, số đề, cá cược bóng đá, đánh bạc trên mạng Net…trở nên phổ biến. Tại Mỹ, lối đánh bạc không chính thống này được phỏng đoán lên đến 4.5 ngàn tỷ đô la hay 4% của GDP. Trong khi đó, con số cho Âu Châu là 7.2% và Hồng Kông là 8.9%. Tôi không có số liệu của Việt Nam nhưng tôi chắc chắn là phải hơn các con số này.
Người thắng kẻ thua
Tóm lại, dù ta có ghét cờ bạc đến đâu, nó vẫn hiện diện cùng khắp mọi xã hội, văn hóa…Tác động và hệ quả của nó cũng khác biệt tùy theo đối tượng. Nhiều con bạc không có kỷ luật và tham lam, thường cháy túi và lâm vào cảnh bần hàn. Những người không chấp nhận nhiều rủi ro, biết kiểm soát cảm xúc, có thể thắng nhỏ và đều đặn. Những tay “làm cái” tổ chức sòng bài, biết rõ xác suất và tâm lý con bạc, luôn luôn thắng. Đôi khi, những sư tổ quản lý các sòng “tài chánh” như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…này đi quá trớn, vừa tham vừa ngu, nên tạo những mất mát khổng lồ, lại được chánh phủ cứu giúp bằng tiền của dân. Những thí dụ gần nhất là cuộc khủng hoàng tài chánh Mỹ năm 2007, số nợ công Âu Châu hiện nay và các biện pháp hành chánh Việt Nam đang áp dụng.
Cách đây 40 năm, những đầu tàu của kinh tế Mỹ là các doanh nghiệp nhỏ sản xuất công nghệ, dịch vụ y tế, giáo dục, xã hội…và nông hải sản. Ngành tài chánh chỉ chiếm 3.4% của GDP. Năm 2010, tỷ lệ này lên đến 14.7% và ước tính sẽ còn tăng trưởng ngoạn mục trong tương lai gần. Hiện tượng “cờ bạc hóa” nền kinh tế Mỹ đang được thế giới sao chép, nhất là Âu Châu và Đông Á. Các trung tâm tài chánh thế giới là những điềm hẹn của mọi lối đánh bạc. Hong Kong, Singapore, Dubai…là 3 nơi mà “cờ bạc kiểu tài chánh” đóng góp hơn 70% của GDP.
Sòng bài tại Việt Nam??
Quay về Việt Nam, chúng ta đang có một tranh luận khá thú vị về việc cho giấy phép mở sòng bài của tập đoàn Sands. Phần lớn quay quanh những tệ nạn xã hội sẽ xẩy ra với sòng bài. Thực sự, bỏ đi những hăng say về nghĩa vụ xã hội còn sót lại từ một tư duy già cỗi, chúng ta phải nhìn nhận là những anh chị nghèo hay giàu khi đam mê cờ bạc vẫn có rất nhiều cách khác để mất tiền, và họ đã mất phần lớn rồi. Không những qua các số đề hay cá cược hay các sòng bài bên Campuchia, Singapore…mà qua bất động sản, chứng khoán và lối kinh doanh đòn bẫy dùng tiền người khác.
Nếu chỉ nghĩ đơn thuần đến lợi ích kinh tế, một sòng bài sẽ phải đầu tư khoảng vài tỷ đô la, phải thuê và đào tạo cả ngàn nhân viên Việt, thu hút cả trăm ngàn du khách đến chơi và rửa tiền, cùng những lợi ích khác mà không ô nhiễm môi trường hay phá rừng đập núi. ( Về rửa tiền, đây là lý do tại sao Vegas có đông người chơi gấp 3 lần Macau mà doanh thu chỉ bằng 76%. Tỷ lệ ăn thua tính theo người chơi ở Singapore tương tự như Macau).
Chúng tôi chỉ cảnh giác chánh phủ là khi mở cửa cho Sands, thì nên mời luôn Wynn, MGM, Harrah’s, nhóm Galaxy của gia đình Stanley Ho, nhóm Genting…Phải mở rộng cạnh tranh để tạo cụm ngành (clusters) cho thị trường và tạo thế đứng cho một kỹ nghệ mới. Nếu Saigon cạnh tranh hữu hiệu với Macau thì sức bật của chương trình này tốt đẹp hơn bất cứ gói kích cầu nào khác; và chánh phủ cũng không phải in tiền hay đi vay để hổ trợ.
(Trong tinh thần minh bạch và khai báo toàn diện, tôi xin nói rõ là không ai thuê tôi viết bài này, tôi không đầu tư vào các công ty liên quan đến cờ bạc và tôi không có một lợi ích kinh tế hay tài chánh nào trong các quyết định của chánh phủ.)
T/S Alan Phan
(Bài đã được VNExpress xuất bản vào 8 May 2012 dưới tên “Cờ bạc hóa” trong nền kinh tế”)
T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.